Mỹ viện trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna phòng Covid-19
Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 16/7, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thông báo cho đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam biết việc phía Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna thông qua GAVI (Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng - cơ quan nắm vai trò lãnh đạo cơ chế tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 Covax).
Đây là kết quả mới nhất Việt Nam thu thêm được từ hoạt động "ngoại giao vắc xin" mà các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam.
Bộ Y tế đã phân bổ 2 triệu liều vắc xin Moderna về Việt Nam ngày 10/7 vừa qua cho 53 tỉnh thành, lực lượng công an, quân đội và 20 bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý, trong đó TPHCM được tiếp nhận số lượng lớn nhất, 235.200 liều. |
Trước đó, cũng thông qua COVAX, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vắc xin Moderna. Số vắc xin này đã được vận chuyển đến Việt Nam ngày 10/7 và đã được phân bổ cho các đơn vị, địa phương, trong đó ưu tiên số lượng lớn nhất (235.200 liều) cho TPHCM - vùng tâm dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay.
Cung cấp thông tin cho báo chí một ngày trước (15/7), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh, "ngoại giao vắc xin" chính là một điểm sáng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo ông Giang, ngay sau khi quan sát diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và khu vực, đánh giá "cứu cánh" để thoát khỏi dịch Covid-19 là vắc xin, Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao vắc xin nhằm đạt mục tiêu có đủ 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% dân số.
"Trong những tháng vừa qua, chúng ta đã gõ cửa các nước, tìm kiếm từng liều vắc xin một. Lãnh đạo Nhà nước cũng tiến hành nhiều cuộc điện đàm để thực hiện các nỗ lực ngoại giao vắc xin. Trong bối cảnh nhiều nước "găm vắc xin" để phục vụ người dân trong nước thì hoạt động ngoại giao vắc xin của Việt Nam đang mang lại hiệu quả" - ông Giang nhận định.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến nay ta đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều (38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC), 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam), và đang đàm phán mua 55 triệu liều (40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ).
Thông tin thêm về nội dung này, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết, trong 2 tháng nỗ lực tích cực và quyết liệt trong công tác ngoại giao vắc xin, tính đến ngày 12/7, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 8 triệu liều vắc xin. Tới đây, số lượng vắc xin chuyển giao cho Việt Nam sẽ nhiều hơn, từ các nguồn đã đàm phán.
Tuy vậy, nhận định chung được đưa ra vẫn là, từ nay tới cuối năm sẽ tình trạng khan hiếm vắc xin sẽ tiếp tục. Trong năm 2022, tình hình vắc xin sẽ đỡ hơn song vẫn khó khăn và khan hiếm.
Theo Dân trí
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn