Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nên dẹp “chợ bán đồ ăn cắp”?

07:50 | 19/02/2016

1,920 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chợ Hòa Bình còn được gọi là chợ Trời hay chợ Giời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ lâu đã mang tiếng là nơi “bán đồ ăn cắp”. Nơi đây cũng nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ “đồ ăn cắp”, nên nhiều ý kiến cho rằng cần dẹp ngôi chợ này…!

Mua lại đồ của mình

Có lẽ hiếm nơi nào như chợ Trời ở Hà Nội. Nơi đây, người mua có thể mua được rất nhiều đồ dùng khác nhau, từ cái ốc vít cho đến cái tivi, từ những chiếc đĩa trắng cho đến đầu phát nhạc, máy dân dụng… Nhưng dễ kiếm hơn cả vẫn là những thiết bị dành cho ôtô như gương, cần gạt, logo... nó được bán với giá rẻ hơn so với các cửa hàng hay siêu thị uy tín.

nen dep cho ban do an cap
Một góc chợ Trời

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, từ những năm trước, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các cơ sở bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại chợ Trời. Đáng chú ý là đợt kiểm tra, xử lý vào cuối năm 2013, đầu năm 2014, Công an quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 40 cửa hàng kinh doanh phụ tùng ôtô. Kết quả hơn 2.800 linh kiện, phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc đã bị lập biên bản tạm giữ. Trên cơ sở xác minh, phân loại, những phụ tùng mà chủ cửa hàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ đã bị tịch thu, tiêu hủy.

Vi phạm lần đầu, lỗi vô ý, chủ cửa hàng bị xử phạt hành chính. Đối với vi phạm mang tính hệ thống, số lượng phụ tùng không rõ nguồn gốc lớn, cơ quan chức năng ra quyết định rút giấy phép kinh doanh. Nhiều cơ sở kinh doanh phụ tùng ôtô tại chợ Trời sau đó đã ký cam kết với cơ quan chức năng không tiếp tay cho các loại tội phạm tiêu thụ tài sản phi pháp. Thế nhưng đến nay tình trạng này vẫn diễn ra.

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) và công an quận sở tại đã đồng loạt kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh phụ tùng ôtô, xe máy tại khu vực chợ Trời.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn phụ tùng ôtô, xe máy cũ không rõ nguồn gốc như gương chiếu hậu, logo, lazang… Số hàng không rõ nguồn gốc sau đó được Đội Quản lý thị trường số 5 tiếp nhận, phối hợp cơ quan điều tra phân loại, xác minh nguồn gốc phụ tùng, từ đó điều tra làm rõ những đường dây, cá nhân có dấu hiệu phạm pháp hình sự.

Thông tin từ cơ quan chức năng, việc kiểm tra đột xuất chợ Trời được lực lượng liên ngành thực hiện sau khi có thông tin một số cửa hàng tại khu vực này tiêu thụ phụ tùng ôtô, xe máy là tang vật trong các vụ mất trộm tài sản.

Đa số những mặt hàng được bày bán liên quan đến phụ tùng ôtô ở chợ Trời đều không có nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người hay nói vui với nhau rằng khi bị mất xe máy, mất gương ôtô hay phụ tùng gì thì cứ lên… chợ Trời, tìm kiểu gì cũng thấy. Trong thực tế, có nhiều trường hợp chủ xe bị “nhảy” mất gương ôtô chỉ vài giờ sau lên chợ Trời tìm là có thể thấy.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, anh Nguyễn Văn Ân (Hà Nội, dạy lái xe tại một trung tâm ở Hà Nội) cho biết, từng bị kẻ trộm bẻ mất đôi gương và bóc mất logo ở xe ôtô Mazda3 màu trắng khi để xe ở trong ngõ. Theo anh Ân, chi phí thay gương, logo mới cũng gần 5 triệu đồng.

Trước khi bị bẻ gương, bóc logo, anh Ân cũng từng bị kẻ trộm bẻ cần gạt nước vào hồi đầu năm 2015. Sau đó, anh Ân lên chợ Trời tìm và mua được cần gạt nước. Về việc tìm thấy đồ của mình bị mất tại chợ Trời, anh chia sẻ: “Bị kẻ trộm “hỏi thăm” lúc mình không biết thì cũng chẳng làm gì được. Nhưng cái kiểu mình mất đồ, ra chợ Trời thấy đúng đồ của mình vừa mất, lại phải bỏ tiền ra mua lại. Đúng là vừa đau lòng vừa thấy hài hước thật. Nhưng vẫn phải chấp nhận, vì xã hội nó thế”.

Nói đoạn, anh Ân cũng kể về một trường hợp tương tự xảy ra với một người bạn của mình. Theo đó, một người bạn của anh Ân bị kẻ trộm vặt mất gương xe Mercedes-Benz khi để xe trên đường Ngụy Như Kon Tum (thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, bạn anh Ân quyết không đến chợ trời tìm mua lại mà tìm đến cửa hàng uy tín để thay thế.

“Tôi nghĩ là ra chợ Trời tìm chắc chắn có gương xe của cậu ấy, nhưng cậu ấy không đi. Chắc có lẽ vì ghét bọn ăn trộm, kiên quyết không tiếp tay cho bọn ăn trộm nên mới thay thế bằng gương ở cửa hàng khác” - anh Ân nói.

Có lẽ vì vậy mà vào tháng 9/2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội về việc di dời chợ Trời đến địa điểm mới tại khu vực chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai). Vào thời điểm đó, lý do được đưa ra để di dời chợ Trời là bởi chợ này đã gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông trong nhiều năm. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được dư luận bởi ai cũng biết chẳng một cái chợ nào có giao thông thuận lợi nhất là giữa thủ đô Hà Nội bon chen.

Trước đó, cũng có thông tin rằng chính quyền quận Hai Bà Trưng đã có chủ trương giải tỏa chợ Trời về khu vực gần ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt và khu vực Công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, khu chợ tạm này chỉ hoạt động được một thời gian rất ngắn rồi dân buôn lại quay về đất cũ “làm ăn”.

“Không thể cấm kinh doanh”

Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và Liên danh cho rằng, cơ quan chức năng chỉ có thể tiến hành xử lý những hộ kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc chứ không thể dẹp chợ.

“Khi mua bán thì phải có hóa đơn chứng từ. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì phải xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng đang bán. Trong trường hợp này cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính các cơ sở bán phụ tùng xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc chứ không có quyền cấm họ không được buôn bán” - Luật sư Tạ Anh Tuấn nói.

Cũng theo Trưởng Văn phòng Bách Gia luật và Liên danh, hành vi trộm cắp và tàng trữ đồ ăn cắp đều bị coi là vi phạm pháp luật, hình phạt tương ứng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Thế nhưng hiện nay tình trạng bán hàng phi pháp đang trở nên rất công khai ở nhiều nơi, song cả người bán và người mua đều không hề hấn gì.

Theo Luật sư Tuấn, tình trạng bán hàng ăn cắp chỉ kết thúc khi không có kẻ ăn cắp. Nhưng muốn vậy phải bắt được quả tang kẻ trộm cắp để xử lý, nếu không thì cũng chẳng làm gì được. Với các chủ cửa hàng bán đồ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chỉ khi chứng minh được là đồ ăn cắp thì cơ quan chức năng mới xử lý được còn không cũng chỉ phạt hành chính.

“Thực ra gọi chợ Trời là nơi tiêu thụ tài sản do bọn trộm cắp tuồn vào cũng không hẳn đúng. Nếu chỉ vì không quản được nên cấm thì đó là tư duy không ổn. Pháp luật không cấm người dân tự do kinh doanh” - Luật sư Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chợ Trời bao gồm đoạn cuối của phố Huế và một phần các phố Đồng Nhân, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Thịnh Yên, Yên Bái 2, liên thông cả sang (một phần) khu chung cư Nguyễn Công Trứ và một số ngõ nhỏ hình thành nên. Các mặt hàng bán tại chợ này không rõ xuất xứ. Nhiều đồ cũ được “mông má”, tân trang lại nên dùng không bền. Hầu như người tiêu dùng rất khó đoán định được chất lượng thật nên không ít người mua phải hàng kém chất lượng, hàng rởm, hàng giả vì bề ngoài được tân trang, mông má mẫu mã đẹp đẽ, bóng nhoáng.

Xuân Hinh

Năng lượng Mới 498