Có nên dẹp bỏ chợ Giời
60 năm một chợ Giời
Chợ Giời (hay chợ Trời) là tên gọi dân dã của chợ Hòa Bình, Hà Nội. Đây là nơi buôn bán đủ loại hàng, từ cái nhỏ nhất như cái đinh, cục pin đồng hồ đến cái lớn như xe máy, hàng điện tử, điện lạnh... Chợ nằm rải rác xung quanh phố Huế giao với Đại Cồ Việt, gồm các ngõ nhỏ và phố nhỏ như khu Trần Cao Vân, chùa Vua, Thịnh Yên, Yên Bái 2, thông sang cả khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
Chợ Giời Hà Nội được hình thành vào khoảng năm 1954-1955, do một số người dân tản cư vào miền Nam cần phải bán các tài sản trong gia đình đã qua sử dụng. Sớm hơn thế, theo nhà văn hóa Lý Khắc Cung, chợ Giời đã được tụ họp từ năm 1945 sau ngày Nhật đảo chính Pháp. Đến khi ta tiếp quản thủ đô, Hiệp định Genevơ được ký kết, đến phong trào di cư vào Nam của hàng triệu người vào năm 1955, chợ Giời mới được thành lập chính thức.
Thoạt đầu, chợ được họp ở góc phố Thiền Quang, phố Quang Trung, mở rộng quanh hồ, rồi đến phố Hồ Xuân Hương. Nơi họp chợ hợp với đặc trưng của một cái chợ, thế là mọi người tràn ra phía chùa Vua, lấy đó làm trung tâm rồi tỏa ra mọi phía. Nơi đây kề cạnh những trục đường cái, đường chính, có thể tiến được mà cũng có thể thoái được theo nhiều ngả.
Một góc chợ Giời trên phố chùa Vua |
Chợ họp từ sáng sớm đến khi thành phố lên đèn, thậm chí đến đêm khuya. Suốt ngày nhộn nhịp, mua nhanh, bán nhanh. Chợ Giời có đủ các loại mặt hàng “thượng vàng hạ cám”, khách có thể mua phụ tùng bất kỳ, thậm chí có thể mua một chiếc nan hoa, một ốc tanh, con vít... cũng có ngay với giá “mềm”. Ở đây, bạn có thể mua từ chiếc kim, chiếc đinh cho đến các máy móc tinh vi, đắt tiền.
Từ năm 1955 trở đi, chợ Giời đã là một cái chợ quy củ mà tầm cỡ của nó làm cho cả nước biết đến, nhưng thực ra đến năm 1980 nó mới thực sự trưởng thành.
Chợ Giời còn là “sản phẩm” của thời bao cấp. Đây là giai đoạn mà hoạt động kinh tế diễn ra theo sự kiểm soát của Nhà nước, không chấp nhận kinh doanh tự do. Toàn bộ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, cho đến mặt hàng thiết yếu như cây kim, sợi chỉ đều thông qua chế độ tiêu chuẩn tem phiếu cho từng đối tượng. Chính vì vậy, sự cung và cầu là chênh lệch nhau rất lớn, mới sinh ra chợ Giời - nơi để buôn bán những loại hàng hóa ngoài luồng không có tem phiếu, thậm chí hàng ăn cắp, ăn trộm.
Chợ Giời nay đã được mở rộng ra nhiều, chuyên bán các mặt hàng điện tử như phụ tùng ôtô, xe máy, xe đạp, tivi, tủ lạnh, loa, đài... Chợ cũng là nơi các sinh viên ngành kỹ thuật tới mua các linh kiện điện tử cho bài tập, dự án của mình. Khoảng chục năm trước, đây là nơi thu hút đông học sinh, sinh viên tới mua các loại băng đĩa đang hot của ca sĩ trẻ về nghe. Nhưng từ khi Internet phát triển, nghe nhạc online được ưa chuộng, những cửa hàng băng đĩa ở đây cũng vắng bóng dần.
Không chỉ bán đồ cũ, chợ còn bán các sản phẩm mới tinh, nguyên đai nguyên kiện. Tuy nhiên, một điểm đặc trưng tại khu chợ này là hàng giả và hàng thật luôn bị trà trộn lẫn nhau mà giá vẫn như nhau. Vì thế, những người sành sỏi có thể mua được đồ vừa xịn vừa rẻ, ngược lại không ít những tay “gà mờ” mới đi chợ đã bị “hớ” khi mua hàng ở đây.
Chợ chuyên tiêu thụ đồ gian
Chợ Giời bị gắn cái mác là chợ tiêu thụ đồ gian từ bao lâu thì không rõ. Nhưng cách đây 20 năm, hồi còn là học sinh Trường THCS Trưng Nhị - ngôi trường nằm trên địa bàn phường Đồng Nhân, giáp chợ Giời, tôi đã được nghe mọi người bảo nhau rằng, hễ mất xe đạp thì phải phi ngay ra chợ Giời tìm, có khi còn thấy. Để tới được trường học hồi đấy, tôi ngày nào cũng phải đi qua phố Thịnh Yên, còn nhớ không ít lần đi qua những cửa hàng bán băng đĩa VCD, DVD bị nhiều chị chèo kéo: “Mua đĩa sex không em?”. Thậm chí có người còn chặn xe, ấn cho mấy chiếc đĩa bắt mua!
Cán bộ Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra một cửa hàng tại chợ Giời năm 2016 |
Chợ Giời một thời khét tiếng là địa điểm kinh doanh phức tạp nhất của thành phố. Dân tứ xứ: những kẻ lưu manh, trộm cắp, lừa đảo… đều tụ tập ở đây, sẵn sàng chầu chực và đôi khi “nuốt sống” những con mồi béo bở (cả người bán lẫn người mua).
Nhất là cánh “ngú ngớ ù ờ” ở nơi khác đến, mang theo máy móc, vật dụng hay đại loại thứ sản phẩm nào với ý định bán, hiếm ai không bị các chủ hàng bắt chẹt, bị ép bán giá rẻ mạt, bị lừa lọc…; ngược lại người mua, do ham đồ rẻ, lại không sành sỏi, chẳng biết mô tê gì nên dễ bị lừa như bỡn. Vớ được khách “sộp” thì không chỉ kẻ lưu manh, mà ngay cả những người bán hàng (vốn dĩ đều lanh lợi) cũng ra sức lừa bịp bằng cách “bán đồ rởm lấy tiền thật” và “mua đồ thật trả tiền… rởm”!
Từ năm 1998 đến 2005 là thời kỳ hoàng kim của đĩa CD lậu. Một đĩa trắng giá chỉ 1.000-2.000 đồng, sau khi đã chép đầy nhạc, phim hoặc games được bán với giá 8.000-10.000 đồng. Chủ kinh doanh bật mí, có tháng cơ sở của anh ta bán ra đến cả ngàn đĩa phim, trong đó phân nửa là phim “người lớn”. Chỉ thấy bóng nam thanh niên, trung niên rà rà xe là có mấy chị sồn sồn nháy mắt: “Phim mát mẻ không em ơi…”.
Khoảng năm 2006, Hà Nội rộ lên nạn ăn trộm biển kiểm soát ôtô, xe máy. Nhiều người phải tìm đến chợ Giời để tìm mua lại. Thì nay lại tiếp tục rộ lên nạn vặt gương, logo…
Ai đó bảo, muốn tìm lại đồ bị mất cắp xin cứ ra chợ Giời. Đúng mùng 1 tết Giáp Ngọ 2014, anh trai tôi đỗ xe bên lề đường Nguyễn Chí Thanh, khoảng 15 phút sau xuống thì đã thấy 2 chiếc gương chiếu hậu của xe ôtô không cánh mà bay. Sau khi gọi điện tới một số nơi thì xin được số của một người tự xưng là chủ một cửa hàng kinh doanh phụ tùng ôtô tại chợ Giời và hiện đang có đôi gương vừa bị “vặt” của xe anh tôi. Sau khi ngã giá 1 đôi gương là 8 triệu đồng, người đàn ông này còn “khuyến mại dịch vụ” cho người tới tận nhà để lắp lại đôi gương.
Mới đây, Công an Hà Nội phá ổ nhóm chuyên trộm cắp và tiêu thụ tài sản trộm cắp là phụ tùng ôtô gồm: Trần Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Tiến Huy (SN 1980, trú tại tổ 17, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) và Nguyễn Đình Tuấn (SN 1966, trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại Cơ quan Công an, Tuấn và Huy khai nhận, từ giáp tết cho đến khi bị bắt, hai đối tượng thường chở nhau đi lòng vòng các khu vực đường vành đai, quanh khu vực các nghĩa trang, lợi dụng người dân đi tảo mộ, để xe ôtô sơ hở sẽ trộm cắp phụ tùng rồi mang bán cho Nguyễn Đình Tuấn ở chợ Hòa Bình.
Ngoài ra, công an cũng đã đột kích hai kho chứa phụ tùng ôtô cũ của “bà trùm” Đào Ngọc Lan (SN 1985, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng). Tại đây, Cơ quan Công an đã thu giữ hàng nghìn loại phụ tùng ôtô như: Gương, nẹp, ốp la-zăng, cần gạt nước… trị giá hàng tỉ đồng. Trong đó, có nhiều loại phụ tùng của các “siêu xe” đắt tiền. Theo tài liệu điều tra của Cơ quan Công an, Đào Ngọc Lan buôn bán mặt hàng phụ tùng ôtô từ khoảng năm 2010 nhưng không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Trong thời gian này, Lan thường buôn bán các loại phụ tùng ôtô là tang vật của các vụ trộm cắp.
Tuy vậy, chợ Giời không hẳn là chỉ mang toàn tiếng xấu…
Chợ Giời lưu giữ nét văn hóa “kẻ chợ”
Có đến chợ Giời mới thấy hàng hóa ở đây nhiều đến mức nào, đúng là “trên trời - dưới hàng”. Có người nói vui, muốn lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe máy, thậm chí ôtô cũng có thể kiếm được linh kiện từ chợ Giời. Thực sự, khu chợ này đã và đang đáp ứng rất nhiều nhu cầu mua bán cho nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội.
Chợ Giời cung cấp nhiều mặt hàng phổ thông, thậm chí vào dạng hiếm có - khó tìm cho người tiêu dùng |
Nguyễn Anh Đức - bạn học tôi giờ là chủ cửa hàng bán thiết bị ôtô trên phố Đỗ Ngọc Du kể, trước đây gia đình có kinh doanh buôn bán phụ tùng ôtô chủ yếu là vòng bi, má phanh, dầu mỡ… nguồn hàng mua lại từ các xí nghiệp vận tải “rã” ra từ những xe phế thải hết “đát”. Do bố và chú ruột đều là thợ cơ khí nên gia đình anh Đức có được nguồn hàng phong phú. Hàng của anh nhập trong nước cũng có, ngoài nước cũng có và máy móc của người dân không dùng nữa, nói chợ Giời chuyên bán đồ ăn cắp thì thật oan uổng.
Anh Đức cho biết, trong số gần 700 hộ dân kinh doanh thường xuyên ở đây, thì chỉ có một vài cá nhân là có tham gia tiếp tay với phường trộm cắp. Hơn nữa, anh Đức cho rằng, ranh giới giữa đồ “không rõ nguồn gốc” với “đồ trộm cắp” là rất mong manh. “Giả sử người dân có cái tivi, tủ lạnh bị hỏng, muốn mang ra chợ Giời bán kiếm ít tiền. Chủ hàng sau đó dỡ ra bán linh kiện, vậy thì làm sao có thể chứng minh được nguồn gốc của từng món đồ”!?
Theo Anh Đức, nếu dẹp bỏ hay chuyển chợ Giời sẽ gây tổn hại không chỉ với các hộ kinh doanh mà còn làm mất một “tạp hóa khổng lồ” cho thị trường. Ông có nêu một số khó khăn nếu phải di chuyển chợ đi nơi khác như là: làm mất ổn định cuộc sống, lại phải đầu tư thêm, lại phải đóng vô số thứ tiền, mới buôn bán lại sẽ gặp khó khăn trong việc chào hàng.
Theo tôi thấy, dù ít nhiều mang tiếng xấu, nhưng thực tế chợ Giời vẫn là nơi cung cấp nhiều hàng hóa phổ thông cũng như những linh kiện, chi tiết vào dạng “hiếm có khó tìm” cho thị trường thủ đô và các tỉnh, thành lân cận. Và mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, việc tồn tại một khu chợ như chợ Giời là một thực tế khách quan không thể chối bỏ.
Hơn thế nữa, thói quen đi chợ ở Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung vẫn giữ nhiều nét “xưa cũ”, không phải ai cũng thích vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn để mua bán theo xu hướng chung của xã hội hiện đại hôm nay. Vẫn còn đó rất nhiều người ưa thích những khu chợ cóc, chợ chồm hổm, chợ mở ngoài trời ở góc phố này, con hẻm nọ. Với túi tiền không lấy gì làm dày dặn, người ta vẫn thích tới với những khu chợ “kiểu ngày xưa” hơn, để có thể mặc cả, lựa chọn những món hàng giá rẻ hợp với khả năng của mình. Hơn nữa, đi chợ còn là dịp để giao lưu, để thấy mọi khía cạnh của cuộc sống ngoài đời thực được thể hiện qua những cách giao thương “kẻ chợ” như thế nào.
Bên cạnh đó, những cái tên đã quá quen thuộc với bao thế hệ người dân Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi… và cả chợ Giời nữa, không chỉ đơn giản là chợ, mà nó còn gắn bó với bao kỷ niệm. Với nhiều người, những khu chợ đó còn thể hiện một số nét văn hóa rất riêng theo kiểu truyền thống.
Từ thực tế cho thấy, ở các thành phố lớn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều có các khu chợ Giời. Cũng như ở nước ta, chợ Giời chủ yếu là buôn bán, trao đổi những mặt hàng cũ theo kiểu “cũ người mới ta”. Tham gia những khu chợ này rất thú vị khi thoải mái mặc cả, thuận mua vừa bán để cả người cần và người bán đều thấy may mắn khi đi giao dịch. Có những thành phố lớn chợ Giời được quy hoạch thành điểm văn hóa du lịch thú vị và việc tham quan chợ Giời thường nằm trong chương trình các tour.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Song Toàn - Phó chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa ra quan điểm, trong các chuyến đi thực tế ở nước ngoài, ông đã được tham quan một số mô hình chợ Giời. Về bản chất khu chợ Giời đó cũng giống như của ta buôn bán đủ mọi thứ và phần lớn đều là đồ cũ. Nhưng họ đã khéo léo tổ chức những khu chợ này như một nét văn hóa bản địa hấp dẫn khách tham quan. Chợ Giời chỉ mở theo giờ, khi ở quảng trường, khi ở những con phố, vào giờ mở cửa, hàng hóa được đưa đến để người mua lựa chọn, hết giờ khu chợ lại được thu dọn phong quang…
Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận một thực tế: Đúng là có một thời gian khu vực phố chùa Vua là nơi tiêu thụ đồ gian khi nở rộ việc lấy trộm biển kiểm soát xe máy. Nhưng sau này, khi thủ tục hành chính xin cấp lại biển kiểm soát bị mất trở nên đơn giản, tự nhiên việc kinh doanh mặt hàng này không tồn tại. Khu vực gần chùa Vua chuyển thành nơi kinh doanh linh kiện điện thoại và phụ tùng xe máy.
Đại diện Ban Quản lý chợ Giời băn khoăn, nếu “dẹp” bỏ chợ Giời thì 800 hộ kinh doanh không biết đi đâu về đâu. Ngoài ra, vị này còn cho hay, chợ Giời vẫn là địa chỉ tin cậy để người dân tới tìm mua những thứ mình cần. “Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản hay quyết định gì về việc dẹp bỏ chợ Giời. Thành phố chỉ đạo như thế nào, chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện”.
Chợ Giời vẫn tồn tại cho đến hôm nay và đang chờ được quy hoạch để phù hợp hơn với nhu cầu của cuộc sống hiện đại, như cách Hà Nội đã làm với những chợ truyền thống Hàng Da, Hàng Bè và hy vọng sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch… Và để làm được điều đó, rất cần những giải pháp mạnh của lực lượng chức năng để hàng gian, hàng giả không còn “đất sống”.
Tú Cẩm