Mỹ bị cô lập vì công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan cho Israel
Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng và sáp nhập dù quốc tế không thừa nhận. |
Trong bức thư yêu cầu chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 27/3, Syria đã gọi quyết định của Mỹ là sự vi phạm trắng trợn nghị quyết của hội đồng.
Israel giành quyền kiểm soát Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến tranh năm 1967. Sau đó, đến năm 1981, Israel đã sáp nhập cao nguyên này vào lãnh thổ của mình, nhưng không được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên công nhận.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc coi Israel là “thế lực chiếm đóng” và cho rằng việc Israel tìm cách “áp đặt luật pháp, quyền tài phán và sự quản lý của nước này tại Cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực pháp lý quốc tế”.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan nhân chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu tới Mỹ ngày 25/3. |
Đại sứ Anh Karen Pierce phát biểu trước hội đồng rằng, quyết định của Mỹ là đi ngược lại nghị quyết năm 1981. Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga Vladimir Safronkov nói rằng, Washington đã vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc và cảnh báo hành động này có thể đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông.
Cùng ngày, 5 thành viên của Hội đồng Bảo an bao gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan cũng bày tỏ sự quan ngại về những hậu quả từ việc thừa nhận hành động thôn tính lãnh thổ trái pháp luật, từ đó dẫn tới những hậu quả lớn hơn tại khu vực.
Trước đó, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư ký Antonio Guterres đã nói rõ tình trạng của Golan là không có gì thay đổi.
Ông Dujarric nói: “Chính sách của Liên hợp quốc về Cao nguyên Golan được thể hiện trong những nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và chính sách đó không hề thay đổi”.
Mai Lâm
REU
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam