Những kiểu lừa "chạy" việc khó ngờ tới
Nổ là cán bộ sân bay
Theo cáo trạng của tòa án, ông Trịnh Thanh N. nhờ bà Ngô Kim C. (cùng ngụ TP HCM) giúp đỡ 2 người quen vào làm ở Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất. Nhận lời, bà C. báo chi phí 18.000 USD/người.
Bà C. thông báo sau 6 tháng nhận hồ sơ kèm tiền, ứng viên sẽ có quyết định tiếp nhận vào làm việc ở bộ phận an ninh soi chiếu thuộc trung tâm trên.
Dù không có khả năng nhưng hai người này làm "cầu nối" giữa những người có nhu cầu với một người có năng lực xin việc. Sau khi nhận hai bộ hồ sơ do ông N. chuyển, bà C. cho biết một người không đủ tiêu chuẩn về chiều cao. Vì thế, chi phí tăng thêm 500 USD.
Nguyễn Cao Hoành Sơn "nổ" là cán bộ sân bay. |
Sau khi N. báo tin, người có nhu cầu tìm việc đồng ý chuyển tổng cộng 18.500 USD. Đối với người còn lại, N. báo giá 25.000 USD. Nhận đủ tiền, N. giao bà C. 36.500 USD. Sau đó, hai ứng viên phấn khởi khi nhận tin báo nhập học ở Học viện Hàng không Việt Nam.
Đến lúc học xong, họ sốt ruột vì không nhận thêm tin gì khác. N. đến nhà bà C. đòi tiền. Nhưng bà C. nói rằng bà chuyển Nguyễn Cao Hoành Sơn (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) toàn bộ tiền nhằm lo "chạy" việc.
Trao đổi qua điện thoại, Sơn xác nhận có nhận tiền và hứa hoàn trả. Vì Sơn nhiều lần nuốt lời, lẩn tránh nên ông N. làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Mặt khác, ông N. đành dùng tiền cá nhân trả lại 2 nạn nhân.
Mới đây, tại cơ quan điều tra, Nguyễn Cao Hoành Sơn khai nhận y làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 2007 đến năm 2010. Bản thân Sơn không hề có mối quan hệ hay khả năng giúp người khác vào làm tại Trung tâm An ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Vì cần tiền tiêu xài, sử dụng mục đích cá nhân nên Sơn nói dối như vậy.
Nhằm làm rõ vụ việc, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẳng định cơ quan này không có nhân viên tên Nguyễn Cao Hoành Sơn, không tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề tên những cá nhân đã chuyển tiền, nhờ vả Sơn.
Cơ quan điều tra xác định Sơn dùng thủ đoạn gian dối, hứa hẹn và bảo đảm xin việc cho ba nạn nhân rồi chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng. Viện KSND TP HCM đang truy tố Nguyễn Hoành Cao Sơn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Dự kiến, phiên tòa xét xử Nguyễn Hoành Cao Sơn sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.
Bịa chuyện hãng hàng không tuyển dụng
Với thủ đoạn tương tự như Nguyễn Hoành Cao Sơn, bị cáo Nguyễn Trà Dương (ngụ tỉnh Tây Ninh) vừa bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bản án chung thân trước đó, bị cáo này phải chấp hành hình phạt chung thân.
Lừa chạy việc Dương bị phạt 14 năm tù. |
Bản án sơ thẩm cáo buộc từ năm 2018, Dương tự giới thiệu với chức danh là Phó Giám đốc tài chính Hãng hàng không Vietjet, cố vấn tuyển dụng Hãng hàng không Bamboo Airways. Từ đó, Dương tự quảng bá rộng rãi bản thân có nhiều mối quan hệ với "sếp lớn", có thể xin việc làm ở Hãng hàng không Bamboo Airways.
Vì tin tưởng nên nhiều người không ngần ngại đưa tiền với mục đích nhờ Dương "xếp chỗ" trong hãng hàng không. Hậu quả, mỗi người trong số đó mất không hàng trăm triệu đồng.
Đơn cử, anh Phan Ngọc Hải Đ. (ngụ Quận 2, TP HCM) đồng ý bỏ gần 400 triệu đồng xin việc. Theo thỏa thuận, Dương giúp anh Đ. chắc chắn "một suất" nhân viên Hãng hàng không Bamboo Airways. Chờ lâu không thấy tin báo đi làm, anh Đ. liên hệ lại với Dương. Nhưng, giám đốc "rởm" biệt vô âm tín từ khi nào không ai hay.
Tương tự, Dương cam đoan hỗ trợ anh Lê Duy L. (ngụ Quận 2) vào làm cán bộ hãng hàng không nói trên với chi phí 8.000 USD. Tin lời, anh L. giao tiền kèm hồ sơ xin việc làm theo lời Dương hướng dẫn.
Nhằm tạo lòng tin cũng như kéo dài thời gian, Dương bày trò điện thoại thông báo công ty sẽ tổ chức phỏng vấn tuyển dụng. Đến tham gia phỏng vấn, anh L. gặp một người phụ nữ (do Dương thuê, không rõ lai lịch) tự xưng là phó giám đốc khai thác bay hãng hàng không Bamboo Airways.
Người này trực tiếp phỏng vấn anh L. Vài ngày sau, anh L. nhận email thông báo anh trúng tuyển vị trí phó phòng, làm việc ở TP Hà Nội với mức lương 1.500 USD/tháng. Kế đến, anh L. tiếp tục nhận email có nội dung yêu cầu người trúng tuyển nộp lệ phí học ngoại ngữ, chi phí tạm ứng đào tạo nghiệp vụ hàng không. Chuyển tiền xong xuôi, anh L. vui mừng ra TP Hà Nội, chờ ngày đi làm.
Song, anh chờ mãi không thấy ai liên hệ thông báo thời gian, địa điểm nhận việc. Mắc lừa Dương, anh L. mất hơn 250 triệu đồng. Không những vậy, anh L. còn giới thiệu thêm người quen đang có nhu cầu tìm việc tới gặp giám đốc "rởm".
Sa "bẫy" lừa bằng kịch bản y hệt như vậy, nạn nhân này mất trắng hơn 300 triệu đồng. Cơ quan xét xử sơ thẩm kết luận bị cáo Nguyễn Trà Dương chiếm đoạt tổng cộng gần 1,2 tỷ đồng.
Theo Dân trí