Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phụ gia thực phẩm sử dụng bừa bãi:

Người Việt đang tự đầu độc mình

07:15 | 21/11/2015

Theo dõi PetroTimes trên
|
Có tới 20 người tử vong với hàng trăm người phải cấp cứu trong gần 130 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong 9 tháng năm 2015. Trong số này, Hà Nội có 2 vụ ngộ độc tập thể lớn với hàng trăm người nhập viện.

 Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm tại gia đình hiện nay vẫn phổ biến với hơn 50% số người mắc. Nguy cơ lo ngại từ ngộ độc thực phẩm trong những tháng cuối năm càng lớn, khi là thời điểm Noel, tết dương lịch, tết Nguyên đán và nhiều lễ hội, người dân sẽ tiêu thụ nhiều thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm ăn ngay, như giò chả, bánh, mứt, kẹo, ô mai v.v...

Nỗi lo ngại này càng tăng hơn khi việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất đang rất phổ biến, mà cả nước có gần chục triệu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nên việc kiểm soát gần như ngoài tầm với của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc lạm dụng các loại phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến v.v… trong pha chế nước giải khát, chế biến thịt quay, giò chả, ô mai, cà phê… dường như tràn lan.

Đặc biệt, có phụ gia còn giúp rút ngắn thời gian ninh nấu xuống 30 phút thay cho cả tiếng đồng hồ, thậm chí, có phụ gia “biến” miếng thịt đã ôi thiu thành tươi ngon, hay làm cho thực phẩm không bao giờ bị hỏng.

nguoi viet dang tu dau doc minh
Nhiều người phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm

Bên cạnh các chất phụ gia được phép sử dụng, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều loại phụ gia không nguồn gốc. Tại nhiều chợ, có thể mua được đủ loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, từ hương liệu, nước cốt cà phê, chất tạo bọt, tạo dẻo, tạo mùi trong chế biến xà phòng, phẩm màu, chất tẩy rửa v.v… Nỗi lo âu này có cơ sở khi cách đây vài tháng, lực lượng công an đã bắt giữ một xe ôtô tải chứa nhiều loại hương liệu, phụ gia để chế biến thực phẩm không có xuất xứ, đang vận chuyển từ Lạng Sơn đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Cho dù cơ quan quản lý khuyến cáo rất nhiều, nhưng hằng năm, số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, trong đó, nhiều vụ ngộ độc tập thể. Rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là vấn nạn nhức nhối, nhất là khi thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm là do hóa chất và độc tố tự nhiên, thay vì do vi sinh như trước. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại khi hiện có nhiều chất phụ gia không được phép vẫn sử dụng trong chế biến thực phẩm. Làm sao để đảm bảo an toàn thực phẩm là câu hỏi được đặt ra nhiều lần trên nghị trường Quốc hội, trong các cuộc họp liên ngành, vì nó không chỉ tác động xấu đến sức khỏe hiện tại, mà còn ảnh hưởng tới thế hệ tương lai. Song, vẫn chưa có câu trả lời và giải pháp thỏa đáng, nhằm có thể định hướng trong quản lý phụ gia thực phẩm.

Trên thực tế, dù rất sợ mua phải thực phẩm có phụ gia không nguồn gốc, nhưng người tiêu dùng luôn lựa chọn các thực phẩm có màu sắc bắt mắt, mùi thơm, vị đậm đà, thời gian bảo quản lâu. Trước yêu cầu đó, phụ gia thực phẩm đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong chế biến thực phẩm của nhà sản xuất. Một nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, do bất đắc dĩ, có tới 63,2% người tiêu dùng ăn thức ăn nhuộm màu, 52,6% thấy quen thuộc với màu sắc đó và hơn 20% mua phẩm màu không nguồn gốc về tự chế biến thức ăn.

Vì thế mà, theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp tết luôn chiếm lượng lớn, do mọi người sử dụng nhiều hơn các loại bánh, mứt, kẹo, hạt dưa v.v… Trong khi đó, các thử nghiệm của cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ và Anh đều chứng minh: Một số phẩm màu tổng hợp có thể làm rối loạn hệ thần kinh, gây ung thư và đột biến gen, như allura red (đỏ) thường dùng trong tương ớt, brilliant blue (xanh) thường dùng trong nước giải khát, bánh kẹo, sunset yellow (vàng cam) và tartrezine (vàng chanh) dùng trong mì ăn liền v.v…

Việc sử dụng phẩm màu trong thực phẩm tùy tiện, sẽ gây nhiều loại bệnh cho gan, thận và lâu dài sẽ gây ung thư cho người sử dụng. Nhiều nhà sản xuất đã lạm dụng chất phụ gia quá hàm lượng cho phép, thậm chí, để giảm chi phí sản xuất, một số nhà sản xuất còn gian dối khi sử dụng cả chất phụ gia công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng hoặc dùng chất màu trộn thêm để che giấu các sản phẩm hư hỏng, gây nguy hiểm cho sức khỏe, gây ngộ độc cấp và mãn tính.

Theo một nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, thì các phụ gia thường được sử dụng trong thực phẩm là chất bảo quản, phẩm màu và đường hóa học. Kết quả kiểm nghiệm của Viện từng cho thấy, trên 60% mẫu hạt dưa và 90% mẫu ớt bột không xuất xứ chứa rhoodamine - chất nhuộm màu cực kỳ độc hại, có thể gây ung thư.

Trong một hội thảo về vấn đề an toàn của chất phụ gia cách đây ít lâu, nhiều người đã giật mình trước con số do các nhà chuyên môn đưa ra: Kết quả thanh tra 203 mẫu nguyên liệu, gồm 9 loại màu, thì 100% màu xanh dương, màu tím nho, màu hồng và 95% mẫu màu xanh lá cây đều không nằm trong danh mục cho phép. Điều này cho thấy, việc buôn bán, sử dụng phẩm màu đã ở mức báo động, cần phải quản lý chặt chẽ. Vì chất dioxit crom có đặc tính gây bỏng niêm mạc, da và gặp nhiệt độ cao, nó tan ra, bám chắc vào biểu bì với độ dính cao, đã được lợi dụng để nhúng thịt lợn, gà, vịt, để khi quay thịt sẽ căng lên, có màu vàng, nâu bóng đẹp mắt.

Hay sudan là chất gây ung thư, thường chỉ dùng tạo màu cho các loại dầu, sáp, xi đánh giầy, đã được đưa vào tương ớt, bột cà-ri để tạo màu hấp dẫn. Chất sudan còn đã được dùng để tạo màu son môi và các cơ quan chức năng từng phát hiện 6 loại son môi có chứa sudan, do 2 công ty của Trung Quốc sản xuất, bán tại khu chợ lớn nhất của địa phương giáp biên giới. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra do xôi “gấc” pha màu công nghiệp, hay bánh xu xuê, nước giải khát được nhuộm màu bắt mắt v.v… Phẩm màu công nghiệp hiện vẫn được dùng nhiều trong thực phẩm cho trẻ như thạch, nước trái cây, đồ ăn nhanh, kẹo, bánh và theo Cục Quản lý tiêu chuẩn thực phẩm Anh thì, nếu dùng thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trí tuệ của trẻ.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một thực tế là các chất bảo quản có khả năng gây ung thư cũng được sử dụng phổ biến: Formol, hàn the thường được dùng trong bánh phở, hủ tiếu, bánh nem, chả, dưa chua hay các món chiên, xào như tôm lăn bột, cua lột chiên bơ v.v… Còn bột sắt được cho vào nước phở, bún, hủ tiếu để tạo màu hấp dẫn. Natri benzoate và kali sorbet là 2 chất có tỷ lệ quy định sử dụng rất nghiêm ngặt, nhưng theo một nghiên cứu cách đây ít lâu của Viện Y tế vệ sinh công cộng thì có hơn 20% mẫu thực phẩm là nước giải khát, nước tương, tương ớt, thịt chế biến sẵn sử dụng liều cao, có mẫu vượt gấp 27 lần giới hạn an toàn, đủ để gây tử vong khi xâm nhập vào cơ thể hay ảnh hưởng đến hệ thần kinh và lâu dài sẽ gây ung thư.

Nhằm hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm trong bối cảnh nhiều người sử dụng chất phụ gia thiếu trách nhiệm như hiện nay, các nhà chuyên môn khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các chất màu tự nhiên như gấc, cà chua, ớt, carot, dâm bụt, nghệ, lá dứa thơm v.v… thay vì dùng sản phẩm có màu sắc lòe loẹt. Cũng không nên mua phẩm màu không có nguồn gốc để chế biến thực phẩm tại gia đình, mà chỉ mua các sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp có chứng nhận an toàn thực phẩm. Khi mua thực phẩm, người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn mác để biết thực phẩm có chứa bao nhiêu chất phụ gia, là tiêu chí bắt buộc ghi trên nhãn. Chỉ có làm “người nội trợ thông minh” mới giúp gia đình chúng ta tránh khỏi bệnh tật do phụ gia không nguồn gốc mang lại.

 

P.V

Năng lượng Mới 473