Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đấu thầu mua thuốc:

Mở đường cho thuốc rẻ, kém chất lượng tràn vào bệnh viện?

17:23 | 04/09/2013

698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày qua, dư luận xôn xao về ý kiến PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức tại buổi mở thầu nhận các hồ sơ đấu thầu thuốc vào Bệnh viện Việt Đức ngày 3/9. Vấn đề mà TS Quyết nêu ra và cũng là câu hỏi mà dư luận đang quan tâm là, với phương thức đấu thầu như vậy, người dân sẽ còn phải dùng thuốc kém chất lượng đến bao giờ?

Đấu thầu thuốc, bệnh nhân có lợi?

Theo Thông tư 01 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế do Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành thì quy trình đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế bao gồm các bước: Lập hồ sơ mời thầu, thẩm định hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, xét duyệt trúng thầu… Đó là một loạt các quy định để tìm ra các chủng loại thuốc phù hợp nhất để cung cấp cho bệnh viện và sau đó là đến tay bệnh nhân.

Cơ cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương nếu cũng chấm thầu theo đúng thông tư về hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (có hiệu lực từ tháng 6/2012) của Bộ Y tế, thì các loại thuốc muốn trúng thầu phải có giá thành thấp nhất.

Có thể khẳng định rằng, thông tư này là một động thái quyết liệt của Bộ Y tế trong việc kiềm chế giá thuốc, tạo ra môi trường cạnh trạnh lành mạnh. Rõ ràng, chấm thầu cho thuốc có giá thành thấp, các cơ sở y tế sẽ phải chi ít tiền đi. Về mặt quản lý, cơ sở y tế nào chẳng mong muốn như vậy. 

Người bệnh cần thuốc rẻ nhưng đương nhiên thuốc ấy phải chữa được bệnh

Thuốc đến tay bệnh nhân với giá “mềm” nhất có thể, điều đó ai chẳng mừng!

Nếu câu chuyện chỉ có như vậy thì chẳng có gì đáng phải lưu tâm. Vấn đề nằm ở chỗ, khi giá thuốc “chui” qua cửa đấu thầu được đẩy về mức thấp nhất thì nhiều người mới vỡ lẽ rằng, chất lượng thuốc không được như mong muốn.

Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành đấu thầu mua thuốc theo Thông tư 01 với đầy đủ quy trình. Nói về việc này, TS Quyết cho rằng: "Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện đầu ngành ngoại khoa, có những bệnh nhân phải mổ 3 - 5 lần. Vì thế, thuốc vào bệnh viện phải là thuốc tốt, giá hợp lý. Còn ham rẻ, đấu thầu thuốc rẻ thì chính người bệnh khổ, bởi thuốc chất lượng không tốt không thể nào chữa bệnh được. Cụ thể, một bệnh nhân nam bị viêm phúc mạc sau mổ cắt túi mật ở bệnh viện tuyến tỉnh vừa được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức ngày 29/8. Dù đã được mổ cấp cứu, được chỉ định dùng một loại kháng sinh tương đối tốt nhưng đến hai ngày bệnh nhân vẫn không cắt được sốt, bụng vẫn chướng lên và buộc phải thay một loại kháng sinh khác. Ngay sau khi dùng một ngày bệnh nhân đã cắt sốt, tỉnh táo, bụng xẹp. Chúng tôi là những người chịu trách nhiệm cho tính mạng bệnh nhân, đứng trước sự sống - chết của người bệnh, chúng tôi không thể làm thế được. Bởi những thuốc này nếu trúng thầu vào bệnh viện, có dùng cho bệnh nhân thì cũng không khỏi bệnh. Như thế, chúng tôi có tội với người bệnh”.

Cần hiểu đúng Thông tư 01

Quan điểm của TS Quyết là quan điểm của một người bác sĩ có trách nhiệm với bệnh nhân rằng, muốn chữa khỏi bệnh cần phải có thuốc tốt mà thuốc tốt thì không thể rẻ. Và như vậy, Thông tư 01 có vẻ như đã mở đường cho thuốc rẻ tràn vào bệnh viện.

Điều đó chưa chắc đúng bởi thuốc rẻ chưa chắc không tốt và thuốc đắt chưa chắc đã là thuốc tốt. Đó là thực tế trong khi ma trận giá thuốc vẫn đang trong thời kỳ hỗn loạn.

Thực tế, nhiều người đang hiểu chưa thật thấu đáo tinh thần của Thông tư 01 của Bộ Y tế về đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế. Việc đấu thầu trong hoạt động kinh tế của tất cả các ngành đều có tác dụng để mặt hàng được cung cấp ở giá thấp nhất, nhưng nhiều người đang quên rằng, yếu tố đầu tiên để mặt hàng đó tham gia đấu thầu là chất lượng phải đảm bảo, có nghĩa là nó phải lọt qua các khâu kiểm định chặt chẽ về chất lượng. Với mặt hàng thuốc thì yếu tố này càng quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người.

Rà soát lại nội dung của Thông tư 01, chúng ta có thể khẳng định rằng, thông tư này không hề quy định khi giá thuốc để thấp nhất là có thể tùy tiện nhập thuốc kém chất lượng vào các cơ sở y tế. Các chủng loại thuốc muốn được đấu thầu thì trước tiên phải qua “vòng gửi xe” là kiểm định chất lượng, kiên quyết không để thuốc kém chất lượng lọt qua khâu này thì lo gì chúng lọt được vào bệnh viện.

Giải quyết vấn đề này cũng không phải là không có cách. Chúng ta đều biết thuốc là một mặt hàng đặc thù và lần đầu tiên Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã dành hẳn một chương để quy định về việc đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế.

Theo Điều 48 Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), hình thức mà các cơ sở y tế áp dụng mua thuốc gồm: Đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện và đàm phán giá. Mỗi hình thức có những quy định cụ thể. Nhưng dù áp dụng hình thức nào cái mới của quy định đấu thầu thuốc là yêu cầu phải có 2 túi hồ sơ dự thầu. Hội đồng thầu sẽ bóc túi hồ sơ kỹ thuật trước và nếu thuốc đạt tiêu chuẩn mới cho vào vòng sau tiếp tục bóc túi hồ sơ tài chính. Khi đó, đơn vị nào giá thấp hơn thì chọn. Như vậy sẽ đảm bảo thuốc vừa có chất lượng và giá cả hợp lý.

Minh Tiến