Bộ Y tế chuẩn bị kịch bản 100.000 ca mắc COVID-19
Cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/7 |
Tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 ngày 16/7, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê chia sẻ dựa trên cơ sở phân tích hơn 9.400 bệnh nhân COVID-19 trong tổng số hơn 32.000 bệnh nhân đang điều trị cho thấy tỷ lệ bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm tới 83%; số ca thở oxy gọng kính chỉ chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%.
Như vậy, với hơn 32.000 bệnh nhân thì có đến gần 25.000 bệnh nhân không có triệu chứng, do đó, chúng ta không phải quá tập trung nguồn lực vào những đối tượng này.
Với hơn 10% bệnh nhân từ diễn biến trung bình đến diễn biến nặng thì phải điều trị tại các bệnh viện có oxy, điều kiện về chăm sóc y tế, theo dõi sát sao, để tránh chuyển nặng hoặc nặng hơn.
Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng kịch bản kế hoạch thu dung, tiếp nhận 100.000 bệnh nhân COVID-19, đồng thời đẩy mạnh năng lực của các bệnh viện vùng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết tại TPHCM, nếu tính đến phương án điều trị 30.000 bệnh nhân thì Thành phố vẫn có thể đáp ứng được, với điều kiện có sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị vật tư của Trung ương. Tuy nhiên, Thành phố cũng đã chủ động xây dựng kịch bản điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân. Đây là kịch bản hết sức khó khăn. Trong điều kiện này, không chỉ TPHCM mà Bộ cũng sẽ có biện pháp cụ thể để hỗ trợ.
Về điều trị, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh nguyên tắc điều trị vẫn là 4 tại chỗ, phân tầng điều trị theo diễn biến bệnh để tránh quá tải.
Cụ thể, người bệnh không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ thì điều trị tại các cơ sở điều trị ban đầu, bệnh viện dã chiến; mức độ vừa đưa vào trung tâm y tế quận, huyện hoặc các khoa truyền nhiễm của bệnh viện tỉnh; mức độ nặng, nguy kịch thì chuyển bệnh viện tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, trung tâm ICU; ca bệnh quá khả năng thì chuyển tuyến lên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện chuyên khoa của Trung ương.
Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lưu ý các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.
“Tất cả các khu vực điều trị đều cần oxy, khu vực điều trị bệnh nhân nhẹ cũng phải chuẩn bị sẵn oxy, phòng trường hợp bệnh nhân nhẹ nhưng có bệnh nền dễ chuyển nặng”, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Để giảm tải cho các cơ sở điều trị, Bộ Y tế cũng đã xây dựng phác đồ mới, trường hợp người bệnh F0 đã qua 10 ngày điều trị tại cơ sở y tế, âm tính 2 lần liên tiếp hoặc nồng độ virus thấp sẽ được xuất viện về nhà tiếp tục điều trị.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế sử dụng thuốc chống đông máu corticoid sớm trên các bệnh nhân có diễn biến trung bình ngay cả khi không làm được xét nghiệm đông máu, đồng thời có thể xem xét sử dụng kháng thể đơn dòng với bệnh nhân nặng khi Hội đồng chuyên môn cho phép.
“Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị COVID-19. Đây là một vị thuốc y học cổ truyền, có vị đắng và đã được sử dụng nhiều khi đất nước còn khó khăn. Hiện, một số nước đã đưa vào điều trị và cho thấy hiệu quả nên chúng ta đưa vào điều trị những bệnh nhân ít triệu chứng, thể nhẹ kết hợp nâng cao thể trạng, dinh dưỡng”, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các địa phương đã có dịch thì cần xử lý các biện pháp phòng chống dịch cao hơn một mức, các địa phương chưa có dịch thì cần chuẩn bị ngay kế hoạch kịch bản phòng chống dịch.
Bộ trưởng lưu ý các vấn đề cần chuẩn bị, đó là xét nghiệm (nâng cao năng lực xét nghiệm), cách ly (chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung, giảm tối đa lây nhiễm trong khu cách ly), điều trị (yêu cầu tất cả các địa phương, bệnh viện hạng 1, hạng 2 , hạng 3 phải có hệ thống oxy, phải chuẩn bị ngay và đảm bảo số giường theo công văn của Bộ Y tế đã gửi các địa phương).
Vấn đề về máy móc, trang thiết bị, Bộ trưởng nhấn mạnh việc giữ quan điểm 4 tại chỗ. Đối với máy thở, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tăng cường đào tạo tập huấn sử dụng. Nếu địa phương nào chưa sử dụng đến thì thông báo lại cho Bộ Y tế để Bộ chuyển cho các địa phương đang có nhu cầu sử dụng.
Với các bệnh biện đa khoa tuyến tỉnh trở lên thì phải có trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đối với các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, không cần thiết phải đầu tư trang thiết bị máy móc y tế quá lớn.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục đào tạo nhân lực y tế về xét nghiệm, về tiêm chủng và chuẩn bị cho các tình huống xấu có thể xảy ra, vì virus lần này có tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước.
Theo baochinhphu.vn
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
-
Long Châu nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tử vi ngày 5/11/2024: Tuổi Ngọ năng lượng tràn đầy, tuổi Mùi lắng nghe góp ý
- Tử vi ngày 4/11/2024: Tuổi Mão quý nhân soi đường, tuổi Thìn cảm hứng sáng tạo
- Tử vi ngày 3/11/2024: Tuổi Sửu quyết sách đúng đắn, tuổi Tuất hoàn thành nhiệm vụ
- Tử vi ngày 2/11/2024: Tuổi Dậu theo đuổi đam mê, tuổi Thân làm việc hiệu quả
- Tử vi ngày 1/11/2024: Tuổi Tý cơ hội thăng tiến, tuổi Tỵ tài chính rực rỡ
- Tử vi ngày 31/10/2024: Tuổi Dần xác định mục tiêu, tuổi Tỵ tài lộc vượng sắc
- Tử vi ngày 30/10/2024: Tuổi Ngọ trên đà tăng tiến, tuổi Thân hướng đi triển vọng
- Tử vi ngày 29/10/2024: Tuổi Dậu cải thiện tài chính, tuổi Tuất kinh doanh có lợi