“Mê hồn trận” hóa chất cấm, phụ gia thực phẩm
Tràn lan hóa chất, phụ gia thực phẩm
Thời buổi “kinh tế thị trường”, việc sử dụng các chất phụ gia, hóa chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm ngày càng phổ biến. Phổ biến đến mức được người sản xuất cho đó là việc hết sức bình thường. Phẩm màu, đường hóa học bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo. Hóa chất tẩm ướp không rõ nguồn gốc được sử dụng vào món thịt lợn để hô biến thành thịt bò "xịn".
Các hóa chất công nghiệp thì được “phù phép” trở thành phụ phẩm có nguồn gốc tự nhiên phục vụ cho bữa ăn tại mỗi gia đình. Thậm chí, hàng trăm loại hóa chất khác nhau đã được sử dụng cho mục đích bảo quản thực phẩm. Trong số đó, một số loại sở hữu độc tính cao và bị hạn chế, cấm sử dụng đối với các loại đồ ăn, thực phẩm như Natri nitrat, lưu huỳnh dioxit, muối diêm…
Cửa hàng bán phụ gia thực phẩm ở Hà Nội |
Dạo quanh một vòng khu chợ Đồng Xuân và các tuyến phố như Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông (Hà Nội), không khó để mua các chất phụ gia thực phẩm. Từ hóa chất dùng trong công nghiệp, hóa chất dùng trong thực phẩm, đến hóa chất độc hại bị cấm. Khách đến đây mua sỉ, mua lẻ đều rất dễ dàng.
Phần lớn hàng hóa đều được đựng trong các túi nilon với "tiêu chí" 3 không (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng). Còn nếu có nhãn mác lại được ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ và thậm chí nhiều loại trong số này đã quá hạn sử dụng, có dấu hiệu ẩm mốc.
Hàng hóa ở đây rất phong phú từ các loại gia vị phổ biến như mì chính, đường cho đến các chất cấm như hàn the, muối diêm, thuốc chống mốc, hương liệu chế biến nước uống, nước giải khát như cà phê, ca cao, các chất tạo màu, hóa chất tẩm ướp, bảo quản thực phẩm… Ngoài ra, còn có rất nhiều loại hóa chất được bán như chất phụ gia nhưng không có bất kỳ nhãn mác nào.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), việc sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại; phụ gia thuộc danh mục không được phép sử dụng sẽ gây hại cho sức khỏe con người như ngộ độc cấp tính, ngộ độc mạn tính. Các phụ gia sử dụng quá liều lượng trong một thời gian dài sẽ gây ra các ngộ độc hóa học. Ví dụ như muối diêm là hỗn hợp các muối nitrat, nitrit potassium KNO3, KNO2, bản thân nitrat không gây hại nhưng khi vào cơ thể lại dễ biến thành nitrit, mà nitrit kết hợp với các amin tạo ra nitrosamin là chất hóa học có khả năng gây ung thư.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo việc sử dụng hóa chất vào thực phẩm và phụ gia thực phẩm dù với liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục, sẽ tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài. Đặc biệt, nếu tiêu thụ phụ gia thực phẩm bị cấm có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút. Có nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, gây quái thai ở phụ nữ mang thai…
Tuy nhiên, chỉ vì lợi ích kinh tế, vì hám lợi nhuận trước mắt nhiều kẻ thiếu lương tâm, sẵn sàng cho hóa chất, phụ gia không có trong danh mục được phép sử dụng vào thực phẩm để lừa dối cảm giác về độ tươi, thay đổi cấu trúc của thực phẩm hoặc tăng khối lượng và kích cỡ thực phẩm. Để bảo vệ sức khỏe người dân trước vấn nạn phụ gia trôi nổi, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã nỗ lực vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng văn phòng Luật sư Huy An cho biết, điều 317 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/7/2016, mức phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về VSATTP được nâng lên. Các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại thì đều có thể bị xử lý hình sự từ 1 - 20 năm tù tùy theo tính chất vụ việc. Dù không gây hậu quả chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên, những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn phải xử lý nghiêm.
Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Huy An, thì việc sửa đổi khung hình phạt, nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm sẽ đem lại tác dụng tích cực, góp phần ngăn ngừa và giảm các hành vi vi phạm.
Cũng theo Trưởng văn phòng Luật sư Huy An, bên cạnh đó, các ban ngành cần cung cấp thông tin về tác hại khi sử dụng hóa chất, phụ gia trôi nổi vào thực phẩm để người tiêu dùng dần có ý thức tẩy chay gia vị, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguy hại sức khỏe. Đồng thời cần có hình thức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp, tránh tình trạng sử dụng những phụ gia không có nguồn gốc. Kiểm soát gắt gao việc nhập khẩu và buôn bán, kinh doanh các mặt hàng này.
Đặc biệt là gắn trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, cá nhân vào việc ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra vụ việc liên quan hoặc buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, phải bị xử lý trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới ngăn chặn, kiểm soát được hoạt động buôn bán, buôn lậu hóa chất cấm, phụ gia trôi nổi đang từng ngày, từng giờ xâm nhập vào thị trường nước ta.
Đông Nghi – Chu Phượng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo