Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nỗi niềm sau những chuyến tàu Bắc - Nam

07:00 | 22/01/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong trang phục đặc thù của ngành đường sắt Việt Nam, nổi bật là chiếc mũ kê-pi có sọc kẻ trên vành, anh Nguyễn Tiến Lan - Phó trưởng tàu SE9, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội vội vã bước lên tàu. Cách đó không xa, một lái tàu kéo những hồi còi dài báo hiệu tàu sắp rời ga. Trước mắt họ là hành trình dài 32 tiếng đồng hồ với rất nhiều câu chuyện trên cung đường Bắc - Nam, để sau mỗi chuyến đi đọng lại những niềm vui và nỗi buồn trong ký ức sâu thẳm của riêng mình.

20 năm được ăn tết 6 lần với người thân

Chiều một ngày cuối năm 2017, chúng tôi tìm đến nhà Phó trưởng tàu SE9 Nguyễn Tiến Lan nằm sâu trong con ngách nhỏ của phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đúng lúc anh Phó trưởng tàu rời nhà để bắt đầu hành trình đưa con tàu SE9 chở những vị khách rời thủ đô tiến vào phía Nam.

Chúng tôi theo chân anh đến nơi anh làm việc đó là Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội để chuẩn bị cho hành trình dài hơn 1.700km. Rong ruổi nhiều cung đường với những mác tàu khác nhau, người đàn ông với vóc dáng gầy gò nhưng giọng nói rắn rỏi bộc bạch về cái nghề và cuộc sống trên những chuyến tàu Bắc - Nam.

noi niem sau nhung chuyen tau bac nam
Phó trưởng tàu SE9 Nguyễn Tiến Lan

Nói về cái nghề lái tàu đầy gian nan, vất vả và chịu nhiều hy sinh, anh Lan chia sẻ: “20 năm trong ngành đường sắt, tôi chỉ được ăn tết với người thân đúng 6 lần. Một trong những lần ấy lại là kỷ niệm đầy ám ảnh. Đó là chiều 30 tết của năm 2010. Khi ấy, tôi cũng là Phó tàu khách tuyến Bắc - Nam. Sắp đến giao thừa nhưng phải ngồi trên xe ôtô và bên cạnh là chiếc quan tài của một chàng trai trẻ tự tử do lao qua ô cửa sổ của toa tàu vì cãi nhau với người yêu”.

Nói đoạn, anh Lan rít một hơi thuốc lá thật sâu và thở dài, đôi mắt hướng vào khoảng tối xa xăm, rồi anh kể tiếp: “Có một điều, cô người yêu và anh trai trên cùng chuyến hành trình mà không hề hay biết người thân của họ đã tử tự. Cũng chỉ vì ngày tết, họ không thể có được 3 tấm vé trong cùng toa nên phải ngồi 3 nơi khác nhau trên tàu. Nạn nhân chỉ trong một phút không kiểm soát được tâm lý đã gieo mình đầu đập vào đúng chỗ đứng của nhân viên đang vẫy cờ hiệu an toàn cho tàu đi qua ga Đồng Lê, thuộc địa phận huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình”.

Nghề lái tàu đòi hỏi phải có “thần kinh thép”, vất vả và đối mặt với nhiều rủi ro cũng như tổn thương tâm lý, tinh thần.

“Khi nhân viên đường sắt báo có tai nạn tới trưởng tàu, đoàn tàu đã di chuyển tới ga Hương Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, cách khu vực xảy ra tai nạn tận những 60km. Ngay lập tức, trưởng tàu đã yêu cầu tiếp viên đường sắt đi điểm danh tên từng hành khách trên tàu. Sau khi liên lạc được với người thân, trưởng tàu cắt cử tôi cùng với Trưởng ban An ninh, anh trai và người yêu của nạn nhân quay trở lại nơi xảy ra tai nạn, xe chúng tôi phải chạy hết hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới nơi” - anh Lan nhớ lại.

Tới nơi, anh nhìn thấy hương khói nghi ngút trong cái rét căm căm cũng là lúc cơ quan chức năng đã lập xong biên bản vụ việc. Nguyện vọng của người nhà nạn nhân là được đưa về quê an táng nhưng trớ trêu thay, do tết nhất nên các cửa hàng bán áo quan đều dọn dẹp, đóng cửa đón giao thừa. Bằng cách liên lạc qua các đầu mối quan hệ của ngành đường sắt, chập choạng tối chiếc quan tài cũng được chở đến. Thở phào nhẹ nhõm khi chiếc xe ôtô Innova từ Vinh được điều tới, phải tháo chiếc ghế ở giữa thì mới đưa được quan tài vào xe trong khi một phần đuôi vẫn thò ra ngoài, lúc này trên xe chỉ còn đúng 4 ghế dành cho 2 bố con tài xế, anh Lan và người anh trai của nạn nhân xấu số.

Đan đôi bàn tay, anh chậm rãi kể, tới 21 giờ, mọi thủ tục nhập quan cũng như đưa chiếc quan tài vào trong xe hoàn tất. Lúc này, mình mới thấy bụng rỗng tuếch, quán xá bên đường đều đóng cửa. Cũng may, anh tài xế nhà ở gần đó đã nhanh trí điện về nhờ vợ nấu 4 hộp cơm mang ra. Chỉ vài tiếng nữa là đến giao thừa. Nếu không có sự cố này, thì giờ này anh đã được ở nhà, anh và người thân đang ngồi xem Táo Quân rộn rã tiếng cười và chuẩn bị xúng xính quần áo đi xem bắn pháo hoa…

Đỗ gọn chiếc xe vào sát mép đường, những người ngồi trên chuyến xe phải ăn vội vã hộp cơm ven bụi rậm, tối um bên đường. Tiếng chuông điện thoại liên tục rung, ngó xuống màn hình, anh Lan thấy tên vợ hiện lên nhưng anh không dám nghe vì giấu không cho bà xã biết chuyện. Cách chừng vài phút, từng hồi chuông liên tục vang nhưng lần nào cũng không nhận được câu trả lời từ anh, bởi anh đang gồng mình làm tròn phận sự của ngành đường sắt giao phó.

noi niem sau nhung chuyen tau bac nam

Nhân viên đường sắt cẩn thận kiểm tra từng chiếc ga của khoang giường nằm trên tàu SE9

Rong ruổi từ 21 giờ đêm 30 tết ở Đồng Hới đến 5 giờ sáng mùng 1 tết mới tới được Phủ Lý để đưa nạn nhân về quê. Người anh trai nạn nhân do tâm lý đang bị “sốc” nên không thể nhớ được đường về nhà. Lòng vòng đi qua nhiều thôn làng vẫn không đúng địa chỉ, anh Lan cùng lái xe thắp vội nén nhang rồi cầu khấn: “Anh đã về tới quê nhà, nếu sống khôn chết thiêng thì dẫn đường, chỉ lối để về gặp mặt người thân”.

“Lúc này, người anh của nạn nhân chợt sực tỉnh, chỉ đường một cách rành mạch. Tới cổng, người nhà lao ra đón nhận, họ gào khóc thảm thiết xé tan bầu không khí vốn dĩ chỉ dành những lời chúc may mắn đầu năm mới. Phải giải thích nguyên nhân sự cố tử vong là do lỗi chủ quan của nạn nhân, ngành đường sắt đã hỗ trợ hết sức, chia buồn cùng gia quyến. Lúc này nhìn chiếc đồng hồ đeo tay đã là 6 giờ sáng” - anh Lan nói.

Được người nhà nạn nhân chở bằng xe máy ra tới thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam, chờ xe đến gần 1 giờ đồng hồ nhưng không thấy bóng dáng chiếc xe khách nào vì là ngày mùng 1 tết, nhà xe nghỉ hết. Cách đó không xa là ga Bình Lục nên anh Lan chạy bộ tới và hỏi nhân viên trực ban có đoàn tàu nào xuôi về Hà Nội thì nhận được câu trả lời cụt lủn: “Chỉ còn duy nhất một đoàn tàu hàng trong ngày, nhưng ga này tàu lại không dừng”.

Cũng may, anh trình bày lý do với Ban Điều độ đường sắt là đi giải quyết sự cố tai nạn giao thông và nhờ chỉ đạo cho phép tàu hàng dừng ở ga Bình Lục chỉ 2 phút để lên tàu về thủ đô. Ngồi trên đầu máy mất gần 4 tiếng, anh Lan lòng nóng như lửa đốt, đếm từng phút mới về được ga Văn Điển. Nhưng đến đó, tàu tiếp tục dừng tránh mất 2 tiếng. Bồn chồn về nhà, anh quyết định nhảy xuống bắt xe taxi. Về tới cổng cất tiếng gọi, người vợ ào ra ôm lấy anh khóc thút thít vì trước đó theo lịch trình sẽ về ăn tết cùng vợ vào 14 giờ ngày 30 tết. Cũng may, vợ anh là người thấu hiểu nghề nghiệp của anh, anh có thể về muộn bất cứ lúc nào, khi có rủi ro xảy ra.

Nghiệp đã vận vào người…

Hôm ấy, anh lái tàu Lê Tuy cũng bước ra khỏi nhà vào chạng vạng chiều để tới Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Từng tia nắng vàng nhạt lấp ló sau những đám mây, ngước nhìn bầu trời, anh Tuy chỉ có một ước ao được tận hưởng khung cảnh thơ mộng này trên đầu máy trong chặng tàu khách Hà Nội - Hải Phòng. Chỉ tiếc rằng, lúc tàu lăn bánh, bóng đêm cũng dần bao phủ và chỉ còn những vệt đèn mờ của xe cộ hay ánh sáng vụt qua của ngôi nhà cạnh đường ray.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng phương tiện, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách, từ ngày 10-1-2018, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức đưa 6 đoàn tàu khách đóng mới thế hệ 3 vào khai thác trên tuyến đường sắt Thống Nhất.

Loạt còi tàu dài văng vẳng vang lên báo hiệu đã tới gần ga Phú Thái, Hải Dương, anh Tuy giật mình khi thấy cách mũi tàu chừng 150m, có một bóng phụ nữ đang loay hoay dắt chiếc xe máy nhãn hiệu Honda bị chết máy trên đường ray. Kéo vội cần phanh khẩn cấp, tiếng bánh quệt mạnh vào đường ray tạo thành âm thanh đến chói tai nhưng đoàn tàu vẫn lao đi.

Toát mồ hôi hột, mắt đăm đăm nhìn về trước, khi đoàn tàu được phanh chạy chầm chậm, chị phụ nữ thoát chết, ngước mặt lên nhìn anh với con mắt hàm ơn… Chợt anh nhận ra người phụ nữ đó là vợ người bạn mà mới cách đây vài hôm, anh sang nhà chơi, chị bưng mâm cơm, ấm nước chè để bạn bè của chồng ngồi tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề sau bao ngày xa cách.

noi niem sau nhung chuyen tau bac nam

Anh Nguyễn Tiến Lan đang kiểm soát vé của hành khách lên tàu

“Rất may, người phụ nữ đó đã lôi được xe ra khỏi đường ray trong tích tắc khi tàu lao tới, nếu tai nạn xảy ra, tôi sẽ ân hận cả đời. Giờ, mỗi lần có dịp hàn huyên cùng đám bạn, tôi vẫn kể về chuyện chỉ vài phút nữa thì chắc người bạn thân sẽ không tha thứ và cảm thông cho chính nghề nghiệp mình” - anh Tuy nói.

Ngó qua cánh cửa toa tàu trong màn đêm hun hút, đôi mắt trũng sâu, anh Tuy bồi hồi lật từng ký ức đau thương của một vụ tai nạn mà đến giờ mỗi khi nghĩ về nó, anh đều trằn trọc không ngủ. Đó là vào năm 2000, tại ga Phủ Lý, Hà Nam, chiếc xe khách mang biển số tỉnh Thái Nguyên chở đoàn khách đi lễ chùa đã dừng đỗ ven đường ray để hành khách đi vệ sinh. Đoàn tàu Bắc - Nam do anh Tuy lái đã tông vào xe, khiến một phụ nữ đang mang thai tử vong.

Điều kỳ lạ là sau khi đoàn tàu ngược lại hành trình về Hà Nội, đến đúng chỗ điểm đen xảy ra vụ tai nạn đó, tàu đột ngột chết máy trong chừng vài phút. Sau khi khởi động lại, tàu bon bon chạy về ga Hà Nội an toàn. Những tháng ngày sau đó là tâm trạng rối bời và anh vẫn giấu vợ về trường hợp đó. Chỉ tới khi đón thiên thần bé nhỏ của anh ra đời, anh mới tâm sự với người vợ về thời gian phải đối mặt với những nỗi niềm day dứt. Đó cũng chính là lý do mà khi gạn hỏi, anh Tuy thành thật bảo, không muốn cho con cái nối nghiệp lái tàu, vì nghề này đòi hỏi phải có “thần kinh thép”, vất vả và đối mặt với nhiều rủi ro cũng như tổn thương tâm lý, tinh thần.

Những người lái tàu hay lãnh đạo tàu cũng vì cuộc sống mưu sinh phải xa gia đình mỗi khi tết đến, xuân về với nhiệm vụ nối những bờ vui của người dân. Họ lặng lẽ, ít than vãn, luôn có “tinh thần thép” trên những cung đường vì những nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào. Nhưng nếu xa chuyến tàu, lại thấy nhớ tiếng xình xịch đầu máy, tiếng rít của bánh quệt vào đường ray mỗi khi phanh, hãm tàu hoặc vượt qua đoạn đường có độ dốc nghiêng... Và chưa lần nào, họ có ý định bỏ nghề bởi cách lý giải ngắn gọn “nghiệp đã vận vào thân”.

Thiên Minh - Xuân Hinh