Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ngữ học của Bình Nguyên Lộc

11:05 | 11/10/2015

|
Bạn đọc: Xin ông An Chi vui lòng nhận xét về phần “Ngôn ngữ” trong quyển “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” của Bình Nguyên Lộc (Bách Bộc xuất bản, 1971). Xin cảm ơn ông. Nguyễn Công Bình (Cầu Giấy, Hà Nội)  

Học giả An Chi: Trong công trình này của Bình Nguyên Lộc (BNL) thì trực tiếp liên quan đến ngôn ngữ là phần E (“Ngôn ngữ tỷ hiệu”, tr.455-658) của Chương 5. Tại chương này, ta có thể có cảm tưởng như BNL tài tử hơn là nghiêm túc. Chẳng hạn ông đã viết:

“Có trường hợp ngôn ngữ đơn âm biến thành ngôn ngữ đa âm. Trường hợp này rất thường xảy ra và nếu ta muốn, tiếng Việt đã là tiếng đa âm từ lâu rồi (…….). Trong vòng 10 năm nay, ta thấy xuất hiện trên báo chí những tiếng như là lành - mạnh - hóa chẳng hạn mà có người nói là từ ngữ, có người cho là động từ ghép, chỉ vì có hai gạch nối liền, chứ bỏ hai gạch đó, viết dính nó lại thì đó là một tiếng đa âm chứ không có gì lạ” (Sđd, tr.465-66).

Lập luận của BNL cực kỳ giản dị và kỳ dị: Có gạch nối thì “lành mạnh hóa” (lành-mạnh-hóa) là từ ngừ, là động từ ghép; Không có gạch nối mà viết dính liền (lànhmạnhhóa) thì “lành mạnh hóa” là một tiếng đa-âm. Nhưng đây chỉ là chuyện hình thức thuần túy chứ không phải là bản chất của hiện tượng: Dù ta có viết dính liền hay dùng hai gạch nối thì bản chất của “lành mạnh hóa” cũng không thay đổi. Thực chất thì “lành mạnh hóa” là  ba tiếng (âm tiết) trong  đó “lành”, “mạnh” và “hóa” đều là từ nên nếu có viết liền (thành lànhmạnhhóa) thì đó vẫn là ba từ chứ không phải là một “tiếng đa-âm”. Ngay cái từ “tiếng” cũng không được BNL dùng một cách rõ ràng dứt khoát. Trong ngữ học, từ này có hai nghĩa: 1. âm tiết (syllable); 2. từ (word). Cứ theo cách diễn đạt của BNL, ta cũng khó biết ông muốn dùng nghĩa nào của nó trong ngữ đoạn “những tiếng như là lành-mạnh-hóa” và nghĩa nào trong “là một tiếng đa-âm”.

Phải nói rằng trong sách của mình, có những chỗ BNL cho thấy kiến thức ngữ học của ông rất mơ hồ, chẳng hạn trong đoạn sau đây:

“Người Mỹ mới tới sau, không biết gì hết về chủng tộc học và ngôn ngữ học xứ này, cũng bắt chước Pháp mà cho rằng người Thượng là người Cao Miên, khi họ đưa những nghĩa quân Thượng luyện tập trong lãnh thổ của ta cho Cao Miên.

“Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic (sic) ở Saigon, cũng chỉ nhai lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển “A Study of Middle Vietnamese Phonology” tại Saigon” (Sđd, tr.470).

Trích đoạn trên đây chứng tỏ BNL chưa hề biết đến thiên nghiên cứu “A Study of Middle Vietnamese Phonology” của Kenneth J. Gregerson, in lần đầu tiên trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (Nouvelle série, Tome XLIV, No. 2, pp. 135-193), sau đó đã được in lại tại Dallas (Texas, USA) năm 1981. Trong công trình này, Gregerson phân tích về các âm vị của tiếng Việt thời Trung đại (Middle Vietnamese) chứ liên quan gì đến tiếng nói của người Thượng? BNL đã hiểu sai “Middle” ở đây là “Trung Phần (Việt Nam)”. Nhưng cứ cho rằng “Middle Vietnamese” là “tiếng Việt miền Trung”, tức phương ngữ Trung Bộ thì nó cũng đâu có dính dáng gì đến tiếng nói của người Thượng. Cách hiểu từ ngữ của BNL rất lơ mơ; nói về chữ “Cái” (vẫn được giải nghĩa là “mẹ”) trong tôn hiệu “Bố Cái Đại Vương”, ông viết:

“Con của ông Phùng Hưng chỉ xây đền thờ cho cha, mẹ ông ấy không có làm gì cả ngoài việc nội trợ, thì không có lý nào mà ông ấy gộp mẹ vào chức Đại Vương được hết” (Sđd, tr.477).

Nhưng con của Phùng Hưng nào có đưa mẹ của mình vào tôn hiệu “Bố Cái Đại Vương” vì “cái” ( = mẹ) ở đây chỉ là ẩn dụ chứ đâu phải được hiểu theo nghĩa đen. Cũng như khi dân chúng thời xưa nói rằng “quan là cha mẹ của dân” (dân chi phụ mẫu) thì họ cũng đâu có đưa cha, đưa mẹ của họ vào cái ngữ đoạn đó.

Cũng với cái cách hiểu sai từ ngữ trên đây, BNL đã hiểu sai từ “bông” trong hai câu ca dao:

Bao giờ đến tháng giêng hai

Trồng bông, trồng đậu, trồng khoai kịp thì

BNL cho rằng “bông” ở đây là “hoa” (Sđd, tr.516) còn chúng tôi thì xin thưa rằng đây là “bông vải”. BNL còn “bóp méo” chữ nghĩa để chứng minh cho luận điểm của mình nữa. Ông viết:

“Tên Đồng Nai không phải là tên Việt Nam đâu. Đó là tên của Mạ, họ gọi con sông đó là Đạ Đờng (…..). Vậy sông Đồng Nai chỉ là sông Đờng mà lưu vực có nhiều nai, chớ không phải đồng bằng có nhiều nai, như ta hiểu theo nghĩa ngày nay” (Sđd, tr.532-33).

Nhưng rất thú vị là chính BNL cũng “hiểu theo nghĩa ngày nay” nên mới lấy bút hiệu là “Bình Nguyên [ = đồng] Lộc [ = nai]”.

BNL cũng rất sai khi chê Georges Coedès. Ông viết: “Mặc dù là Viện trưởng của Viện Viễn Đông bác cổ, ông G. Coedès còn dốt ngữ học hơn đàn em của ông nhiều lắm trong cái Viện đó”. Chúng tôi đành mạn phép hỗn xược với BNL - ông là cậu của một người bạn thân của chúng tôi - mà nói rằng có lẽ G. Coedes không dốt hơn BNL về mặt ngữ học đâu.

Nói chung, hơn 200 trang “Ngôn ngữ tỷ hiệu” trong sách của BNL có nhiều chỗ cần thảo luận mà trên đây chúng tôi chỉ nêu một số chỗ. Riêng về mặt từ nguyên, có những trường hợp là từ Việt gốc Hán hiển nhiên nhưng BNL cũng gán vào nguồn gốc Mã Lai. Sau đây là một số thí dụ:

- “Ngoài” (tr.568) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [�] mà âm Hán Việt hiện hành là “ngoại”, có nghĩa là… “ngoài”.

- “Kiềng” (tr.571) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [檠] mà âm Hán Việt hiện hành là “kình”, có nghĩa là “chân để kê đèn”.

- “Tê” (tr.573) trong “tê liệt” là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [痹], có nghĩa là… “liệt”, “không cử động được”.

- “Bố” (tr.573) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [�], mà âm Hán Việt hiện hành là “phụ”, có nghĩa là… “bố”. Lý do hiển nhiên là chữ “phụ” [�] này vốn là một chữ mà thanh phù là “bố” [�].

- “Bạn” (tr.577) là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [�], có nghĩa là “người chơi với mình”.

- “Khố” (tr.591) là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [褲], có nghĩa là “quần”.

- “Mùi” là âm xưa của hai chữ “vị” [�], [�] mà chúng tôi đã từng chứng minh.

V.v… và v.v...

Tóm lại, theo chúng tôi, phần “Ngôn ngữ tỷ hiệu” thuộc Chương 5 trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam không thể được xem là có tính chất khoa học nghiêm túc và chặt chẽ.

 

Năng lượng Mới 464