Nên làm theo Quận 1
Đích thân Phó chủ tịch UBND quận Đoàn Ngọc Hải đã chỉ huy các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ này. Từ các công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè đến các hàng quán, mái che, mái vẩy đều bị hốt sạch. Thế là bộ mặt đường phố của Quận 1 đang được cải thiện rõ rệt. Vậy thì các đô thị khác trong cả nước nên học tập và làm theo Quận 1 TP HCM để lấy lại lòng đường và vỉa hè vốn bị chiếm dụng suốt mấy chục năm nay, gây ách tắc giao thông.
Quận 1 ra quân giải tỏa đường phố có sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP HCM. Nhưng điều quan trọng vẫn là tinh thần quyết tâm của UBND quận và sự ra tay quyết liệt của người chỉ huy là ông Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải.
Lực lượng tham gia giải tỏa vỉa hè Quận 1 |
Lâu nay, chuyện giải tỏa lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội cũng như TP HCM và nhiều đô thị khác vẫn được chú ý, có văn bản chỉ thị hẳn hoi nhưng không chuyển biến bởi chủ trương đó chỉ dừng lại ở sự hô hào. Có chăng, một năm vài lần, chính quyền sở tại tổ chức lực lượng ra quân để làm cho phải phép rồi đâu lại vào đó. Vì thế mà vỉa hè bị biến thành nơi bán hàng, họp chợ, để xe. Người đi bộ không còn vỉa hè nên phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm.
Thực ra, vỉa hè ở các đô thị đã phân cấp quản lý đến từng phố phường. Công an và dân phòng của các phường có trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý mọi sai phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn mình phụ trách. Bên cạnh đó còn có lực lượng thanh tra giao thông. Nhưng tại sao vỉa hè vẫn bị lấn chiếm? Có những điều thật đơn giản là lực lượng công an và dân phòng của phường đều là người quen biết, có quan hệ gắn bó gần gũi với người dân trên địa bàn. Có thể họ xử lý nghiêm khắc với người lạ từ nơi khác đến, nhất là người bán hàng rong nhưng lại nương nhẹ với người thân, bạn bè. Khi thấy có công an và dân phòng đến thì hàng quán được vội vàng thu dọn; mái che được kéo vào nhưng sau đó họ lại bày ra như cũ. Thế nên chẳng khác gì “ném đá ao bèo”, “bắt cóc bỏ đĩa”. Xe chở công an phường và dân phòng cứ lượn quanh các phố nhưng không giải quyết được việc lấn chiếm vỉa hè.
Nhiều hộ dân có nhà mặt phố đã xây hết phần đất của mình nên buộc phải xây thêm bậc lên xuống vào nhà trên phần đất hè phố. Nhà thấp thì một bậc, còn nhà xây nền cao thì phải có 2-3 bậc. Mà lối suy nghĩ của nhiều người xưa nay là cứ nhà xây sau thì phải cao hơn nhà xây trước một ít. Do đó mà chuyện lấn đất vỉa hè diễn ra phổ biến. Vừa xây bậc lên xuống, vừa mở quán bán hàng và để xe máy nữa nên nhà nào cũng vô tư chiếm dụng hết cả phần hè phố trước cửa nhà mình. Nhà nào có ô tô thì lại đỗ xe trước cửa, chiếm thêm phần lòng đường. Cứ như vậy thì làm sao còn vỉa hè cho người đi bộ và làm gì chẳng tắc đường!
Làm như Quận 1 TP HCM hiện nay mới hiệu quả. Ông Đoàn Ngọc Hải trực tiếp chỉ đạo lực lượng phá dỡ, làm việc cả ngày lẫn đêm, cả ngày nghỉ. Không chỉ vi phạm của người dân mà các công trình của nhà nước vi phạm cũng bị phá bỏ.
Động thái quyết liệt ấy của ông Hải khiến dư luận tạo áp lực cho người trực tiếp đi xử lý vỉa hè. Tuy nhiên, lãnh đạo TP HCM đã cho rằng, “ông Hải làm như vậy là thực hiện nhiệm vụ của thành phố, của quận ủy giao chứ không phải cá nhân đồng chí ấy muốn”. Xử lý mạnh tay như thế chắc chắn sẽ phải đụng chạm nhưng vì dựa vào pháp luật để thực thi, xử lý vi phạm, trình tự thủ tục cũng theo pháp luật thì không có gì sai phạm. Bởi vì trước khi đoàn liên ngành tháo dỡ, đập bỏ các công trình vi phạm, Quận 1 đã vận động, thuyết phục nhưng người dân và các đơn vị vi phạm không thực hiện.
Lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận: Khâu quản lý là khâu quan trọng nhất, bao nhiêu năm nay chúng ta xử lý không hiệu quả, như bèo dạt mây trôi... là do công tác quản lý. Nhiều xe biển xanh chở cán bộ thành phố đi họp, đi nhậu đêm... đậu trên vỉa hè cũng bị xử lý. Xe biển xanh 80B, 80M cũng bị cẩu về trụ sở. Các quán nhậu, nhà hàng... lấn vỉa hè đều bị xử phạt.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói: “Chủ tịch, Phó Chủ tịch phải trực tiếp làm thì mới ra vấn đề. Tác phong làm việc phải như thế, giờ vẫn còn ngồi bàn giấy chỉ đạo là không được. Nghị định 155 rất rõ ràng, mức xử phạt rất cao. Bây giờ quan trọng là triển khai như thế nào cho hiệu quả! Cán bộ phụ trách việc mà buông lơi thì cũng xem xét trách nhiệm”.
Khi đã nhận thức được sự sai phạm của mình thì người dân ủng hộ chính quyền. Nhiều hộ dân ở Quận 1 đã chủ động thuê nhân công đập bỏ, tháo dỡ các bậc thềm mà họ tự ý xây lấn chiếm lâu nay. Đó là tín hiệu đáng mừng và là yếu tố thuận lợi cho chính quyền thực thi chủ trương và triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Kinh nghiệm của Quận 1 đáng để cho lãnh đạo ở các đô thị khẩn trương vào cuộc ngay. Có như thế đường mới thông, hè mới thoáng được!
Hoài Anh
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường