Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Luật Lao động phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động

20:18 | 09/06/2011

Theo dõi PetroTimes trên
|
 Nếu Luật Lao động không sửa đổi, có thể dẫn đến “đa nguyên Công đoàn” và sẽ không bao giờ có đình công đúng luật.

Ngày 9/6 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến Bộ Luật Lao động (sửa đổi) khu vực phía Bắc, tập trung vào 4 vấn đề lớn: Đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn; Thỏa ước lao động tập thể ngành; Thời giờ làm thêm và vấn đề bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu.

Hình ảnh công nhân đình công (ảnh minh họa).

Không thể tồn tại "đa nguyên Công đoàn”

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Vấn đề nhức nhối nhất trong dự thảo lần này là chuyện thành lập ban đại diện công nhân ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn.

Theo dự thảo, ở các doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở thì thành lập Đại diện tập thể lao động trong phạm vi doanh nghiệp. Đại diện tập thể lao động hoạt động trong doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cấp trên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và của tập thể người lao động.

Ông Chính cho biết thêm: Tổng liên đoàn lao động đã có ý kiến với Ban soạn thảo mà chủ trì là Bộ Lao động về việc này. Bởi với quy định được nêu trong dự thảo, các doanh nghiệp có thể sẽ không thành lập Công đoàn theo quy định pháp luật mà lập thêm một tổ chức gọi là Ban đại diện công nhân trong doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cũng bày tỏ sự lo lắng vì nếu áp dụng dự thảo trên thì rất có thể xuất hiện tình trạng "đa nguyên Công đoàn”.

Hơn nữa, dự thảo lại quy định quyền hạn của Ban đại diện công nhân có chức năng như một tổ chức Công đoàn cơ sở, là được đại diện ký Thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp; Có quyền tổ chức đình công. Rõ ràng, quy định như vậy mặc nhiên dẫn đến một tổ chức không phải là Công đoàn nhưng thực chất chính là Công đoàn.

Cũng tại hội nghị này, ông Bùi Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại Bắc Ninh, công ty Samsung từng thành lập một Ủy ban gia đình dưới sự điều khiển của Ban giám đốc và cách thức tổ chức, hoạt động chẳng khác gì một tổ chức Công đoàn nhưng lại không phải nộp phí công đoàn. Khi Công đoàn vận động, công nhân nói chúng tôi có đại diện rồi.

Ông Quang nhấn mạnh: Nếu để các công ty thành lập các ban đại diện thì người ta sẽ tìm cách lôi kéo công nhân hoặc trì hoãn để không thành lập Công đoàn.

Không chỉ ông Quang mà nhiều đại biểu khác cũng cho rằng: Việc thêm ban đại diện bên cạnh tổ chức Công đoàn chỉ khiến thêm rối rắm, người lao động không biết tham gia vào bên nào, doanh nghiệp sẽ dựa vào đó để không thành lập Công đoàn.

Tại Các đại biểu đề nghị Bộ Luật Lao động cần phải thay đổi quy định này theo hướng chỉ có duy nhất tổ chức Công đoàn mới được quyền đại diện cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

Phải sửa luật để đình công đúng luật

Một vấn đề khác được các đại biểu thảo luật sôi nổi là các quy định về đình công và giải quyết đình công (chương 14 của dự thảo). Quy định của dự thảo cũng gây bức xúc không kém.

Theo thống kê của Bộ Lao động thì từ khi Bộ Luật Lao động ra đời (Năm 1995) thì cả nước đã xảy ra 2.800 cuộc đình công. Tuy nhiên tất cả đều là những cuộc đình công tự phát, không đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

Nhiều đại biểu ví von, về trường hợp này: "Luật 1 bên, đình công 1 bên”. Bản chất đình công là người lao động đòi quyền và lợi ích của họ theo quy định nên đình công là chính đáng. Nhưng đình công theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không thể thực hiện được.

Dự thảo Luật cho rằng, đình công phải do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có Công đoàn thì phải do Ban đại diện tập thể lao động tổ chức. Những cuộc đình công bất hợp pháp là những cuộc đình công không xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; Hoặc khi vụ tranh chấp chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức giải quyết. Ban chấp hành Công đoàn phải ra quyết định đình công bằng văn bản và lập bản yêu cầu khi có ý kiến đồng ý của trên 50% người lao động hoặc trên 75% số người được lấy ý kiến đối với doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị thì quy định về đình công và giải quyết đình công hiện nay vẫn chưa đi vào cuộc sống. Phần nội dung về đình công trong dự thảo lần này so với dự thảo trước đó không khác là bao, có chăng chỉ bỏ phần quy định về Hội đồng hòa giải cơ sở.

Các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Nếu dự thảo lần này không được điều chỉnh thì đình công ở Việt Nam vẫn diễn ra và tiếp tục không tuân theo quy định của pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động là để đưa đình công vào khuôn khổ quản lý của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Thiên Minh – Thanh Ngọc