"Ông chủ" Asanzo lên tiếng: 70-80% phần cứng sản phẩm tivi nhập từ nước ngoài
Ông Phạm Văn Tam, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo đưa ra những bảng quy trình lắp ráp Panel, nạp phần mềm để chứng minh những gì mình nói. Ảnh: Đại Việt |
Ngày 23/6, ông Phạm Văn Tam, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho biết, sau khi báo chí đưa thông tin Asanzo dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thì bản thân ông rất buồn. Bởi, Asanzo là thương hiệu Việt Nam được phát triển tâm huyết.
“Tôi không thể im lặng lúc này, Asanzo là đứa con tinh thần của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho truyền thông, các cơ quan chức năng để mọi người hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất. Những thông tin trên báo có thể gây hiểu lầm về thương hiệu và sản phẩm Asanzo”, ông Tam nói.
Theo ông Tam, mục tiêu kinh doanh của Asanzo là mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm tivi, máy lạnh chất lượng, giá cả hợp lý. Với mục tiêu đó, Asanzo có sử dụng những linh kiện, nguyên liệu từ trong nước và nước ngoài. Trong đó có linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan để lắp ráp tivi, máy lạnh.
Về việc báo chí thông tin Asanzo cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China” trên Panel LCD (khung hiển thị màn hình tinh thể lỏng), ông Tam chia sẻ, theo quy trình của Asanzo, Panel LCD là một linh kiện bên trong của tivi và các công nhân không gỡ bỏ tem sườn có chữ “Made in China” trên linh kiện này. Công nhân chỉ dán thêm tem bảo hành cho linh kiện Panel LCD.
“Chúng tôi không việc gì phải xóa chữ Made in China đi cả, bởi bộ phận này sẽ nằm bên trong phần vỏ nhựa bao bọc bên ngoài. Chẳng lẽ chúng tôi nuôi hàng ngàn công nhân chỉ để xóa chữ thôi sao. Quy trình thực hiện của chúng tôi hoàn toàn không có điều này. Chúng tôi chỉ dán dòng chữ “Xuất xứ Việt Nam” ở bên ngoài sản phẩm hoàn thiện, điều này là phù hợp với quy định hiện hành”, ông Tam trình bày.
Theo ông Tam, nhiều hãng sản xuất điện tử lớn trên thế giới cũng đang phải nhập linh kiện từ nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc là “thiên đường” nhập hàng của các hãng điện tử.
Hiện nay, 70-80% phần cứng của tivi Asanzo là nhập từ nước ngoài, phần còn lại được sản xuất trong nước. Riêng phần mềm tivi thì được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.
“Nếu các doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử ở Việt Nam có thể sản xuất được những linh kiện chất lượng, giá cả phải chăng thì chúng tôi chẳng dại gì phải đi nhập từ nước ngoài cả. Việc sản xuất màn hình thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể sản xuất được nhưng vốn đầu tư lớn và rất ô nhiễm môi trường nên chúng tôi không thể bất chấp để sản xuất ở Việt Nam”, ông Tam nhấn mạnh.
Hàng ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy của Asanzo. Ảnh: Đại Việt |
Lý giải về dòng chữ quảng cáo “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, ông Tam chia sẻ, dòng chữ này có ý nghĩa là dây chuyền sản xuất tại nhà máy được kiểm soát bằng công nghệ Nhật Bản. Đây là các công nghệ được chuyên gia Nhật Bản chuyển giao. Cụ thể, công nghệ này sẽ kiểm soát việc lên chuyền của sản phẩm, kiểm soát các tiêu chuẩn vệ sinh bo mạch, sơn…xem chúng có an toàn hay không.
Trả lời về việc nhập “nguyên con” các sản phẩm điện gia dụng rồi dùng thương hiệu Asanzo bán ra thị trường thì CEO Phạm Văn Tam cho rằng, sau khi các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những chính sách thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại thì Asanzo đã không thể cạnh tranh nổi.
Asanzo đã chuyển từ lắp ráp sản phẩm sang vai trò đối tác thương mại, tức sản phẩm của Asanzo được gia công ở nước ngoài rồi nhờ các công ty phụ trợ nhập về Việt Nam và bán lại cho Asanzo. Việc nhờ đơn vị khác nhập khẩu giùm nhằm đảm bảo sự linh động của nguồn vốn.
Hiện đang có gần 100 công ty phụ trợ trong nước cung cấp hàng cho Asanzo. Tuy nhiên, ông Tam thừa nhận Asanzo đang kiểm soát đầu vào của các nhà cung cấp chưa được chặt chẽ vì lo theo đuổi việc quảng bá, chăm sóc khách hàng.
Ngay trong tuần sau, doanh nghiệp này sẽ rà soát lại toàn bộ năng lực, chất lượng của các công ty phụ trợ để cải tổ lại hệ thống. Công ty phụ trợ nào không đạt chất lượng sẽ ngừng hợp tác.
Kho bãi của Asanzo chủ yếu là chứa tivi. Ảnh: Đại Việt |
Thông tin với Dân Trí về việc Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao “tước” danh hiệu của Asanzo, ông Tam cho biết, thương hiệu này được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao là đúng theo quy định của hội.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, Asanzo chỉ tập trung vào sản xuất tivi và không còn sản xuất hàng gia dụng.
“Đáng lẽ khi không còn sản xuất hàng gia dụng thì chúng tôi nên trả lại danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao cho hội. Nhưng chúng tôi lại chưa trả dẫn đến việc bị tước danh hiệu. Riêng sản phẩm tivi thì chúng tôi sẽ tự xây dựng và tự chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng”, ông Tam nói.
Đáng chú ý, trong ngày hôm qua (24/6), bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã cho biết, Asanzo được người tiêu dùng bình chọn ở ngành Điện tử gia dụng, và chỉ có 2 sản phẩm được chứng nhận HVNCLC là: Tivi và Thiết bị Smart Box (cục bắt tín hiệu truyền hình mặt đất). Các sản phẩm khác của Asanzo thuộc ngành máy móc gia dụng không được người tiêu dùng bình chọn (dữ liệu điều tra đang lưu trữ có ghi nhận cụ thể và ban tổ chức cuộc điều tra cũng thông báo cho doanh nghiệp như vậy).Tham khảo thông tin từ bài điều tra của báo Tuổi Trẻ “...Ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu (Asanzo) từ Trung Quốc...Trong năm 2018, 2019, công ty CP tập đoàn Asanzo tiếp tục nhập nhiều linh kiện điện tử có in sẵn nhãn hiệu Asanzo (từ Trung Quốc) và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu gì từ Trung Quốc”.Đối chiếu với hồ sơ kinh doanh mà Asanzo cung cấp cho Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng caođang lưu trữ sẵn tại văn phòng Hội (đây là một phần của thủ tục để nhận danh hiệu), chúng tôi thấy doanh nghiệp cho biết là DN sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng (được bình chọn) tại 2 nhà máy: nhà máy 1 rộng 5.000 m2 và nhà máy 2 rộng 1.740 m2 là không đúng với thực tế. "Như vậy bên cạnh thông tin điều tra của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi cũng có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp, thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo, cũng là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận. Từ đó, chúng tôi tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng", bà Kim Hạnh cho biết. Bà Vũ Kim Hạnh cũng khẳng định: "Không hề có việc chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho tất cả sản phẩm của doanh nghiệp và tuyệt nhiên không có "kinh doanh mua bán" nhãn hiệu này"."Ban chấp hành Hội sẽ họp ngay vào đầu tuần, bên cạnh việc bàn kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm là tập trung tổng rà soát tất cả danh sách doanh nghiệp được bình chọn 2019 trong tình hình đặc biệt hiện nay, việc đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để giả xuất xứ VN ngày càng nghiêm trọng", bà Hạnh cho biết thêm. |
Theo Dân trí
-
Đề xuất tạm dừng việc ban hành Thông tư quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
-
Phát hiện 4,2 tấn hành tỏi Trung Quốc nhập lậu
-
Bắc Kinh kêu gọi Washington dỡ bỏ chính sách thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc
-
Giáp Tết, xúc xích, mực cùng loạt đồ nhập lậu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
-
Bất chấp Covid-19, hàng Trung Quốc vẫn dồn dập đổ về Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11