Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/11/2022
EC đã soạn thảo các chính sách của EU để đề xuất mức giá trần khí đốt vào ngày 24/11 tới. Ảnh minh họa: Agenzianova |
EC sẽ đề xuất mức giá trần đối với khí đốt sau ngày 24/11
Ủy viên năng lượng Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã soạn thảo các chính sách của EU để đề xuất mức giá trần khí đốt sau cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 24/11 tới.
Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều tháng đã tranh luận về việc áp đặt mức trần giá khí đốt, giữa bối cảnh khối liên minh gồm 27 quốc gia này đang nỗ lực ngăn chặn lạm phát tăng vọt và giá năng lượng leo thang do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Hiện Bỉ, Ba Lan, Italia và Hy Lạp đã yêu cầu Brussels đề xuất mức giá trần khí đốt trước ngày 24/11 và dọa chặn các chính sách khác của EU, bao gồm việc đẩy nhanh cấp phép cho năng lượng tái tạo, nếu không một mức giá trần nào được đề xuất. Các quốc gia khác bao gồm Đức cảnh báo việc giới hạn giá khí đốt có thể khiến các quốc gia khó khăn để đảm bảo nguồn cung.
Ai Cập và EU thiết lập quan hệ chiến lược trong lĩnh vực hydro xanh
Bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), các Bộ trưởng Dầu khí, Điện và Hợp tác quốc tế của Ai Cập ngày 16/11 đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Liên minh châu Âu (EU) nhằm thiết lập quan hệ chiến lược trong lĩnh vực hydro xanh.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Tarek Mulla cho biết việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược với EU trong lĩnh vực sản xuất hydro xanh và các chất dẫn xuất liên quan được thực hiện trong khuôn khổ các giải pháp phát triển nguồn năng lượng mới không phát thải CO2. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng bền vững với mức giá phù hợp để đối phó với biến đổi khí hậu.
Về phần mình, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, bà Kadri Simson cho biết Ai Cập có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất hydro. Bà hoan nghênh việc hai bên đạt được thỏa thuận trong khuôn khổ Hội nghị COP27, đồng thời nhấn mạnh rằng Ai Cập là đối tác quan trọng của EU trong lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo.
Ukraine nối lại hoạt động đường ống dẫn dầu từ Nga sang Hungary
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 16/11 xác nhận thông tin dầu của Nga lại tiếp tục được vận chuyển đến Hungary thông qua đường ống "Druzhba" (Hữu nghị) đi qua Ukraine và cho biết công tác sửa chữa đã được thực hiện ở mức độ cho phép hoạt động bơm dầu được nối lại, nhưng áp suất trong đường ống hiện vẫn thấp.
Đầu ngày, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết việc vận chuyển dầu mỏ từ Nga qua đường ống Druzhba dự kiến "sẽ được nối lại trong vài giờ hoặc vài ngày". Trước đó, hôm 15/11, Ukraine đã ngừng vận chuyển dầu qua đường ống Druzhba từ Nga tới Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech. Kiev đổ lỗi cho sự gián đoạn là do một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Các hoạt động sửa chữa tiếp tục được tiến hành để đường ống hoạt động hết công suất. Các đơn vị điều hành tuyến đường ống dẫn dầu Druzhba ở Hungary và Slovakia, hoạt động cung cấp dầu mỏ đến các khu vực ở Trung và Đông Âu thông qua tuyến đường ống này đã tạm thời bị gián đoạn trong ngày 15/11 vì lý do kỹ thuật.
Nga thu 21 tỉ Euro từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong tháng 10
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, Nga đã thu được khoảng 21 tỉ Euro (21,7 tỉ USD) từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch vào tháng 10 vừa qua, giảm 7% so với tháng 9. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 14% xuống còn 7,5 tỉ Euro, thấp hơn mức trước xung đột.
EU sẽ cấm nhập khẩu hầu hết dầu thô của Nga vào tháng tới. Các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga cũng sẽ bị cấm từ tháng 2/2023. Khối liên minh gồm 27 quốc gia này cũng đã đặt lệnh cấm vận đối với than đá của Nga, song không cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, trong khi Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt cho EU.
Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) cho biết: “Một tuyến đường mới cho dầu của Nga tới EU đang xuất hiện thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang trở thành một điểm đến ngày càng phổ biến của dầu Nga”. Theo trung tâm này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine bắt đầu diễn ra.
Giá khí đốt tại Anh tăng gần 130% trong năm qua
Tỉ lệ lạm phát hàng năm tại vương quốc Anh đã tăng lên 11,1% trong tháng 10, tăng từ mức 10,1% trong 12 tháng tính đến tháng 9, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết hôm 16/11. Đây là mức cao nhất trong vòng 41 năm qua tại Anh, cao hơn mức đỉnh 10,9% mà ngân hàng Anh (BoE) dự báo trước đó.
Chi phí sinh hoạt ở xứ sở sương mù tăng mạnh do giá điện và khí đốt tăng cao, bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt tác động đối với người tiêu dùng. Lạm phát giá lương thực tăng lên 16,4%. Giá khí đốt tăng gần 36,9% và giá điện tăng 16,9% trong tháng 10.
“Trong năm qua, giá khí đốt đã tăng gần 130% trong khi giá điện tăng khoảng 66%”, ông Grant Fitzner, nhà kinh tế trưởng của ONS cho biết trong một tuyên bố. ONS cho biết mức lạm phát sẽ là 13,8% nếu chính phủ không đưa ra chính sách đảm bảo giá năng lượng.
Sản lượng dầu thô ngoài khơi của Trung Quốc tăng kỷ lục
Viện Kinh tế Năng lượng Trung Quốc cho biết, sản lượng dầu thô ngoài khơi của Trung Quốc năm ngoái chiếm mức cao kỷ lục với hơn 80% tổng sản lượng tăng trưởng của nước này, trong khi việc khai thác các nguồn khí đốt tự nhiên ngoài khơi cũng đang dần tiến tới các vùng nước siêu sâu.
Viện này cũng tin rằng sản lượng dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Sản lượng dầu thô ngoài khơi sẽ tăng 5,4% lên 57,6 triệu tấn, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng dầu thô của cả nước. Sản lượng khí đốt tự nhiên ngoài khơi sẽ vượt quá 20 tỉ mét khối, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 12% lượng khí đốt gia tăng của cả nước.
Trung Quốc là một trong những khu vực tích cực nhất trong hoạt động thăm dò ngoài khơi và đứng thứ tư trong các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi mới được triển khai. Offshore Oil Corp (CNOOC), công ty khoan dầu ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc cho biết, lưu vực vịnh Bắc Bộ có khoảng 1,2 tỉ tấn tài nguyên dầu đá phiến tiềm năng với triển vọng thăm dò rộng lớn trong tương lai.
Mỹ lên kế hoạch hiện đại hóa kho dự trữ dầu mỏ chiến lược
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đề nghị Quốc hội phê duyệt khoản ngân sách 500 triệu USD nhằm hiện đại hóa Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này. Nếu được thông qua, khoản tiền trên sẽ được cấp cho Bộ Năng lượng Mỹ để cải thiện 4 cơ sở SPR tại Texas và dọc bờ biển Louisiana.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden đã quyết định xuất 180 triệu thùng từ SPR nhằm hạ nhiệt giá dầu tăng vọt sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua. Đây là đợt xuất kho SPR lớn nhất từ trước tới nay, khiến lượng dự trữ dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/1984.
Trong đề nghị gửi tới Quốc hội, Nhà Trắng cho rằng khoản ngân sách trên sẽ "tạo điều kiện để SPR duy trì mức độ sẵn sàng hoạt động, đồng thời giảm thiểu sự thiếu hụt do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, đại dịch Covid-19 và các kế hoạch bị đình trệ".
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/11/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/11/2022 |
T.H (t/h)
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Tin tức kinh tế ngày 13/11: Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
-
Thúc đẩy nâng cao nhận thức xanh trong cộng đồng, doanh nghiệp
-
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào ngày 30/11
-
Doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 35% trong tháng 10
-
Giá vàng hôm nay (13/11): Tiếp đà lao dốc