Những thách thức Việt Nam phải đối mặt khi thực hiện cam kết COP26
Mới đây, tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Ông Tấn chỉ rõ, thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Do đó, chúng ta phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Đồng thời, phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
Trụ cột chuyển đổi năng lượng sạch |
Ông Phạm Văn Tấn cho rằng, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xem xét nhiều vấn đề, nội dung liên quan đến quy hoạch điện VIII; Các nhà máy sử dụng công nghệ cũ khi chuyển đổi công nghệ mới sẽ phải làm thế nào?; Làm thế nào bảo đảm thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp?; Vấn đề về nguồn lực; Vấn đề nông dân trồng lúa?
Vấn đề giảm rác thải khí mê-tan liên quan rất nhiều đến người nông dân vì khí này chủ yếu từ nông nghiệp và chăn nuôi. Một con bò ợ hơi sau khi ăn cỏ sẽ tạo ra khí metan và một phần khí CO2, ước tính 1 con bò trưởng thành có thể phát thải bằng 70 chiếc ô tô. Chúng ra cần phát triển công nghệ giảm phát thải khí mê-tan, CO2 mà không cần hạn chế chăn nuôi.
“Chúng ta là nước đang phát triển nên rất cần đảm bảo sinh kế người dân” - ông Phạm Văn Tấn chia sẻ.
Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp” |
Theo ông Tấn, các vấn đề xã hội liên quan đến việc chuyển đổi là rất lớn. Thế giới đã đưa ra đòi hỏi “Chuyển đổi công bằng - Just transition” đối với quá trình này.
Chuyển đổi công bằng nhằm đưa ra và thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền và sinh kế của người lao động khi nền kinh tế chuyển dần sang sản xuất bền vững nhằm mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Mô hình Nam Phi: “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng”. Đây là mô hình mà Vương quốc Anh cùng với Pháp, Đức, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu ký kết với Nam Phi tại COP26. Theo đó, Nam Phi sẽ được các nước này cam kết hỗ trợ huy động 8,5 tỷ USD cho giai đoạn 3-5 năm tới để thực hiện việc loại bỏ điện than, chuyển sang năng lượng tái tạo theo phương thức công bằng.
Ngày 22/4/2022 Liên minh châu Âu và Anh đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ mời Việt Nam tham gia đàm phán về Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Ngày 06/6/2022 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà làm đầu mối đàm phán xây dựng Tuyên bố chính trị về JETP với Anh, EU và các nước G7, hoàn thành trước COP27.
Nhà máy điện than gây ô nhiễm ở Ấn Độ |
Ông Phạm Văn Tấn đưa ra cảnh báo, thực hiện cam kết giảm phát thải, loại bỏ điện than sẽ liên quan trực tiếp đến lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông và sử dụng than, sau sẽ có thể thêm dầu, khí.
Thực hiện cam kết cắt giảm mê-tan sẽ liên quan trực tiếp đến lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa nước; chăn nuôi trâu, bò; xử lý chất thải và khai thác khoáng sản. Phát triển điện gió, điện mặt trời trên đất liền sẽ tốn nhiều diện tích đất; giá năng lượng tái tạo thường cao ảnh hưởng đến đời sống người dân; liên quan đến hàng hóa xuất khẩu: khi hàng hóa sử dụng năng lượng “bẩn” hoặc được cho là không bền vững sẽ không xuất được hoặc chịu thuế rất cao từ một số thị trường, trước hết là châu Âu, Hoa Kỳ… do đang áp dụng Điều chỉnh biên giới các-bon.
Các vấn đề trên nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Ông Phạm Văn Tấn đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong thực hiện phát thải ròng bằng 0 |
Ông Tấn khuyến nghị các doanh nghiệp, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam. Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn.
Các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.
Cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính; chuẩn bị để tham gia thị trường các-bon.
Hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn/hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.
Minh Đức
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Giải pháp của mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp
-
Tăng cường hợp tác quốc tế và phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Thẩm quyền giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo