Lương tối thiểu vùng vẫn chưa được điều chỉnh trong 2 năm khó khăn bởi đại dịch
Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia có phiên họp về lương tối thiểu vùng. Đây là phiên họp đầu tiên của năm nay. Trong phiên họp này, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu.
Từ năm 2020 đến nay, tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh là khoảng thời gian khá dài |
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, hiện vẫn áp dụng theo mức tiền lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng bắt đầu từ 1/1/2020.
Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, công đoàn đã có đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022, nhưng chưa đưa ra mức tăng cụ thể là bao nhiêu.
Theo thông lệ, lương tối thiểu thường được điều chỉnh vào đầu năm (ngày 1/1). Nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vẫn có thể điều chỉnh trước mốc trên, vì thời gian không tăng đã quá dài, hơn nữa tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực.
“Từ năm 2020 đến nay, tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh là khoảng thời gian khá dài, nếu đến ngày 1/1/2023 mới tăng thì người lao động phải chờ đợi quá lâu trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, chỉ số giá tiêu dùng tăng, tiền lương thực tế giảm sút và nhiều yếu tố khác nữa”, ông Quảng lý giải.
Ngoài ra, trong lịch sử, cũng đã có nhiều lần tiền lương tối thiểu được điều chỉnh và áp dụng vào giữa năm, nên cá nhân ông vẫn muốn điều chỉnh sớm lương tối thiểu vùng để áp dụng cho cả 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hai năm qua lương tối thiểu vùng không tăng. Vì vậy, việc tăng lương là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Song nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kĩ lưỡng.
Theo ông Phòng, ngày 15/4 tới đây, phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về vấn đề lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan. Sau cuộc khảo sát này, mới có thể nói rõ thêm về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: "Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia”.
Nhiều chuyên gia trước đó cũng cho rằng, nếu năm 2022 lương tối thiểu vùng tiếp tục không tăng thì đời sống của người lao động sẽ càng khó khăn sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của Covid-19 nên lương tối thiểu vùng đã "lỡ hẹn" và được thực hiện theo mức lương:
Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Mặt khác, nếu chờ đến năm 2023 mới tăng lương tối thiểu thì phải tính toán làm sao bù đắp được cho người lao động phần của các năm không tăng, song nếu mức tăng quá cao cũng sẽ vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Minh Châu
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)