Loạt bất cập trong triển khai tín dụng xanh
Khung pháp lý chưa hoàn thiện
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường. Thời gian qua, ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong chiến lược.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng nhằm bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN năm 2015 và Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được lồng ghép vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Tuy nhiên, thực tế triển khai tín dụng xanh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, hiện có 47 ngân hàng phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Tuy vậy, dư nợ tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Nguyên nhân khiến tỷ lệ này còn khiêm tốn, theo các ngân hàng thương mại, là do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, danh mục phân loại xanh quốc gia chưa rõ ràng…
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh Việt Nam còn nhiều bất cập như: Cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế. Một số ngân hàng rất chủ động nhưng số khác lại dậm chân. Có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…
Mới đây, tại Diễn đàn Tài chính xanh năm 2024, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ: BIDV là tổ chức đầu tiên của Việt Nam phát hành trái phiếu xanh. Qua thực tế triển khai trái phiếu xanh năm 2023, chúng tôi cho rằng cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh, xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế; các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực về môi trường và xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường.
“Rất cần các hoạt động nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh; duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật và khuyến khích các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong phát hành chứng khoán xanh…”, ông Sơn khuyến nghị.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, dù rất muốn đẩy mạnh tín dụng xanh, song ngân hàng này vẫn đang loay hoay vì các chuẩn mực với dự án xanh chưa có. “Rất mong các bộ, ngành sớm xây dựng tiêu chí về dự án xanh để ngân hàng có tiêu chí triển khai”, ông Tùng kiến nghị.
Trong báo cáo kiến nghị mới đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để phát triển tín dụng xanh, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện khung pháp lý. Cụ thể, phải xây dựng các tiêu chí xác định dự án xanh. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh cho các dự án.
“Cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực, ngành xanh về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển... một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh”, nhóm nghiên cứu đề xuất.
Cần đa dạng hóa nguồn vốn
Ngoài thiếu hành lang pháp lý, các ngân hàng thương mại cũng đang khó khăn trong việc tìm nguồn vốn xanh để cho vay. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thành công trong việc huy động hàng tỉ USD từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn còn nhỏ so với nhu cầu thị trường.
Ông Võ Văn Quang - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cho biết, phần lớn nguồn vốn cho vay dự án xanh của các ngân hàng đến từ huy động vốn. Còn nguồn vốn tài trợ của Chính phủ có nhưng chưa nhiều. Vì thế, để triển khai chính sách tín dụng xanh, Bac A Bank cũng như nhiều ngân hàng khác phải tính toán căn cơ, cân đối hài hòa.
Còn theo bà Trần Tường Vân - Giám đốc tư vấn, Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam, các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay, các ngân hàng cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn. Nguồn vốn xanh có thể đến từ các tổ chức quốc tế, vay ngân hàng đối tác...
Trao đổi với Tạp chí Năng lượng Mới, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, hiện có hơn 80% vốn huy động của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn, trong khi tín dụng xanh chủ yếu là dự án dài hạn từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thương mại càng khó bố trí nguồn vốn dài hạn để cho vay. Chưa kể, rủi ro với cho vay các dự án này không nhỏ, trong khi thời gian thu hồi vốn dài.
“Tín dụng xanh ở nước ta còn quá khiêm tốn. Hiện tại, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các ngân hàng đang bị “bó tay” bởi tỷ lệ đó. Chưa kể, đa phần dự án xanh đòi hỏi lãi suất cho vay thấp, tương đương với lợi nhuận thấp, trong khi rủi ro lớn. Nhiều dự án xanh (như trong lĩnh vực năng lượng), nếu không có sự bảo lãnh của Chính phủ, thì khả năng dự án vỡ nợ là có, đồng nghĩa rủi ro cho ngân hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
TS Hiếu phân tích và khẳng định, thời điểm này không thể kỳ vọng quá nhiều vốn ngân hàng tài trợ, đầu tư lĩnh vực xanh mà nên tìm đến nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC)...
Ngoài thiếu hành lang pháp lý, các ngân hàng thương mại cũng đang khó khăn trong việc tìm nguồn vốn xanh để cho vay. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thành công trong việc huy động hàng tỉ USD từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn còn nhỏ so với nhu cầu thị trường. |
Mạnh Tưởng
-
Huy động nguồn lực “khơi thông” nguồn vốn tín dụng xanh, tài chính xanh
-
Nhiều giải pháp cần triển khai nhằm thúc đẩy dòng vốn xanh
-
Cần thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
-
Bài 7: Doanh nghiệp cần “xanh hóa” hoạt động để tiếp cận tín dụng xanh
-
VietinBank: Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh