Nuôi 1.000 con lợn thịt được ngân sách hỗ trợ 3 tỉ đồng
Cụ thể, tại mục Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, Bộ KH&ĐT đưa đề nghị hỗ trợ 3 tỉ đồng/dự án đối với chăn nuôi lợn, với điều kiện chăn nuôi thường xuyên, tập trung từ 1.000 con lợn thịt trở lên hoặc 300 con lợn nái cụ kỵ, ông bà hoặc 400 con lợn nái bố mẹ.
Nuôi 1.000 con lợn đủ điều kiện được hỗ trợ 3 tỉ đồng từ ngân sách (ảnh minh họa) |
Nhà nước hỗ trợ 5 tỉ đồng/dự án đối với với chăn nuôi bò sữa, trâu, bò cao sản, dê, cừu. Điều kiện là phải có 100 con trâu, bò cái giống cao sản, hoặc 200 con bò thương phẩm cao sản, hoặc 400 con dê cừu sinh sản, giống cao sản trở lên hoặc từ 600 con dê, cừu thương phẩm, 150 con bò sữa cao sản trở lên.
Khoản tiền hỗ trợ trên để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị.
Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ theo quy định như trên, dự án còn được hỗ trợ 70% chi phí (nhưng không vượt quá 5 tỉ đồng) để đầu tư xây dựng các hạng mục trên.
Ngoài hỗ trợ hạ tầng, nếu dự án nhập giống gốc cao sản vật nuôi được hỗ trợ 40% chi phí nhập giống gốc; hỗ trợ nhập bò sữa giống từ các nước phát triển cho DN nuôi trực tiếp và nuôi phân tán trong các hộ gia đình là 10 triệu đồng/con đối với tỉnh đã có đàn bò sữa trên 5.000 con và hỗ trợ 15 triệu đồng/con đối với các tỉnh còn lại (có thể lập dự án riêng).
Trước đó, trong lần lấy ý kiến thứ nhất của Dự thảo Nghị định trên, Bộ KH&ĐT cũng đưa ra nhiều ưu đãi cho DN nông nghiệp khi sản xuất quy mô lớn, chuỗi hàng hóa khi đáp ứng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Mức hỗ trợ thấp nhất là 200 triệu đồng, cao nhất là 10 tỉ đồng. Trong đó, DN mua các bản quyền công nghệ nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/đề tài/bản quyền.
Dự thảo Nghị định trên đưa ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đi hết từ cuộc giải cứu này đến cuộc giải cứu khác. Bắt đầu là cuộc giải cứu quả vải thiều, chuối, thanh long, dưa hấu đến nay là lợn thịt.
Việc được mùa rớt giá, trồng - chăn nuôi không quy hoạch, không tính đến cân đối thị trường đã khiến ngành nông nghiệp Việt Nam luôn phải đối mặt với vấn đề dư thừa sản lượng, khủng hoảng về thị trường tiêu thụ.
Ngay lúc này, đang là cao điểm của đợt giải cứu đàn lợn thịt trên phạm vi toàn quốc bởi sau 10 năm, giá lợn thịt xuất chuồng đã giảm xuống đáy do đàn lợn bùng phát mạnh, xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ dừng ở tiểu ngạch, thị trường trong nước bão hòa.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước bày tỏ lo ngại, giữa bối cảnh này, chính sách phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là hỗ trợ DN phát triển đàn lợn cần tuân thủ quy luật thị trường và tránh hỗ trợ chính sách làm méo mó, mất cân đối cung cầu và khiến nguồn lực Nhà nước hỗ trợ sai lệch, kém hiệu quả, lãng phí.
Dân trí
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
-
Thủy sản Việt Nam duy trì sức hấp dẫn trên thị trường thế giới
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/10: Giá dầu thế giới "tuột dốc không phanh"