Nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lên 9 triệu: Liệu có thêm một lần lạc hậu?
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, bổ sung được Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 đang nhận được sự đồng thuận rất cao trong xã hội, mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng thay vì 6 triệu đồng như đề xuất trước đó được xem là phù hợp với điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cách tính thuế cũng như biểu thuế TNCN đang tồn tại nhiều bất ổn và câu hỏi “liệu có thêm một lần lạc hậu” lại được đặt ra.
Thuận lòng dân và hợp với thực tế
Tại buổi họp báo công bố giới thiệu một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN ngày 8/3/2012, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã khẳng định, những đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Thuế đã được tính toán dựa trên 4 yếu tố là tốc độ tăng trưởng GDP, biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 và kết quả điều tra xã hội học của Tổng cục Thống kê về thu nhập và mức sống dân cư. Tuy nhiên, mức khởi điểm chịu thuế TNCN là 6 triệu đồng lại gây ra phản ứng mạnh trong dư luận xã hội nói chung và các chuyên gia kinh tế nói riêng.
Bác Thanh (260 Đội Cấn, Hà Nội) băn khoăn, với tình hình giá cả tăng mạnh, đặc biệt là xăng dầu và giá điện đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân thì liệu mức điều chỉnh trên đã thực sự hợp lý?
“Vào thời điểm hiện tại, với mức lương 4 triệu đồng/tháng, người dân ở các thành phố lớn phải chật vật lắm mới đủ sống thì liệu 6 triệu đồng/tháng vào năm 2014 có đủ sống hay không lại không trả lời được. Cách đây chỉ 1 năm, cầm 100.000 đồng đi chợ là có thể đủ nhưng giờ cầm 100.000 đồng đi chợ thì chẳng biết mua gì”, bác Thanh chia sẻ.
Giá cả leo thang khiến năng lực tiêu dùng của người dân giảm mạnh.
Đồng tình với bức xúc trên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu là trước đây thì với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, 1 gia đình với 4 nhân khẩu có thể “sống được” ở Hà Nội nhưng giờ thì mức tối thiểu đó phải nâng lên ít nhất gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi thì mới có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân.
Qua đó để thấy rằng, trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn đang “chực chờ” tăng thì tổng thu nhập của một gia đình 4 nhân khẩu phải có mức thu nhập ít nhất là 15 triệu đồng/tháng. Điều này cũng có nghĩa là thu nhập bình quân của một người dân phải đạt mức tối thiểu là 7,5 triệu đồng/tháng. Và như vậy, mức thuế khởi điểm chịu thuế 6 triệu đồng nghiễm nhiên đã lạc hậu và Dự thảo Luật Thuế TNCN cũng vì thế mà “chết từ trong trứng” bởi cái thời điểm áp dụng của nó là 1/1/2014 - thời điểm quá xa trong bối cảnh kinh tế đầy biến động như hiện nay.
Và đây cũng là quan điểm của ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi ông cho rằng, thuế phải gắn với đời sống chứ không thể đi trước hoặc đi sau, bởi như thế dễ tạo bất bình đẳng.
Ở một góc nhìn khác, khi tình trạng trì trệ, tồn kho của nền kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực dù lãi suất ngân hàng đã giảm thì bài toán lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện chính là giải phóng hàng tồn kho. Chính vì vậy, động thái này của Bộ Tài chính được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận sẽ là “cú hích” cho nền kinh tế.
Từ đó để thấy rằng, quyết định điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế TNCN lên 9 triệu đồng hoàn toàn hợp tình, hợp lý.
Nhưng cần xét lại hệ quy chiếu
Mặc dù đang nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội song vẫn với cách tính cũ như dựa trên tốc độ tăng GDP (dự kiến 6,5-7% trong giai đoạn 2011-2015); GDP bình quân đầu người (ước tính khoảng 44 triệu đồng vào năm 2014); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua cũng như giai đoạn tới; đề án cải cách tiền lương (dự kiến tăng lên 1,8 triệu đồng vào năm 2015) cũng như thống kê mức sống, thu nhập dân cư lại đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn lo ngại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phương pháp tính thuế cần phải xem lại bởi mức 9 triệu đồng tuy đã cao hơn trước nhưng khi đưa vào Luật, dù là 6 triệu hay 9 triệu thì rồi vẫn bị phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của giá cả. Đặc biệt, khi lạm phát biến động rất thất thường, đồng tiền mất giá nhanh, 9 triệu đồng nghe là “to” nhưng khi đối chiếu vào cuộc sống thực tế lại chưa chắc đã phù hợp, đặc biệt là thời điểm áp dụng là ngày 1/7/2013.
“Phương pháp tạo sự đồng thuận lớn nhất là nên để điều chỉnh thuế theo mức lương tối thiểu. Vì hiện nay, tiền lương tối thiểu cũng sẽ phải điều chỉnh để phù hợp biến động giá cả và cũng đều là “chạy” theo lạm phát”, bà Lan nhấn mạnh.
Nói về điều kiện điều chỉnh thuế khi CPI tăng 20%, bà Lan cho rằng, đây là ngưỡng biến động quá lớn và không thiết thực bởi như năm 2011, khi lạm phát trên 18% đã làm kinh tế liêu xiêu, bao nhiêu doanh nghiệp đóng cửa, giải thể thì liệu nền kinh tế có chịu nổi lạm phát lên tới 20% không.
Dưới một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng thì rất nhiều người thấy phấn khởi nhưng nếu phân tích kỹ thì sự điều tiết này là chưa được công bằng bởi mới chỉ có người đóng thuế bậc 1 được ra khỏi diện nộp thuế.
“Điều này sẽ không khuyến khích được người dân làm giàu, thu nhập cao hơn vì mức thuế mà họ phải chịu là rất cao. Yếu tố quan trọng nhất trong cách tính thuế TNCN là biểu thuế và biên độ của các bậc thuế. Khi khoảng cách giữa các bậc thuế quá gần, lại cộng với mức giảm trừ gia cảnh tăng mạnh, một phần lớn người nộp thuế hiện hành thì nghiễm nhiên “miễn thuế”, nghĩa vụ đóng góp thuế còn lại dồn tập trung vào một số ít người có thu nhập cao. Đây lại là những cá nhân có trình độ năng lực cao, đặc biệt là những người nước ngoài hoặc người Việt Nam học tập ở nước ngoài về. Vì vậy, chính sách giữ nguyên biểu thuế như hiện nay sẽ khiến Việt Nam bị hạn chế trong cạnh tranh, thu hút nhân lực so với các nước trong khu vực, đồng thời, tạo ra sự bất bình đẳng với giữa các nhóm người dân”, bà Cúc nhấn mạnh.
Và để tháo gỡ những vướng mắc trên, bà Cúc cho rằng, Bộ cần giãn khoảng cách các bậc thuế tăng từ 16 lần lên khoảng 40 lần nếu so sánh giữa bậc 1 và bậc 7. Như vậy, bậc thuế cao nhất, thu nhập chịu thuế sẽ không phải là 80 triệu đồng/tháng mà là 200 triệu đồng/tháng. Ví dụ, thay vì bậc 2 là từ 5-10 triệu đồng, Bộ cần giãn ra từ 5-15 hoặc đến 20 triệu đồng/tháng.
Dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung lần 2 của Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên cách tính thuế theo 7 bậc. Trong đó, bậc 1 là thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng/tháng có mức thuế 5%. Bậc 2 có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng nộp thuế 10%, bậc 3 thu nhập từ 10-18 triệu nộp thuế suất 15%, bậc 4 thu nhập từ 18-32 triệu đồng/tháng nộp thuế suất 20%, bậc 5 có thu nhập từ 32-52 triệu đồng/tháng nộp thuế suất 25%, bậc 6 có thu nhập từ 52-80 triệu đồng/tháng thì nộp thuế suất 30%. Bậc 7, thu nhập chịu thuế từ 80 triệu đồng/tháng trở lên sẽ phải nộp thuế suất 35%. |
Thanh Ngọc
(Báo Năng lượng Mới số 145, ra ngày 10/8/2012)