Luật hóa mà vẫn... chung chung
Thay đổi cách tiếp cận vốn
Phải xây dựng một “đội quân” DN đủ lớn để cụ thể hóa các lợi thế cạnh tranh cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang là vấn đề cấp bách được đặt ra cho sự phát triển của nền kinh tế. Mà DN muốn lớn thì phải có vốn. Có vốn thì mới đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị… Nhưng có một thực tế, do quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu nên việc tiếp cận vốn của DNNVV luôn khó khăn. Vậy nên, theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), vấn đề cấp bách, trước tiên nhất để hỗ trợ DNNVV phát triển là phải thay đổi cách tiếp cận tín dụng đối với khu vực DN này. Và nếu không giải quyết được vướng mắc từ tín dụng ngân hàng thì khu vực này vẫn khó lớn.
Cũng theo GS Nguyễn Mại, để khắc phục và giải bài toán về vốn cho DNNVV, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức cho vay tín chấp, cho phép DN dùng động sản (ý tưởng, sáng kiến hay kế hoạch kinh doanh có độ khả thi cao…) thay vì bất động sản để thế chấp khoản vay. Cùng với đó, họ sẽ áp đặt tỷ lệ dư nợ bắt buộc cho vay DNNVV đối với hệ thống ngân hàng, chẳng hạn như Ấn Độ quy định dành tối thiểu 7% tín dụng cho DNNVV, Philippines là 10% và Indonesia là 20%… Nhưng ở Việt Nam Nam, việc đưa giải pháp này vào Luật Hỗ trợ DNNVV là không hề đơn giải bởi vấp phải rào cản từ phía ngân hàng.
Một phân xưởng may của Công ty May 10 |
“Mặc dù ngân hàng thương mại kinh doanh tiền tệ và phải sinh lợi để phát triển, nhưng cũng có một chức năng vô cùng quan trọng khác là chiếc “phao cứu sinh” của nền kinh tế khi chia sẻ rủi ro với DN. Đây là điều khác nhau rất cơ bản giữa DN bình thường và DN ngân hàng. Trong nền kinh tế thị trường, ở từng giai đoạn, từng năm, có ngành hàng này kinh doanh thuận lợi trong khi ngành hàng khác gặp khó khăn. Ngân hàng không thể “quay lưng” mà cần “đồng hành” cùng DN thì mới có thể tham gia chia sẻ rủi ro giữa DN thuộc ngành kinh doanh thuận lợi với DN đang gặp khó” - GS Nguyễn Mại đưa quan điểm.
Cũng theo GS Nguyễn Mại, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rất nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận việc dùng động sản để thế chấp vay ngân hàng và điều này hoàn toàn không hề vi phạm vào quyền tự chủ của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng đã tiến hành cho vay thế chấp không bằng bất động sản, vì vậy đây cũng là một giải pháp kinh doanh an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, cũng lưu ý một thực trạng đáng bàn là trong khi nợ xấu của nhiều tập đoàn lớn đang ở mức đáng báo động, vẫn chưa có ngân hàng thương mại nào công bố tỷ lệ nợ xấu của DNVVN. Hầu hết các vụ ngân hàng bị vỡ nợ hoặc một số cán bộ tín dụng bị truy cứu trách nhiệm hình sự chủ yếu đều liên quan đến “các đại gia” chứ không phải do tín dụng đối với DNVVN.
Đưa quan điểm về vấn đề này, bà Đặng Thị Điểm - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: Ngân hàng thương mại cũng hoạt động như một DN. Như vậy, quyền tự chủ trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng phải được tôn trọng giống như các DN, tổ chức khác. Đây là hoạt động kinh doanh đặc biệt với hàng hóa là tiền tệ nên đòi hỏi tính an toàn rất cao. Việc đầu tư vào chỗ nào để đạt được hiệu quả và dòng lãi cao nhất hoàn toàn thuộc về quyền tự chủ của ngân hàng, đồng thời được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, bà Điểm còn nhấn mạnh, việc chấp nhận thế chấp bằng bất động sản hay động sản cũng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của ngân hàng và không một tổ chức hay cá nhân nào được can thiệp.
Chính sách cần cụ thể
Hiện nay, việc tiếp cận vốn của DNNVV là rất khó khăn bởi quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu nhưng lại chưa được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật DNNVV. Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không chỉ vấn đề vốn mà các biện pháp đề ra trong dự thảo luật hiện rất chung chung và như vậy rất khó để DN tiếp cận những chính sách hỗ trợ đó.
Điều 9 của dự thảo luật về biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng có quy định các ngân hàng phải tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua việc cung cấp các khoản vay với lãi suất, thủ tục, điều kiện… phù với với DNNVV. Nhưng quy định như vậy là rất chung chung, không rõ có phải là bắt buộc hay không. Và nếu là bắt buộc, là nghĩa vụ thì cũng thiếu cụ thể.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, dự thảo luật hầu như chỉ nêu tên các biện pháp hỗ trợ mà không có bất kỳ quy định cụ thể nào về nội dung, chủ thể, cách thức thực hiện biện pháp đó. Ví như về việc hỗ trợ tài chính qua việc hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập DN, dự thảo quy định DNNVV được áp mức thuế suất thấp hơn mức thông thường nhưng là thấp hơn bao nhiêu thì không rõ. Điều này sẽ lại đặt ra vấn đề là pháp luật về thuế có phải sửa đổi để thực thi quy định này không? Nếu phải sửa thì căn cứ vào đâu để quy định mức thấp hơn?
Hay như quy định tại Điều 13 về hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cũng vậy, dự thảo chỉ liệt kê ra các biện pháp hoặc trường hợp được hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ nhưng không có bất kỳ quy định nào về việc ai sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ này? Cách thức thực hiện biện pháp hỗ trợ là gì? Ví dụ “nghiên cứu, đổi mới công nghệ” là hỗ trợ tiền để DNNVV tự nghiên cứu hay Nhà nước nghiên cứu rồi chuyển giao miễn phí cho DNNVV? Nếu Nhà nước nghiên cứu thì Nhà nước là ai?...
Không chỉ thiếu các quy định cụ thể, không rõ ràng trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, nhiều chuyên gia còn chỉ ra rằng, Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV còn có nhiều điểm chồng lấn với các luật khác. Chẳng hạn, pháp luật về thuế nói không có ưu đãi riêng cho DNNVV, trong khi dự thảo luật này lại có quy định. Trong khi đưa quy định như vậy nhưng dự thảo luật cũng lại không có điều khoản nào quy định mối quan hệ giữa luật này với các luật khác (trừ quy định sửa đổi Luật Đầu tư). Như vậy, khi triển khai, nếu có sự khác nhau giữa luật này với luật khác thì ưu tiên luật nào?... Vậy nên, dự thảo luật cần phải đưa ra những biện pháp cũng như cách thức thực hiện các biện pháp đó một cách cụ thể để tránh tình trạng luật thì có nhưng thực thi lại không hiệu quả!
Thanh Ngọc
-
Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Đổi mới sáng tạo xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường
-
Thị trường tín chỉ carbon: Cánh cửa xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Làm gì để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng?
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc