Mỹ trừng phạt 4 quan chức cấp cao Trung Quốc
Bí thư đảng ủy khu tự trị Tân Cương Chen Quanguo (Ảnh: AFP) |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 9/7 thông báo Washington sẽ áp lệnh trừng phạt đối với Bí thư đảng ủy khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Chen Quanguo và 3 quan chức cấp cao trong bộ máy lãnh đạo tại khu tự trị này, cùng những người khác chưa được xác định danh tính. Đây là những quan chức bị Mỹ cáo buộc có liên quan tới việc bắt giữ và lạm dụng những người Duy Ngô Nhĩ, người Hồi giáo và thành viên của các nhóm thiểu số tại Tân Cương.
Ngoài Chen Quanguo, danh sách trừng phạt của Mỹ bao gồm Wang Mingshan - giám đốc kiêm bí thư đảng ủy Công an Tân Cương, Zhu Hailun - bí thư đảng ủy Ủy ban Chính trị và Luật pháp Tân Cương và Huo Liujun - cựu quan chức công an tại Tân Cương.
Theo SCMP, ông Chen là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị chính quyền Mỹ áp lệnh trừng phạt. Ông là một trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc - cơ quan quyền lực nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy Ngoại trưởng Pompeo đang hiện thực hóa những tuyên bố cứng rắn của ông với Trung Quốc.
Các quan chức nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và người thân trong gia đình của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm các giao dịch tài chính tại Mỹ đối với các quan chức này.
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6 đã ký thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Dự luật kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc bắt giữ và đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo tại Tân Cương.
Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích các đạo luật của Mỹ liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ là “cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và làm mất uy tín các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực này”.
Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 33 công ty và thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì “có liên quan tới hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép và giám sát công nghệ cao nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ”.
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong những tuần gần đây khi 2 nước liên tục tranh cãi nhau về hàng loạt ván đề, từ thương mại cho tới an ninh quốc phòng và đại dịch Covid-19.
Ngoại trưởng Pompeo ngày 7/7 thông báo Mỹ sẽ áp lệnh hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc vì hành vi cản trở việc đi lại tới khu tự trị Tây Tạng và các khu vực khác ở Tây Tạng. Những người bị Trung Quốc cản trở tiếp cận Tây Tạng gồm các nhà ngoại giao, các nhà báo và khách du lịch Mỹ.
Ông Pompeo tuần trước cũng tuyên bố "Mỹ sẽ không ngồi yên" khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong. Thượng viện Mỹ ngày 2/7 cũng thông qua dự luật Quyền tự trị của Hong Kong, cho phép Washington áp lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp bị cáo buộc là giúp đỡ Trung Quốc làm ảnh hưởng tới cơ chế tự trị của Hong Kong.
Theo Dân trí
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga