Người lái xích lô khiến cháu bé gặp nạn vi phạm lỗi gì?
Va chạm với xe chở tôn, bé trai tử vong |
Chiều 23/9, tại khu vực trước nhà số 64 phố Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cháu Trần Minh Hoàng (9 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đi xe đạp trên đường đã va chạm vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ bên đường, bị cạnh tôn cứa trúng cổ. Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, nhưng do mất máu quá nhiều nên bé Hoàng đã tử vong.
Đại tá Nguyễn Hồng Thái - Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết, ngay sau khi tiếp nhận tin báo nhiều cán bộ Công an quận Hoàng Mai đã trực tiếp xuống hiện trường điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lái xe chở tôn dừng ở ven đường Tân Mai, bé trai đi xe đạp không chú ý quan sát đã đâm vào và tử vong.
Hiện trường cháu Hoàng tử vong sau khi bị tôn cứa vào cổ. |
Hiện Công an quận đang tạm giữ hình sự lái xe ba gác để tiếp tục lấy lời khai làm rõ vụ việc. Lái xe ba gác chở mái tôn tên Bình (ở Hà Nam) và có hoàn cảnh rất khó khăn, là gia đình hộ nghèo.
Liên quan đến vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, đây là vụ việc tai nạn thương tâm xảy ra với lỗi vô ý.
Vụ va chạm giao thông khiến cháu Hoàng tử vong là một thực tế rất đáng báo động về tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Đây còn là sự cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong việc buông lỏng quản lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông hàng ngày vận chuyển hàng hóa không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt xe cơ giới) gồm xe ôtô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe môtô hai bánh; xe môtô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Như vậy theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì xe đạp và xe xích lô đều là phương tiện thô sơ giao thông đường bộ. Do đó, vụ tai nạn trên đường giao thông sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý tương ứng với nhóm tội phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Bộ luật Hình sự 1999.
Vụ việc cháu Hoàng bị tai nạn thương tâm do va vào xe xích lô trở tôn được xác định là lỗi hỗn hợp:
Hành vi của người điều khiển phương tiện thô sơ (xe xích lô) đã vi phạm khoản 4 Điều 31 Luật Giao thông đường bộ. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác, thì hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
Đồng thời vi phạm điểm d, khoản 1 Điều 5 Nghị định 14/2003/NĐ-CP: Xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông: Hàng hoá xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng trên mặt đường và không gây cản trở cho việc điều khiển xe.
Xét hành vi của người điều khiển xích lô thấy, đã xếp hàng hóa vượt quá quy định về kích thước, không đảm bảo an toàn khi vận chuyển hàng hóa khi mà hàng hóa là loại vật liệu nguy hiểm cho những người đi đường. Hành vi của người điều khiển xích lô chở hàng không đảm bảo an toàn có dấu hiệu tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Không chỉ người lái xích lô vi phạm, cháu bé điều khiển xe đạp cũng vi phạm điều 63 Luật Giao thông đường bộ về điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông. Cụ thể, điều 63 quy định: người tham gia giao thông phải có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn và hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.
Trong vụ việc này, cháu Hoàng đang là học sinh lớp 4, đang là lứa tuổi trẻ em, hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên khi điều khiển xe đạp đi trên đường do thiếu quan sát, hoặc do đang vui đùa với các bạn đã va vào tấm tôn trên xe xích lô đang chuẩn bị dỡ hàng bên lề đường. Hậu quả cháu đã bị tử vong.
Như vậy, xét về mặt chủ quan, lỗi của cháu bé là lỗi chính do thiếu quan sát đâm vào tấm tôn. Mặc dù tại thời điểm xe xích lô chở hàng không làm khuất tầm nhìn của cháu và không cản trở đến việc tham gia giao thông của các phương tiện đang lưu thông trên đường.
Theo quan điểm của Luật sư Thơm, trong vụ việc tai nạn không may xảy ra này, nếu người lái xe xích lô hoặc gia đình người lái xe xích lô bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình người bị hại và người bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể được cơ quan điều tra xem xét không khởi tố là cũng có căn cứ và đúng pháp luật.
Người điều khiển xích lô là anh Bình có gia cảnh cũng rất đáng thương, hoàn cảnh nghèo khó lên đã ra Hà Nội làm thuê. Công việc làm thuê thường ngày của anh Bình là dùng chiếc xe xích lô để vận chuyển thuê để kiếm tiền nuôi vợ con và lo cho cuộc sống gia đình. Theo chia sẻ của người thân, lần chở xe này anh Bình được trả công 20.000 đồng. Khi xảy ra vụ việc, trong ví anh Bình không đủ tiền để ăn một bát phở bò. Anh Bình là trụ cột kinh tế trong gia đình. Hai vợ chồng anh lấy nhau được gần 30 năm, nhưng kinh tế không dư dả gì. Hơn nữa, vợ anh Bình còn có biểu hiện tâm thần nhẹ. Anh chị có một trai một gái. Con trai lớn từng đi tù vì nghiện ngập, con gái út lấy chồng ở quê, làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời |
Thiên Minh
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường