Nhức nhối vàng “lậu” - Bài 3: Hệ lụy khôn lường
Nhức nhối vàng “lậu” - Bài 1: Buôn lậu “khủng” chỉ là bề nổi |
Nhức nhối vàng “lậu” - Bài 2: Hành trình “thoát xác” |
Cơ quan chức năng khám xét tại nơi làm việc của các đối tượng trong vụ buôn lậu vàng tại thị trấn Lao Bảo mới đây. Ảnh: CACC |
Nhưđã thông tin trong bài viết trước, tình trạng buôn lậu vàng tại Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Những con số được công bố trong mỗi vụ án khiến nhiều người không khỏi giật mình, bởi, đó là những con số kỷ lục, thậm chí, những kỷ lục sau “xô đổ” kỷ lục trước.
Theo các chuyên gia, vì nhu cầu thị trường cao, vì lợi nhuận quá hấp dẫn nên vàng lậu không những có đất sống mà ngày càng phát triển và nó kích thích lòng tham của nhiều người.
Đáng chú ý, với nền kinh tế, việc vàng lậu trốn thuế không chỉ gây thất thoát ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn biến thị trường kim loại quý thành một thị trường bát nháo, gây “vàng hóa” cả nền kinh tế. Với riêng lĩnh vực tài chính, việc buôn lậu vàng còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD. Mới đây, Công ty Chứng khoán SSI trong một báo cáo đã nhận định đồng USD tăng có thể do chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức rất cao. Tức là, người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tự do tăng cao.
Trước thực tế này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. Đồng thời đề nghị thống đốc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ...
Không chỉ tác động đến ngoại tệ, buôn lậu vàng đã khẳng định “thị phần” của mình trên thị trường, khi góp phần chi phối giá cả. Minh chứng có thể thấy rõ cho việc chi phối này, đó là vào tháng 10 năm ngoái, giá vàng nhẫn 9999 và vàng nguyên liệu bắt đầu tăng từ sau vụ triệt phá đường dây buôn lậu gần 200 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam. Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho hay sau khi Cơ quan công an triệt phá đường dây buôn lậu vàng này, các đối tượng buôn vàng lậu đã “án binh bất động”, nguồn cung vàng bị đứt tạm thời, do vậy giá vàng bị đẩy lên.
Một đối tượng buôn lậu vàng bị bắt giữ tại An Giang. Ảnh: CACC |
Trở lại với câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, các chuyên gia tài chính cho rằng, khoảng cách chênh lệch càng lớn thì người mua vàng càng thiệt bởi các doanh nghiệp luôn bảo toàn lợi nhuận bằng cách kéo rộng khoảng cách giữa giá mua và bán, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng. Cộng với việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới, người mua sẽ 2 lần chịu thiệt. Nhiều năm qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã liên tục kiến nghị cho nhập vàng nguyên liệu chính ngạch để sản xuất, gia công vàng trang sức đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bởi nhu cầu mua vàng trang sức là có và nhu cầu mua vàng nhẫn 24K để dành đang gia tăng trong bối cảnh lạm phát, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản... kém hấp dẫn.
Trước các kiến nghị này, trong một lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. Với vai trò quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.
Chia sẻ về những hệ lụy trước tình trạng buôn lậu vàng hiện nay, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng cho rằng, giá trong nước cao khiến giá thành sản xuất vàng trang sức tăng cao. Doanh nghiệp khó tính toán hiệu quả kinh doanh vì giá vàng mua qua kênh không chính thống thường cao hơn nhiều so với giá trên thị trường quốc tế. Việc mua vàng trôi nổi trong nước cũng khó quản lý chất lượng, tăng thêm rủi ro vàng thật - vàng giả trên thị trường. Từ đây, cơ quan quản lý sẽ gặp khó trong quản lý thị trường vàng.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng chỉ ra rằng, diễn biến trên thị trường vàng những năm gần đây rõ ràng làm tăng nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và thất thu thuế. Trong khi đó, người tiêu dùng và nhà đầu tư phải mua với giá rất cao, hứng chịu nhiều rủi ro. Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, không thể phủ nhận tác động tích cực của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế, song quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng ít nhiều đã không còn phù hợp.
“Để giải quyết những hệ lụy từ tình trạng giá vàng chênh lệch quá lớn hiện nay, trước mắt Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho doanh nghiệp chế tác nhập khẩu nguyên liệu vàng phục vụ chế tác hàng xuất khẩu”, ông Thịnh đề xuất.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
-
Nhức nhối vàng “lậu” - Bài 2: Hành trình “thoát xác”
-
Nhức nhối vàng “lậu” - Bài 1: Buôn lậu “khủng” chỉ là bề nổi
-
Khám nhà "bà trùm" Mười Tường, thu 36 kg vàng và hơn 1,2 triệu USD
-
Du khách Nhật xuất cảnh với gần 100.000 USD nhưng không khai báo
-
Hai chị em mang gần 400 lượng vàng từ Campuchia về Việt Nam
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?