Những "chiêu trò" trốn thuế nhập khẩu
Thất thu thuế nhập khẩu là khoản tiền thuế nhập khẩu bị tổ chức, cá nhân có hàng hóa nhập khẩu chiếm đoạt, không nộp đúng, nộp đủ theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu. Trong đó có sự luồn lách và có thể có cả sự "tiếp tay" khi thực hiện không đúng quy định của Nhà nước về hải quan, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện đối với hàng quản lý chuyên ngành. Hiện nay, có nhiều hành vi trốn thuế nhập khẩu, ngày càng tinh vi, có thể điểm mặt chỉ tên như gian lận trong việc áp mã số thuế, khai báo giá tính thuế, trong định mức nhập khẩu hàng hóa và khai báo xuất xứ.
Thuế xuất nhập khẩu mới chỉ chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách mỗi năm. |
Hiện nay, mỗi sản phẩm nhập khẩu sẽ có mã số thuế khác nhau, tuy nhiên, với thực trạng tự tính thuế, tự khai thuế nhập khẩu hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp thực hiện hành vi khai sai mã số thuế của hàng nhập khẩu để được áp dụng các mức thuế suất thấp hơn thực tế, làm giảm số thuế nhập khẩu phải nộp.
Thậm chí, nhiều đơn vị nhập khẩu cố tình tháo rời các linh kiện hoặc làm thay đổi kết cấu hoặc tính chất sản phẩm để khai báo sai mã số thuế của hàng nhập khẩu để hưởng mức thuế thấp hơn. Hành vi này xuất phát từ tính phức tạp của hàng hóa, về cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mới được tạo ra trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp cố tình lợi dụng tính sơ hở và chưa cập nhật giá của cơ quan hải quan để khai báo giá tính thuế thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch. Thực tế qua phát hiện các hành vi gian lận về giá tính thuế, nhiều trường hợp chỉ khai báo chưa đến 10% giá trị thực tế.
Bênh cạnh đó, nhiều trường hợp còn thông đồng với đối tác nước ngoài trong việc lập hóa đơn, chứng từ với giá thấp để giảm mức thuế nhập khẩu phải đóng cho Nhà nước. Như vậy, hành vi điều chỉnh giá trị của hàng hóa để làm thay đổi mức thuế phải nộp là một hành vi rất phổ biến và tinh vi hiện nay, điều này làm thất thoát không nhỏ khoản thu ngân sách từ thuế nhập khẩu.
Gian lận trong định mức nhập khẩu hàng hóa thường được thực hiện bởi các doanh nghiệp gia công cho nước ngoài hoặc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu để gia công rồi xuất khẩu sẽ được miễn thuế xuất, nhập khẩu.
Nhiều trường hợp các đơn vị gia công khai báo sai định mức tiêu hao, định mức hao hụt khi nhập khẩu nguyên liệu, cụ thể khai báo định mức cao hơn. Sau đó doanh nghiệp mang các sản phẩm sản xuất được từ nguồn nguyên liệu chênh lệch để tiêu thụ trong nước mà không phải đóng thuế nhập khẩu cho nguyên liệu nhập khẩu đó. Hành vi này cũng được thực hiện tương tự khi nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất ra các sản phẩm xuất khẩu.
Mỗi quốc gia sẽ có cam kết thương mại riêng đối với Việt Nam, do đó mức thuế suất thuế nhập khẩu cũng sẽ khác nhau khi hàng hóa có xuất xứ khác nhau. Doanh nghiệp nghiên cứu vấn đề này, thực hiện hành vi gian lận trong khai báo xuất xứ để được hưởng mức thuế suất tốt hơn.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẵn sàng làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hoặc khai báo sai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Thủ thuật thực hiện hành vi bằng cách quá cảnh vào một quốc gia có mức thuế xuất thấp để khai báo, làm giả, thay đổi xuất xứ lô hàng.
Bên cạnh các hành vi gian lận để trốn thuế, nhiều doanh nghiệp còn “cao tay” hơn khi lợi dụng chính sách ưu đãi, miễn thuế nhập khẩu. Đơn cử như theo quy định hiện tại, có nhiều trường hợp được miễn thuế nhập khẩu như tạm nhập tái xuất, nhập khẩu phục vụ cho hoạt động dầu khí, nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho cơ sở đóng tàu, tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư… Các doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để thực hiện hành vi khai báo miễn thuế nhưng thực tế sử dụng các sản phẩm nhập khẩu không đúng mục đích đã khai báo.
Ngoài các chiêu trò tinh vi kể trên cũng phải thấy rằng, thuế nhập khẩu hiện nay theo cơ chế tự khai, tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện thất thu cũng cho thấy sai sót của cán bộ hải quan trong khâu rà soát, kiểm tra hàng hóa cũng như tính toán lại số thuế phải nộp. Bênh cạnh đó, một mặt cũng do tính đa dạng hàng hóa dẫn đến vẫn còn tồn tại các sai sót, dẫn đến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng. Mặt khác, do sự thay đổi thường xuyên về chính sách thuế của Nhà nước để phù hợp với điền kiện hội nhập cũng dẫn đến sự khó khăn trong công tác quản lý, tính cập nhật của cán bộ hải quan cũng bị hạn chế.
Sự phát triển quá nhanh của khoa học kỹ thuật để áp dụng sản xuất ra các sản phẩm mới cũng gây trở ngại trong công tác quản lý, nhiều mặt hàng vẫn còn nằm ngoài danh mục hàng hóa chịu thuế nhập khẩu khi đưa vào thị trường trong nước. Đồng thời, do sự ảnh hưởng của môi trường kinh tế quốc tế khá đa dạng và phức tạp, khi xảy ra độ chênh, trễ trong luật thuế của các quốc gia tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện các hành vi “lách” thuế, không nộp đúng, nộp đủ số thuế theo quy định.
Có thể thấy rằng, chống thất thu thuế nhập khẩu là cuộc chiến lâu dài của ngành hải quan Việt Nam. Cần có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để không chỉ thu về cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, mà còn là nền tảng để phát triển nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam ngày càng bền vững và lành mạnh.
Nguồn thu từ thuế nhập khẩu hàng hóa chiếm tỷ trọng tương đối cao trong cơ cấu nguồn thu cho NSNN. Trên thực tế, tỷ trọng nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu trên tổng thu NSNN luôn dao động trong khoảng từ 13 - 14%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng thất thu NSNN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn còn tồn tại. |
Tùng Dương