Mảng tối trong hoạt động của DNNN
Đầu tư lưới điện ở các xã vùng sâu, vùng xa là nhiệm vụ chính trị của ngành điện.
Theo “Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp” của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2014, cả nước có 796 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó có 8 Tập đoàn kinh tế; 100 tổng công ty nhà nước (không bao gồm Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam); 25 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ-Công ty con; 309 Công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; 354 Công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại.
Năm 2013, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp vẫn trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sác nhhà nước, giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013 ở mức tăng trưởng GDP đạt 5,42%, kiểm soát tỉ lệ lạm phát ở mức 6,04% (mức thấp nhất trong giai đoạn 2003-2013). Cụ thể: Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt hơn 1,7 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2012, trong đó, 8 Tập đoàn đạt gần 990 ngàn tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2012; vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2012; tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt trên 1,7 triệu tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 276 ngàn tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2012... Đặc biệt, năm 2013, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã nộp ngân sách đạt trên 253 ngàn tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2012.
Đánh giá hoạt động của DNNN, Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2012, 2013, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, các DNNN đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DNNN, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty vẫn duy trì, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Các DNNN vẫn đóng vai trò thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, một số lĩnh vực như năng lượng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ viễn thông vẫn phát huy được thế mạnh trong nền kinh tế thị trường...
Bên cạnh những đánh giá tích cực, Bộ Tài chính cũng chỉ ra một loạt những tồn tại, bất cập trong quá trình hoạt động của DNNN. Cụ thể:
DNNN hoạt động chung với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhưng lại chưa giải quyết được các vấn đề đặt thù đặt ra liên quan đến sự tồn tại, vận hành của DNNN.
Việc sử dụng các công cụ quản lý nhà nước đối với DNNN bằng các văn bản dưới Luật nên dễ thay đổi, hiệu lực thực thi không cao, làm giảm hiểu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung và gây khó cho hoạt động kiểm soát, giám sát của nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực tại DNNN cũng như việc bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cung ứng dịch vụ sản phẩm công ích, an ninh, quốc phòng.
Cơ chế, chính sách về quản lý DNNN chưa phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích, chưa đảm bảo cho các DNNN được hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia nhưng cần thiết cho nền kinh tế.
Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và triệt để. Vì vậy, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại DNNN chưa cao.
Bên cạnh những bất cập trên, hoạt động của các DNNN cũng tồn tại không ít bất cập, qua đó làm giảm hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Tài chính thì đó là tình trạng chậm đổi mới, không nắm bắt kịp thời nhu cầu phát triển thị trường, cũng như xu thế hội nhập; năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát các nguồn lực được giao. Các Tập đoàn, Tổng công ty mở rộng sản xuất, đầu tư theo chiều rộng mà chưa chú trọng đến chiều sâu hoặc đầu tư quá khả năng thu xếp vốn của mình, dẫn đến hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
Ngoài ra, việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được chú trọng, công tác phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm còn bất cập, yếu kém, thiếu tích dự báo, liên kết... với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước...
Từ những bất cập, tồn tại trên, Bộ Tài chính cho rằng phải hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý DNNN, đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, triển khai và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu DNNN.
Thanh Ngọc
-
Ươm mầm sáng tạo trẻ với không gian “Giao lộ ký ức”- VPBank x Tòhe
-
Tin tức kinh tế ngày 10/11: Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất khu vực
-
Thực hư kế hoạch sáp nhập 3 hãng khai thác dầu lớn nhất nước Nga
-
Cần sự điều tiết của Nhà nước để chính sách thuế GTGT phân bón 5% đạt kỳ vọng
-
Tin tức kinh tế ngày 9/11: Giá cà phê xuất khẩu tăng kỷ lục