Ngân hàng Nhà nước có “quản” được vàng?
Thị trường vàng đang được quản lý không đúng cách.
Hơn 10 tấn vàng SJC đã được cung ứng ra thị trường nhưng mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng được xác lập lên mức cao kỷ lục là gần 7 triệu đồng/lượng, cách làm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 9 phiên đấu thầu vàng miếng đã qua liệu có đúng?
Sau phiên đấu thầu vàng lần thứ 2, đại diện NHNN đã lên tiếng khẳng định, mục tiêu của NHNN là tăng nguồn cung cho thị trường vàng để hướng tới mục tiêu bình ổn thị trường chứ không nhằm mục đích bình ổn giá. Tuy nhiên, với những diễn biến đầy bất thường trên thị trường những ngày qua, giới đầu tư cũng như các chuyên gia tài chính đều tỏ ra rất nghi ngờ khả năng “cầm trịch” cũng như quản lý thị trường vàng của NHNN.
Trước những diễn biến đầy bất thường của thị trường vàng, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Quản lý thị trường vàng không hề đơn giản và nó vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Ông phân tích: Ý đồ của NHNN là không gây những hiệu ứng tâm lý căng thẳng không cần thiết trong thị trường vàng trong nước. Mặc dù vàng trong nước cũng phải biến thiên theo giá vàng thế giới nhưng chúng ta lại không điều khiển được giá vàng thế giới. Thứ hai, không làm giảm, thiệt hại đến dự trữ ngoại hối (cả vàng, cả ngoại tệ). Thứ 3, việc mua bán như vậy gắn với cung tiền, việc chơi vàng phải không ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát của cung tiền nhà nước để đảm bảo rằng ổn định kinh tế vĩ mô.
“Như vậy, đòi hỏi sự điều hành nhanh nhạy. Ở đây không chỉ là câu chuyện đấu thầu vàng mà còn là sử dụng các công cụ tiền tệ khác như vấn đề nhập vàng, cung vàng ra thị trường hay vấn đề kéo vàng vào… Nói chung là không đơn giản” – TS Thành nói.
Cũng theo vị chuyên gia này thì cách làm của NHNN hiện nay chỉ là phép thử, không chỉ là đáp ứng vàng cho các ngân hàng, không gây chấn động thị trường... mà còn là học cách chơi. Phải sau thời gian tất toán được trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng thì mới biết được cụ thể tình hình. Bởi vì lúc đó có thể thị trường sẽ bình thường hơn.
Một vấn đề khác cũng đang được giới chuyên gia nhắc tới như là “điểm nóng” trên thị trường vàng là nghi vấn “lợi ích nhóm”, là sự bắt tay của một số doanh nghiệp “tay to” thao túng, làm giá với vàng. Như đã nói ở trên, mục tiêu lớn nhất của NHNN sau các phiên đấu thầu vàng là cung ứng thêm hàng cho thị trường nhưng lượng vàng miếng đó có vào thị trường hay không thì lại không ai biết. Vàng đấu thầu thành công là đã thuộc về doanh nghiệp, về các tổ chức tín dụng và tất nhiên, nhưng đơn vị này làm gì với lượng vàng trên thì chỉ có… trời mới biết.
Trong rất nhiều khả năng như tổ chức tín dụng sẽ dùng để thanh toán số vàng đã nhận gửi từ khách hàng theo quy định thì cũng có khả năng không nhỏ là các đơn vị sẽ “bắt tay” nhau găm hàng, tạo sự khan hiếm ảo trên thị trường, đẩy giá lên cao, mang bán và kiếm lợi khủng. Và nếu khả năng này thực sự có thật, giới chuyên gia khẳng định đây sẽ là thảm họa với thị trường vàng!
Bàn về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn chỉ ra rằng: Chỉ có vài “đại gia” và ngân hàng thương mại là đủ lực tham gia đấu thầu vàng miếng bởi họ phải tất toán vàng với NHNN trước ngày 30/6 tới. Ngay chính thống kê của NHNN cũng cho thấy, người mua vàng phần lớn là các ngân hàng thương mại và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Từ đó, TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi: Có lợi ích nào ở đây để NHNN lấy vàng dự trữ quốc gia ra giúp các NHTM vượt qua khó khăn hay không?
TS Ngô Trí Long: NHNN nên trả kinh doanh vàng miềng cho doanh nghiệp.
Cùng đưa quan điểm về cách quản lý thị trường vàng của NHNN, TS Ngô Trí Long cho rằng: Mục tiêu bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu vàng miếng là không thành công.
Ông Long phân tích: Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sau các phiên đấu thầu ngày càng lớn. Trước khi NHNN tổ chức đấu thầu, giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 - 3 triệu đồng/lượng. Ngay sau các phiên đấu thầu, dù NHNN đã đưa ra thị trường khối lượng vàng lên tới 10,1 tấn, nhưng giá vàng trong nước lại tăng cao hơn nhiều so với trước đây, có thời điểm chênh lệch tới 7 triệu đồng/lượng.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trên thị trường đã có sự xáo động khá mạnh do ảnh hưởng của chính sách mới. Chính vì thế, có nhiều câu hỏi cần được đặt ra: Liệu có lợi ích nhóm hay không, liệu có hiện tượng đầu cơ hay không, liệu chính sách có khả thi hay không?
Và để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường, chấm dứt tình trạng đầu cơ, “lợi ích nhóm” trên thị trường vàng, ông Long cho rằng: NHNN không nên tiếp tục cơ chế quản lý “một mình, một chợ”, điều tiết chủ yếu bằng biện pháp hành chính như vừa qua. NHNN nên trở về với các nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện tình trạng vĩ mô, không tham gia sản xuất kinh doanh. Hãy trả lại việc kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất – kinh doanh thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền.
Bên cạnh đó, nên thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản...) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng như một công cụ tài chính quốc tế. Tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi.
Thanh Ngọc
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Giá vàng hôm nay (29/10): Tiếp tục tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (29/10): Dầu thô tăng trong phiên
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 29/10: Giá dầu thế giới tăng nhẹ đầu phiên