Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Mưu sinh nhờ... gián đất

06:30 | 04/06/2014

6,112 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa ngồi phân loại từng con gián to, nhỏ khác nhau, bà Chín vừa đùa dí dỏm: “Người ta hay nói “tiền từ trên trời rơi xuống”, nhưng đối với gia đình tôi thì tiền lại từ dưới cống chui lên”...

Mười bảy năm về trước, tại những bãi đất bỏ hoang quanh khu vực vòng xoay Cây Gõ, người ta vẫn thường thấy một người phụ nữ gầy gò, lam lũ, tay trần cặm cụi đào bới từng bụi cỏ dại, từng đụn đất cát ẩm ướt như tìm kiếm một thứ gì đó. Mới đầu, người ta tưởng chị tìm phế liệu. Về sau, họ mới ngỡ ra: chị đang tìm bắt gián đất.

Mãi cho đến hôm nay, khi tuổi đã ngoài 50, người đàn bà ấy vẫn chưa dứt được duyên nợ với cái nghề độc nhất vô nhị này. Người làm nghề bắt gián không nhiều, mà phụ nữ như bà theo nghề này lại càng lạ lùng hơn nữa. Chính vì thế, sau mười mấy năm, gia đình bà dần dần… nổi tiếng. Đến nỗi, khi chúng tôi hỏi thăm nhà bà Chín “gián”,  bất cứ người dân nào ngụ trên đường Hồng Bàng (phường 1, quận 11) ai ai cũng biết.

Một ngày của  bà Chín "gián"

Công việc của bà Chín “gián” (tên thật là Trần Thị Kim Anh) bắt đầu vào khoảng 4 giờ chiều, khi mặt trời dần dần dịu mát. Theo kinh nghiệm của bà, đây là thời điểm thích hợp để bắt gián đất. Bởi lẽ loài gián này chỉ ưa thích những nơi mát mẻ, có độ ẩm vừa phải. Vì thế bà thường tìm tới những khu đất trống, um tùm cỏ dại để đào bắt loài gián này. Khi trời nắng gắt hoặc mưa rào, chúng thường trốn sâu dưới lòng đất, rất khó bắt được.

Với con mắt lành nghề, bà nhanh chóng xác định được đâu là ổ của lũ gián đất. Bà vén cỏ, dùng một que sắt cời đất lên, từ đó, hàng chục con gián đen ngòm bò ra tứ phía. Chỉ chờ có vậy, bà liền nhanh tay bắt từng con một bỏ vào chiếc hộp thiếc đeo bên người.

Bà Chín bắt gián

Gián đất là loài nhanh nhẹn, thoáng cái chúng đã lẩn mất dạng. Vì thế, nếu không thật nhanh tay, nhanh mắt thì sẽ không tài nào bắt được. Cũng vì khó bắt như vậy nên, gián to, gián nhỏ cứ con nào chui lên bà đều bắt hết. Bà bảo, cứ bắt hết một lượt, con nào đủ to thì đem bán, con nào còn nhỏ chưa bán được thì giữ lại nuôi. Bắt hết gián tại chỗ đất vừa đào lên, bà cẩn thận lấy tay gạt lại đất như cũ. Bà bật mí: “Phải gạt đất lại thì lần sau mới có gián để bắt tiếp, nếu để đất khô thì gián sẽ chết”.

Nơi sinh sống của lũ gián cũng là nơi người ta vứt ra không biết bao nhiêu rác rưởi, phế liệu. Vì vậy, nhìn bà hì hụi bớt đất, bắt gián bằng tay không, chúng tôi không khỏi ái ngại. Nhưng bà bảo, gián rất trơn và lại lủi nhanh như trạch, nếu đi găng tay thì làm sao bắt được. Vì vậy, làm nghề này, bị thủy tinh, mảnh sành cắt vào tay chỉ là chuyện thường.

Kết thúc một buổi chiều đi đào gián đất, đêm về bà lại đến khu chợ Bình Thới bắt gián đỏ. Để bắt được loại gián có cánh này, bà sử dụng nhiều cách khác nhau. Đối với mùa nóng như thế này, vỏ sầu riêng được xem là miếng mồi lợi hại nhất.

10h đêm, chúng tôi theo chân bà đem những miếng vỏ sầu riêng rải khắp chợ, gần nơi có những rãnh nước hay nắp cống. Trên vỏ sầu riêng còn được bà quết thêm một lớp mạch nha để hấp dẫn lũ gián hơn. Và khi miếng vỏ sầu riêng cuối cùng được đặt xuống cũng là lúc bà bắt đầu đi thu hoạch từ những cái bẫy đầu tiên.

Trên miếng vỏ sầu riêng lúc này đã có hơn chục chú gián béo ụ đang “say mồi”. Bà chỉ việc cầm cả miếng vỏ sầu riêng, cho vào một chiếc xô lắc mạnh, lập lức, những chú gián cứ thế rơi gọn vào trong. Bên trong xô “chiến lợi phẩm” có đặt giấy báo vò lại để gián bị rối hướng không bay được, còn miệng xô được bôi mỡ để ngăn gián bò lên. 

Ngoài ra, một công cụ bắt gián khác hay được bà dùng, đó là những cây gỗ hoặc sắt nhỏ dài được quét mạch nha ở một đầu. Dụng cụ này cũng được đặt vào các miệng lỗ cống để thu hút gián tương tự như vỏ sầu riêng vậy. Và trong khi chờ đợi lũ gián tới ăn mồi, bà còn tranh thủ dùng đèn pin bắt những con gián đang bò lổm ngổm kiếm ăn trên các sạp thịt, trên tường, dưới đất… Mọi việc cứ lặp lại như vậy vài lần trong một đêm. Và kết quả sau một ngày lao động, bà đã thu được hàng trăm con gián.

Duyên nghiệp với nghề

Sinh ra trong gia đình nghèo, cha mất sớm, tuổi thơ của bà không bình lặng như bao đứa trẻ khác. Từ ngày mẹ bà đi bước nữa cũng là lúc gia đình bà thường xuyên  lục đục bất hòa. Bố dượng bà không tu chí làm ăn mà thường xuyên nhậu nhẹt rồi về nhà đánh đập vợ con. “Có nhiều hôm ông ấy nhậu say về nhà, không có mẹ ở nhà, ông ấy lôi anh em tôi ra đánh, thậm chí còn đuổi chúng tôi ra khỏi nhà. Cứ thế, chúng tôi thường xuyên phải chịu những trận đòn roi của bố dượng”- bà Chín ngậm ngùi.

Năm 15 tuổi, bà phải lăn lội đi làm thuê, làm mướn để phụ giúp gia đình. Lúc bà đi phụ bán quán cà phê, lúc đi phụ quán ăn, đi làm người giúp việc, đi bán vé số… nhưng vẫn chẳng đủ trang trải cho cuộc sống khốn khó lúc bấy giờ.

Mãi cho đến khi bà lấy chồng, những tưởng cuộc sống sẽ đầy đủ hơn, nhưng trớ trêu thay, gia đình ông cũng nghèo. Rồi khi 4 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống của ông bà ngày một khó khăn hơn. Hai vợ chồng làm đủ nghề nhưng mỗi nghề chỉ làm trong thời gian ngắn là lại “giải nghệ”.

Ông Chín chồng bà (tên thật là Hồ Hoàng Khanh, 58 tuổi) kể lại, trước khi vợ chồng ông đến với nghề lạ kỳ này, ông đã từng làm nghề uốn mài lưỡi câu cho tiệm chuyên phục vụ dân đi câu của một người bạn. Cái tiệm đó lúc ấy cũng chỉ bán trùn, bán dế làm mồi câu cá. Nhưng sau đó thấy nhiều người hỏi mua gián làm mồi và nghe họ nói rằng gián là loại mồi câu cực nhạy, ông liền nghĩ đến việc đi bắt gián về bán cho những cần thủ.

Tiếp lời chồng, bà Chín chia sẻ: “Hồi đầu tôi theo ổng đi làm thử, bị người ta chọc quê quá trời. Tôi cũng bỏ nghề rồi chứ, đàn bà ai mà mê mấy con gián gớm ghiếc vậy. Hai vợ chồng xoay qua bán hủ tíu gõ, bán không được bao nhiêu thì bị công an “hốt” vì lấn chiếm lòng lề đường. Tay nghề không có, vốn liếng cũng chẳng còn, suy nghĩ mãi, thế là vợ chồng tôi đành quay lại với mấy con gián”. 

Bà kể, loài gián đến lúc chết rồi thì mùi hôi vẫn còn “vương vấn” đến 18 tiếng. Hồi mới làm, đem mấy chục con gián từ chợ về nhà mà muốn chết giấc vì hôi kinh khủng. Nhưng sau 17 năm, mũi vợ chồng bà hình như đã lên hàng thượng thừa, miễn nhiễm luôn với “mùi hương”nồng nặc của lũ gián. “May mà chồng tôi cũng làm nghề này nên chẳng ai chê ai”, bà cười cười. Mà đâu chỉ có hai vợ chồng, bốn người con của bà cũng dần quen luôn với việc ăn ngủ cùng hàng trăm con gián mỗi ngày.

Nuôi sống cả nhà

Cứ thế, gần như ngày nào công việc của bà Chín cũng diễn ra đều đặn như vậy. Và qua nhiều năm nay, cuộc sống của hai vợ chồng và bốn đứa con phụ thuộc phần lớn vào thu nhập từ nghề bắt gián (Vợ chồng bà còn kiếm thêm bằng những công việc khác như bán vé số, uốn mài lưỡi câu, nhưng thu nhập chính vẫn là nhờ bán gián mồi cho người đi câu). Cũng từ đó, căn nhà của gia đình bà trở thành một "cơ sở nuôi nhốt gián khép kín" với những thùng, hũ đựng, nuôi các loại gián to nhỏ khác nhau.

Những chú gián con được nuôi trong xô đất ẩm

"Giờ đa số vợ tôi đi bắt gián một mình, còn tôi ở nhà bán cho khách và làm thêm việc mài lưỡi câu. Nhưng lúc khách cần số lượng nhiều thì cả hai vợ chồng cùng đi. Nếu bắt số lượng từ 100-200 con thì cũng phải đi tới 1-2h sáng mới về", ông Chín giãi bày.

Ông bảo, nghề này không sợ thất nghiệp vì hiện nay câu cá đang trở thành môn giải trí của nhiều người dân Sài Gòn vào cuối tuần. Cứ vào mùa mưa như hiện nay, nhu cầu về mồi câu sẽ lớn. Đương nhiên, câu cá giải trí, câu cá mưu sinh đều cần đến gián làm mồi của vợ chồng ông. Thường thì khách hàng chuộng gián đất hơn là gián cánh (thường dùng để câu sông) vì nó câu được nhiều loại cá như cá bông lau, cá rô, cá trê, cá chim, cá tra… Ngay cả kỳ nhông, kỳ đà, chim kiểng giờ người ta cũng cho ăn gián đất.

Trong khi trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng lại có cuộc điện thoại gọi đến cho ông Chín đặt hàng từ 2 đến 3 lon gián. "Một tiệm câu mới gọi tôi mang giao ba lon gián. Vợ chồng tôi chủ yếu đi bắt gián theo nhu cầu đặt trước của khách hàng ở thành phố. Tuy nhiên, một số khách ở nhiều địa phương khác như Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vũng Tàu… cũng thỉnh thoảng liên hệ đặt hàng. Mỗi lần giao hàng, chúng tôi phải đếm từng con, thường thì một lon (vỏ lon sữa đặc) 300 con gián đất bán được khoảng 50 ngàn đồng", ông Chín tươi cười cho biết.

Chúng tôi ngỏ ý muốn xem nơi vợ chồng ông nuôi nhốt gián, ông vui vẻ dẫn chúng tôi ra sau nhà. Khi ông mở những thùng nhựa ra, cái mùi hôi đặc trưng của loài gián xông lên khiến chúng tôi choáng váng. Thấy vậy, ông cười bảo rằng, bao năm nay sống chung với gián, tiếp xúc trực tiếp với chúng hằng ngày nên vợ chồng ông chẳng còn bị "sốc" mỗi lần mở những chiếc nắp thùng nuôi nhốt gián ra nữa. Chỉ những con gián đất lúc nhúc trong thùng, ông giải thích: "Chúng tôi nuôi cả con lớn lẫn con nhỏ thi tôi thấy con gián lớn vẫn đẻ con bình thường. Thực sự thì nuôi gián đất cũng tương đối dễ vì thức ăn chỉ là lá bắp cải mà thôi".

Ông Chín thả lá bắp cải vào xô nuôi gián

Vừa ngồi phân loại từng con gián to, nhỏ khác nhau, bà Chín vừa đùa dí dỏm: “Người ta hay nói “tiền từ trên trời rơi xuống”, nhưng đối với gia đình tôi thì tiền lại từ dưới cống chui lên”. Có lẽ cái nghề ngày đã chọn gia đình bà. Nhờ những con gián đen, gián đỏ đó mà gia đình bà đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, do đó ông bà mới có thể gắn bó với nó 17 năm nay. Bốn người con của ông bà nay cũng đã trưởng thành, có gia đình riêng. “Có thể nói, chính nhờ nghề này mà chúng tôi có thu nhập nhất định lo cho gia đình mình. Dù không kiếm được nhiều như các nghề khác, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục theo nghề cho đến lúc nào không làm được nữa mới thôi", bà Chín tâm sự.

Nguyên Phương