Ông Phạm Nhật Vượng cùng tỷ phú người Thái mất hàng nghìn tỷ đồng trong 1 ngày
Thị trường chứng khoán chiều qua (27/6) đã trải qua một phiên giao dịch tồi tệ khi các chỉ số lao dốc mạnh vào cuối phiên. VN-Index mất tới 16,02 điểm tương ứng 1,67% còn 943,11 điểm và HNX-Index mất 0,99 điểm tương ứng 0,96% còn 102,96 điểm.
Toàn thị trường bị nhấn chìm trong sắc đỏ khi có 370 mã giảm giá, 25 mã giảm sàn so với 246 mã tăng và 38 mã tăng trần.
Thanh khoản có tăng so với phiên trước, đạt 159,03 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.514,62 tỷ đồng và 27,32 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 321,42 tỷ đồng. Điều này cho thấy, một bộ phận nhà đầu tư đã tranh thủ cơ hội giảm giá để mua cổ phiếu “rẻ”.
Thị trường chứng khoán vừa có một phiên giao dịch tệ nhất 4 tháng |
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có diễn biến tiêu cực khi trong rổ VN30 có tới 27 mã giảm điểm. Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index hôm qua là GAS, SAB và MSN khi các cổ phiếu này lấy đi của chỉ số lần lượt 2,36, 1,22 và 0,77 điểm.
Theo ghi nhận của Chứng khoán Bản Việt, VN-Index đã có phiên giảm điểm mạnh nhất từ ngày 25/3 đến nay và chạm mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua trong khi các thị trường chứng khoán châu Á khác đều tăng điểm.
Cụ thể, GAS mất 6,4% giá trị (6.700 đồng), giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng qua và phiên 27/6 cũng là phiên mã này giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Một số mã xăng dầu và năng lượng khác cũng giảm như PLX giảm 1,4%; POW giảm 2,4%, PVD giảm 3,2% và PPC giảm 3,5%.
Trong phiên này, VIC giảm 2.000 đồng tương ứng 1,7% và công ty con VRE cũng giảm với biên độ tương tự, mất 1,7%; VHM giảm 1,9% xuống mức thấp nhất 6 tháng. Phiên giảm mạnh này khiến tài sản trên sàn của người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng bị giảm hơn 3.730 tỷ đồng.
VCB hôm qua giảm thêm 1.000 đồng tương ứng 1,4% và mức giảm tại mã này tổng cộng đã là 4,8% trong 3 phiên vừa qua.
SAB của Sabeco cũng mất tới 10.000 đồng còn 272.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, ông chủ người Thái - tỷ phú Charoen Sirivadhanabakdi cũng bị sụt tới 3.436 tỷ đồng giá trị tài sản trên HSX vào hôm qua.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lại có diễn biến tích cực bất chấp bối cảnh thị trường chung bất lợi. DHG tăng 1,7% và đã tăng gần 6,5% trong một tuần qua. FRT tăng lên mức cao nhất từ đầu tháng 3. Trong số các cổ phiếu tăng giá khác còn có KDH tăng 2,9% và EIB tăng 1,4%.
Nhận định về thị trường, công ty chứng khoán BVSC lại nhận định, thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong phiên cuối tuần. VN-Index sẽ có lần thứ 3 kiểm định lại vùng hỗ trợ 935-940 điểm.
Phản ứng hồi phục của thị trường có thể sẽ xuất hiện tại vùng hỗ trợ này, tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng rủi ro ngắn hạn của thị trường đang có dấu hiệu gia tăng mạnh trở lại nên nhiều khả năng thị trường sẽ sớm xuyên thủng vùng hỗ trợ này để hướng đến các vùng hỗ trợ sâu hơn trong thời gian tới.
Trong bối cảnh thị trường đang rơi vào trạng thái biến động mạnh theo hướng tiêu cực như hiện tại thì hoạt động chốt NAV (giá trị tài sản ròng) quý 2 của các quỹ vào ngày hôm nay sẽ càng khiến cho diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn biến động khó lường hơn trong phiên cuối tuần.
Nhà đầu tư được khuyến nghị nên xem xét giảm tỷ trọng danh mục về mức thấp 20-25% cổ phiếu trong giai đoạn này khi rủi ro ngắn hạn của thị trường đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo trong các nhịp giảm mạnh của thị trường mà nên tranh thủ các nhịp hồi phục kỹ thuật của chỉ số để thực hiện các hoạt động bán giảm tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn trong danh mục.
Theo Dân trí
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (26/10): Dầu thô tiếp đà tăng
-
Chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế là không công bằng đối với các doanh nghiệp
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý