Người dân Libya muốn trở lại thời Gadhafi
Seif al-Islam và người cha quá cố Mouamar Gadhafi |
10 năm sau sự sụp đổ của chính quyền Muammar Gaddafi vào tháng 11/2011, con trai thứ hai của ông, Seif al-Islam, đang tự coi mình là “người dẫn đường” mới của người dân Libya. Sau những tin đồn liên tục trở lại chính trường, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với New York Times mới đây, ông đã đề cập đến mong muốn ra tranh cử tổng thống Libya vào tháng 12 tới.
Trước khi Mùa xuân Arab bắt đầu, người con trai thứ hai của đại tá Gaddafi đã được cho là sẽ trở thành người thừa kế “ngai vàng” tại Libya. Nhưng Chiến dịch Harmattan do NATO lãnh đạo vào năm 2011, dẫn đến sự tan rã chính trường Libya thành nhiều thế lực khác nhau, đã phá hoại kế hoạch của gia đình Gaddafi lúc bây giờ, hoặc chí ít trì hoãn kế hoạch này trong nhiều năm.
Nhưng sự kiên định và thái độ không chịu từ bỏ của Seif al-Islam, bị bắt cóc bởi một lực lượng dân quân vào năm 2011 và được thả vào năm 2017, đưa ông ta trở lại chính trường Libya. "Ông ta đang có một cơ hội chính trị. Seif al-Islam, đã bị hút vào quỹ đạo của cha mình trong vài năm, từng đại diện cho khía cạnh hiện đại của chính quyền Gaddafi, với nhiều chuyến thăm nước ngoài. Ngày nay, Seif al-Islam là một sự thay thế ngày càng hợp lý cho khoảng trống chính trị này. Một thực tế nổi bật không nên đánh giá thấp, đó là sự nổi tiếng của người này có thể là sợi xích cho phép ông ta liên kết mọi người dân Libya", Younes Belfellah, giảng viên kiêm nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Paris-Est Créteil, nói với Sputnik.
Ngay từ năm 2018, con trai của cố đại tá Gaddafi có thể tự hào là người nổi tiếng trong xã hội dân sự Libya. Theo một cuộc điều tra, hơn 90% những người được thăm dò ủng hộ ông Seif al-Islam "xây dựng lại nhà nước và hoàn thành các dự án của Libya trong tương lai". Chính sự nổi tiếng này cũng đã khiến ông ta trải qua không ít khổ cực. Thật vậy, Seif al-Islam vẫn đang là đối tượng của hai lệnh bắt giữ. Lệnh đầu tiên được ban hành bởi chính quyền Libya ở Tripoli, nơi ông ta thậm chí bị kết án tử hình vào năm 2015 vì tội ác chống lại loài người do Seif al-Islam bị cáo buộc tham gia vào các cuộc đàn áp những người nổi dậy chống lại cha mình. Lệnh thứ hai đến từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì những lý do tương tự. Cả hai lệnh bắt giữ vẫn còn hiệu lực.
Nếu Seif al-Islam trở lại lãnh đạo Libya, ông ta sẽ đối mặt với không ít phiền toái. Kể từ khi bắt đầu xảy ra các cuộc đụng độ vào năm 2011, Libya đã trở nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc lớn trong khu vực và quốc tế. "Các đảng phái Libya khác nhau là những con rối trong tay người nước ngoài", Younes Belfellah, chuyên gia về thế giới Arab chỉ rõ. Dưới lòng đất ở Libya giàu tài nguyên khoáng sản thu hút rất nhiều ánh mắt tham lam từ nước ngoài. Libya là một trong bốn nhà sản xuất dầu mỏ ở lục địa châu Phi và sản lượng của nước này đạt 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021, ít hơn một chút so với sản lượng khai thác dưới thời Gaddafi.
Ngoài ra, quốc gia này còn là cửa ngõ của Chad và Niger, hai quốc gia quan trọng, đặc biệt đối với Pháp. “Paris đang đánh cuộc lớn trong cuộc xung đột Libya. Bằng cách đầu tư vào đây, Pháp muốn liên kết với Sahel và các khu vực ảnh hưởng của mình ở Mali và Cộng hòa Trung Phi”, Younes Belfellah nhấn mạnh. Và Pháp không phải là nước duy nhất quan tâm đến khu vực này. “Vì lý do kinh tế và lịch sử, Ý cũng đang theo dõi tình hình Libya. UAE dứt khoát từ chối để đất nước này rơi vào tay Tổ chức Anh em Hồi giáo, vì vậy họ đang tài trợ cho cho các phe phái tại đây. Ngoài ra còn có vai trò tích cực của nước láng giềng Ai Cập, nước này không muốn biên giới của họ là hang ổ của những kẻ khủng bố. Nga cũng đang chơi trò với các lực lượng ở Benghazi. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây mới là nước đầu tư nhiều nhất vào vấn đề này, chưa kể đến Mỹ, nước đang theo dõi rất sát sao những tiến triển trên thực địa Libya”, Belfellah cho biết.
Thật vậy, sau chính sách tân Ottoman của Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo dựng mối liên hệ với các lực lượng ở Tripoli. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ một căn cứ hải quân ở Misrata, một căn cứ không quân ở Tripoli, cũng như một căn cứ quân sự ở al-Watiya. Ngoài yếu tố quân sự, trữ lượng khí đốt ngoài khơi bờ biển Libya cũng thu hút Tổng thống Erdogan. Vào năm 2019, một thỏa thuận với chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) ở Libya đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình, từ đó gây bất lợi cho Síp, Hy Lạp và Israel. Mối quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - Libya này đã được gia hạn vào tháng 4/2021.
Nhưng trước khi đối phó với các cường quốc, Seif al-Islam "sẽ phải đảm bảo có được sự ủng hộ của các đảng phái chính trị nội bộ", chuyên gia Younes Belfellah đánh giá. Và đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng trong bối cảnh xã hội dân sự Libya đang bị chia cắt. Hai lực lượng chính trị lớn đang thống trị "bàn cờ" Libya: ở phía Đông, lực lượng của Tướng Haftar và ở phía Tây, chính phủ đoàn kết dân tộc, được Liên Hợp Quốc công nhận và hiện do Abdel Hamid Dbeibah làm chủ tịch. Seif al-Islam có lẽ vẫn có quan hệ tốt đẹp với Thống chế Haftar, vì người này từng là đồng chí cha ông, Muammar Gadhafi. Nhưng trên hết, Seif al-Islam có thể trông chờ vào sự ủng hộ vô điều kiện của các bộ lạc phía nam đất nước trong vùng Fezzan.
Tuy nhiên, Seif al-Islam không phải là người duy nhất muốn giành được chiếc tổng thống. Đối với các chuyên gia trong khu vực, Abdel Hamid Dbeibah sẽ là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" với con trai Gaddafi, vì Dbeibah được quốc tế công nhận. “Dbeibah được nước ngoài biết đến nhiều, trong khi Seif al-Islam nổi tiếng ở bên trong Libya. Nhưng thách thức chính mà tổng thống tương lai của Libya sẽ phải đối phó là vấn đề an ninh. Các lực lượng phản kháng vẫn hiện diện, đặc biệt là ở Misrata, nơi họ đang cai trị. Ngoài ra còn có sự hiện diện của những phần tử Nhà nước Hồi giáo còn sót lại. Không có sự đồng thuận của các lực lượng chống đối, chắc chắn sẽ có những các cuộc đụng độ trong tương lai”, Belfellah nhận xét.
Theo Younes Belfellah, sự trở lại của Seif al-Islam trong chính trường Libya sẽ đặc biệt báo hiệu “cái chết của Mùa xuân Arab. 10 năm trước, người dân Libya và các dân tộc trong khu vực nói chung đòi hỏi tự do hơn, dân chủ hơn. Nhưng ngày nay, nguyện vọng đã thay đổi, người dân yêu cầu sự ổn định và an ninh, nói cách khác là quay trở lại các giá trị dưới thời Muammar Gaddafi. Sự trở lại của Seif al-Islam báo hiệu sự thất bại của một thập niên bạo lực và cực đoan hóa xã hội Libya”.
Libya có kế hoạch tăng sản lượng dầu lên 4 triệu thùng |
Nga sẵn sàng "khôi phục hoàn toàn" hợp tác quân sự với Libya |
Các công ty dầu khí Nga có nên tiếp tục “phiêu lưu” tại Libya? |
H.Phan
AFP
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới