Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Người - Ngài; Ái - Yêu

10:08 | 19/05/2015

|
Bạn đọc: Xin ông An Chi cho biết: 1.- Có phải “ngài’ là biến âm của “người” không? Nếu phải thì biến âm theo quy luật nào? Và tại sao “người” bây giờ chỉ dùng cho ngôi thứ ba mà ngày xưa thì dùng cho cả ngôi thứ ba lẫn ngôi thứ hai? 2.- Tại sao Hán Việt tự điển của Thiều Chửu không có chữ “yêu” nào có nghĩa “tình cảm luyến ái” như trong “tình yêu” mà thay vào đó lại là từ “ái”? Vậy “yêu” trong “yêu thương”, “tình yêu” là từ Hán Việt hay thuần Việt? Và từ khi nào, từ “yêu” thay thế từ “thương” khi nói về tình cảm trai gái. Xin cảm ơn ông. Bùi Quốc Huy (Bình Phước)

Năng lượng Mới số 422

Học giả An Chi: 1.- AI ↔ ƯƠI là một mối quan hệ ngữ âm đã có từ lâu đời trong tiếng Việt nên cũng đã ảnh hưởng đến cách gieo vần trong thơ. Chẳng hạn những câu sau đây trong Truyện Kiều:

- Mấy lần cửa đóng then cài

Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu (271-272).

- Còn non còn nước còn dài

Còn về còn nhớ đến người hôm nay (557-558).

- Bên thì mấy ả mày ngài

Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi (927-928).

Đặc biệt là hai câu tả tướng mạo của Từ Hải:

- Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao (2167-2168). V.v..

Mối quan hệ này cũng được tận dụng trong việc tạo chữ Nôm:

Chữ “ai” [埃] ghi âm “ươi” trong “đười ươi”;

Chữ “bãi” [罷], [罢] ghi âm “bưởi”;

Chữ “cái” [丐] ghi âm “cưới”;

Chữ “đái” [帶] ghi âm “dưới”;

Chữ “ngại” [碍] viết tắt (không có bộ “thạch” [石]) trực tiếp ghi âm hoặc làm thanh phù cho chữ “người”

Chữ “tai” [哉] ghi âm “tươi”;

Chữ “tái” [再] ghi âm “tưới”; v.v…

Chúng tôi dẫn những cứ liệu Nôm trên đây từ Tự điển chữ Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Nguyễn Quang Hồng chủ biên (Nxb Giáo dục, 2006).

Đặc biệt thú vị là hiện tượng một số hình vị Hán Việt vần AI có điệp thức (doublet) là từ có vần ƯƠI:

- Chữ bái [扒] là nhổ, làm cho bật lên có hai điệp thức là bới và bươi (Trong Nam nói bươi; ngoài Bắc nói bới);

- Chữ “cai” [陔] mà Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “terrace” (nền đất cao) có điệp thức là “cươi”, một từ cổ có nghĩa là “sân” (hiện nay, từ này vẫn còn được dùng trong tiếng Nghệ An);

- Chữ “cái” [丐] là xin ăn có điệp thức là “cưới” trong “cưới xin”;

- Chữ “lãn” [懶] là lười, hài thanh bằng chữ “lại” [賴], có điệp thức là… “lười”;

Chữ “sái” [曬] là phơi nắng có điệp thức là “sưởi” v.v…

Cứ như trên thì hoàn toàn không có gì lạ nếu “người” là điệp thức của “ngài”. Và theo tư liệu hiện có thì, với tính cách danh từ, “ngài” xưa hơn “người”. Bằng chứng là cách đây 364 năm, Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes (1651) đã không có “ngài” mà chỉ có “người” nhưng vùng Nghệ Tĩnh là nơi còn lưu giữ nhiều yếu tố Việt cổ thì vẫn dùng “ngài” như một danh từ. Còn trong tiếng Việt toàn dân và ngôn ngữ văn học hiện nay thì “ngài” chỉ dùng với tính cách là một từ xưng hô ở ngôi thứ hai và ngôi thứ ba với sắc thái trang trọng. Bạn hỏi vì sao ngày xưa người ta dùng từ “người” cho cả ngôi thứ ba lẫn ngôi thứ hai còn ngày nay thì chỉ dùng nó cho ngôi thứ ba. Đó là do sự phân công ngữ nghĩa và do sự biến chuyển của việc sử dụng từ ngữ theo thời gian. Dùng ở ngôi thứ hai, “người” thường mang sắc thái thân mật như trong “Người ơi, người ở đừng về”; còn nếu dùng với sắc thái khinh thường thì “người” lại biến đổi từ thanh điệu 2 sang thanh điệu 1 thành “ngươi”. Dùng ở ngôi thứ ba với sắc thái trang trọng để tôn xưng thì, trên chính tả “người” thường viết hoa chữ đầu thành “Người”. Trong lối nói cổ xưa, ta còn thấy có “ngươi” là danh từ đơn vị (trước đây thường gọi là loại từ), dùng với sắc thái xấu nghĩa, như “ngươi Thoát Hoan”, “ngươi Liễu Thăng”, “ngươi Ô-mã-nhi”, v.v…

2. Trên thực tế, ta thường “giảng Nôm” rằng “ái” là “yêu” do mặc nhận rằng “yêu” là một yếu tố phi Hán Việt mà không ngờ rằng đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [憂] mà âm Hán Việt hiện hành là “ưu”, nhưng âm thông dụng lâu đời hơn là “âu” trong “âu yếm”. “Yêu” chẳng qua chỉ là điệp thức của (lđtc) “ưu ↔ âu”, cũng như “ấu” [幼] lđtc “yếu” trong “non yếu”, “biều” [瓢] lđtc “bầu” trong “bầu rượu”, “kiều” [橋] lđtc “cầu” trong “cầu đường”, “triều” [朝] lđtc “chầu” trong “chầu rìa”, v.v... Vậy, sở dĩ Hán Việt tự điển của Thiều Chửu không có chữ “yêu” nào có nghĩa “tình cảm luyến ái” như trong “tình yêu” thì chỉ là vì chữ [憂] không còn hoặc không được đọc thành “yêu” mà thôi.

Bạn hỏi từ khi nào thì từ “yêu” thay thế từ “thương” khi nói về tình cảm trai gái. Sự thực thì ngược lại và sự thực đó là người Đàng Trong đã dùng “thương” thay cho “yêu”, cũng như đã dùng “ốm” thay cho “gầy”, “đau” thay cho “bệnh”, v.v... Hiện tượng này bắt đầu từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh còn thời điểm chính xác cho từng từ một thì ta rất khó khẳng định, chủ yếu là do sự hiếm hoi của tư liệu thành văn.