Những phiên chợ Tết đặc biệt có một không hai của người Việt
Vào những ngày đầu Xuân năm mới, một số địa phương có tục mở những phiên chợ Tết đặc biệt. Trong những phiên chợ ấy, người bán không quan trọng việc ít nhiều, đắt rẻ, họ muốn bán nhanh lấy may cho việc làm ăn quanh năm; còn người mua tới chợ chỉ mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ cho một năm mới.
Chợ Gò (Bình Định)
Chợ Gò ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước (Bình Định) chỉ họp duy nhất vào ngày mồng 1 Tết âm lịch. Trong tâm thức của người dân Tuy Phước nói riêng và người Bình Định nói chung, hội xuân Chợ Gò là nơi vui chơi, cầu lộc trong ngày đầu năm mới.
Trời rạng sáng, chợ bắt đầu nhóm họp. Người dân từ các vùng phụ cận mang đến những sản vật từ địa phương của mình. Nhưng nhiều nhất vẫn là trầu cau. Việc mua - bán không nặng tính kinh doanh. Người bán không nói thách và người mua cũng không trả giá mà chỉ xem việc mua bán như một hình thức cầu lộc, tìm thấy niềm vui nho nhỏ cho mình trong ngày đầu năm mới.
Bên cạnh việc mua bán cầu lộc, người đến chợ còn được thưởng thức các món đặc sản ẩm thực địa phương như chả cá, nem chua, bánh ít lá gai… và tham gia các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của đất và người Bình Định như: hô bài chòi, lô tô, đánh cờ người, múa lân… Trưa tròn bóng nắng thì chợ tan. Không hẹn mà rằng: ngày đầu năm sau sẽ gặp lại.
Theo các bậc cao niên thì Hội xuân chợ Gò xuất phát từ thời Tây Sơn. Quân Tây Sơn khi ấy đóng quân án ngữ khu vực này, ngày Tết sợ quân lính buồn, nhớ nhà nên vua cho mở hội chợ Gò để nhân dân và quân sĩ vui chơi…
Trải qua gần 300 năm tồn tại, đến nay Lễ hội Chợ Gò cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống vốn có và có chiều hướng phát triển phong phú hơn; bên cạnh các hàng quán ăn uống phục vụ cho người trẩy hội, nhân dân địa phương vẫn duy trì việc đem bán các loại hàng hóa, tạp phẩm tự sản, tự tiêu, nông sản và thực phẩm tươi sống, hải sản các loại để phục vụ cúng kính, ăn uống trong 3 ngày Tết. Du khách về dự hội chợ Gò có dịp mua nhiều món quà mang ý nghĩa trao nhau chút lộc đầu xuân, mong trong năm được nhiều may mắn và cùng chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng.
Chợ Đình Cả (Hải Dương)
Hằng năm, vào sáng mồng 2 Tết Nguyên đán, tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, diễn ra phiên chợ đặc biệt họp 1 năm duy nhất một lần trước khu vực Đình Cả, thu hút hàng nghìn người trong và ngoài xã tham gia. Đây cũng là phiên chợ tồn tại hàng trăm năm ở vùng đất xứ Đông.
Chợ có từ năm Thái Hòa (1676-1679) gắn liền với sự tích Đình Cả và sự tồn tại của làng Bói. Đặc biệt, tại phiên chợ này, người bán không bao giờ nói thách và người mua cũng không mặc cả với ước vọng mua về sự may mắn cho một năm mới thịnh vượng. Không chỉ bán những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống hàng ngày, chợ còn bán muối và trầu cau để những nam thanh nữ tú có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới. Chính vì vậy, đây còn được coi là phiên chợ cầu duyên đầu năm mới.
Sau khi đi chợ, mọi người thường vào Đình Cả dâng hương tưởng nhớ các anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, dựng làng lập ấp và mang lại ấm no cho dân làng.
Chợ đình Bích La (Quảng Trị)
Chợ đình Bích La ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thường họp một đêm duy nhất từ khuya ngày mùng 2 đến rạng sáng mùng 3 Tết. Từ hàng trăm năm nay, chợ đình Bích La được coi như lễ hội truyền thống thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách đến đây cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng làm ăn phát đạt…
Cũng như nhiều phiên chợ Tết khác, chợ đình Bích La người bán cũng không nói thách và người mua cũng không trả giá. Mỗi người đến đây đều quan niệm rằng, sẽ mua được nhiều lộc, nhiều may mắn và xua đi những điều không may trong năm mới.
Ở chợ đình Bích La, sản phẩm được bày bán đều do chính người nông dân làm ra… Ngoài ra, còn có các ông đồ khăn áo chỉnh tề ngồi mài mực cho chữ. Người dân tới xin chữ đầu năm, ông đồ chỉ cho không bán, đáp lại tình cảm đó, du khách có thể tặng cho người viết thư pháp bằng những bao mừng tuổi.
Phần quan trọng nhất của lễ hội chợ đình Bích La là nghi lễ tôn nghiêm gọi thần Kim Quy - vị thần mang may mắn đến cho một năm thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa. Người dân khắp nơi tìm về chợ đình Bích La cầu may, cầu tài, cầu lọc đầu năm và trẩy hội.
Chợ Gia Lạc (Huế)
Chợ Gia Lạc, còn gọi là phiên chợ Hoàng gia, có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840), do hoàng tử thứ tư của Vua Gia Long là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình sáng lập, với mong muốn cho người dân được thưởng thức những món ngon cung đình. Chợ họp mỗi năm một phiên, vào 3 ngày Tết, với nhiều món ăn cung đình và đặc sản của các địa phương như: thịt heo quay, các loại bánh mứt, chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu hương chợ Dinh, cau Nam Phổ... Khi đi chợ, người ta không nói từ “mua, bán” mà thay vào bằng từ “biếu, tặng”.
Hiện nay, chợ Gia Lạc thường họp tại ngã ba làng Nam Phổ, cách cầu Tràng Tiền khoảng 3km, thu hút đông đảo người dân về tham gia mua sắm, giao lưu. Lệ thường người đi phiên chợ Gia Lạc mùng 1 Tết sẽ mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn bình an trong năm mới, sau đó mới mua đặc sản của chợ theo sở thích.
Đầu xuân, đi chợ Tết Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế, họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm...
Chợ Chuộng (Thanh Hóa)
Chợ Chuộng mỗi năm cũng chỉ họp duy nhất một phiên vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán và có lai lịch từ thời Lê Lợi tập hợp nghĩa quân chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Trải qua nhiều đời, đến nay, chợ Chuộng vẫn họp tại xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn, Thanh Hóa, thu hút hàng nghìn người gần, xa.
Những dấu cà chua đỏ tươi trên trang phục giới trẻ như mang tới niềm tin, hy vọng vào một năm gặp thật nhiều may mắn |
Nét độc đáo của chợ Chuộng đó là ai đến chợ bị nhiều cà chua ném vào người thì năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc, nhiều tài. Cho nên tại phiên chợ thường bán rất nhiều cà chua chín đỏ, vì đây là “vũ khí may mắn” dùng để ném nhau trong phiên chợ độc đáo này.
Người tham gia phiên chợ ngoài tham gia các trò chơi dân gian, mua bán hàng hóa thì có màn cùng nhau ném cà chua vào nhau để xua xui xẻo, cầu may mắn cho năm mới tài lộc. Vì vậy, cứ đến mùng 6 Tết, dù bận công việc, người ta vẫn tranh thủ về đây họp chợ, chẳng thế mà có câu “bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”.
Chợ Viềng (Nam Định)
Ở Nam Định có chợ Viềng nổi tiếng xưa nay là một chợ cầu may đặc biệt. Chợ Viềng cầu may mỗi năm chỉ mở đúng một lần và họp vào lúc nửa đêm, trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn đuốc, dòng người đi chợ mua bán tấp nập. Và “chợ Viềng” là một tên gọi chung của một loạt chợ cầu may ở Nam Định, đó là chợ Viềng Kim Thái (huyện Vụ Bản), chợ Viềng Nam Trực (huyện Nam Ninh) họp vào mùng 8 Tết; chợ Viềng Liễu Đề họp mùng 6 và chợ Viềng Lạng họp vào mùng 7 Tết.
Tại chợ Viềng nhiều loại mặt hàng được bày bán, từ cây cảnh, cây giống, đến các loại thực phẩm... nhưng nhiều nhất là đồ cũ (người ta có thể mang tới chợ bất cứ vật dụng gì trong nhà đã qua sử dụng, bất kể còn nguyên vẹn hay sứt vỡ, từ quý giá như đồ thờ cúng cho tới đồ thông thường như bát đĩa, nồi mâm, bình vôi, bát điếu…). Việc bán mua, nhất là mua bán đồ cũ ở đây chỉ cốt để lấy may.
Chợ Viềng Nam Định tập trung người mua kẻ bán không chỉ trong tỉnh mà từ khắp tứ xứ gần xa... Có những người háo hức đi hàng chục, hàng trăm cây số trong cái rét để mong tới chợ Viềng và người mua có khi chỉ mang về được một món đồ cũ, người bán có thể chỉ thêm được vài chục nghìn đồng, nhưng tất cả đều vui vẻ.
Phú Văn
-
Bà Rịa-Vũng Tàu: Lễ ra quân thực hiện “Tết trồng cây 2024” tại xã đảo Long Sơn
-
Bão Trami giật cấp 14, di chuyển nhanh về vùng biển Trung Trung Bộ
-
Quảng Ngãi: Tạm dừng tàu thuyền hoạt động từ 26/10 để phòng tránh bão số 6
-
Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
-
Bão Trami có thể gây mưa đến 700mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội