Nông nghiệp Việt Nam 2012: Đối mặt với nhiều thách thức
Đây là nội dung chính của Hội thảo triển vọng thị trường Nông nghiệp Việt Nam 2012, diễn ra trong hai ngày 6 – 7/3, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Kinh tế Việt Nam trong năm qua tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng, cán cân thương mại thâm hụt, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế trụ cột với tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4%, tạo giá trị xuất khẩu đạt 25 tỉ USD và là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng đạt 18 tỉ USD.
Hội thảo đã chỉ ra rằng, kinh tế thế giới biến động ngày càng phức tạp, suy thoái kinh tế thế giới kéo dài kéo theo sự quan tâm ngày một mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với khu vực nông nghiệp. Đây là một cơ hội hiếm có cho tăng trưởng nông nghiệp nhưng cũng đặt ra hàng loạt thách thức. Để vượt qua những thách thức đó cần những nỗ lực đột phá về phát triển nông nghiệp trên quy mô toàn thế giới.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), hiện chỉ số giá của các mặt hàng ngũ cốc đã giảm 10% so với cuối năm 2011. Cũng theo FAO, do thời tiết thuận lợi nên nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Á và Nam Mỹ lại được mùa. Sản lượng ngũ cốc trong năm nay đã đạt đến 2,2 tỉ tấn, mức kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Chỉ riêng lượng gạo tồn trữ đã lên tới 1.147 triệu tấn, tương đương với năm 2008. Đây là lý do khiến cho nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang có xu hướng giảm nhu cầu, kéo theo đó là sự giảm giá của nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế.
Do đẩy mạnh sản xuất nhiều mặt hàng nông sản theo đà sản xuất của năm 2011, nên cho đến thời điểm này trừ cao su thì tất cả các ngành hàng còn lại đều đã đạt năng suất đỉnh của thế giới và diện tích nuôi trồng nhiều mặt hàng cũng đã vượt ngưỡng dự kiến cho năm 2020.
Giá nông sản giảm, sản lượng tăng trong bối cảnh nhu cầu giảm là thách thức lớn nhất đặt ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2012. Thêm vào đó, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều quốc gia xuất khẩu mới như Ấn Độ, Myanmar, Ethiopia…
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không quyết liệt thực hiện mục tiêu này theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và nếu Chính phủ không có những chính sách đột phá hỗ trợ nông nghiệp, thì nông nghiệp Việt Nam khó có thể đạt được thành công như năm 2011.
N.Duy
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Những thách thức và các giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
-
Áp thuế GTGT phân bón 5% là hướng đi đúng đắn và cần thiết
-
Cần sự điều tiết của Nhà nước để chính sách thuế GTGT phân bón 5% đạt kỳ vọng
-
Cần hiểu đúng và đủ về áp thuế GTGT 5% với phân bón