Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lính Trường Sa, đại gia mỹ nghệ

07:00 | 21/07/2016

2,444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Xuất đại gia, ông Xuất Trường Sa, ông Xuất từ thiện… đã có nhiều bài báo viết về cựu chiến binh Trần Văn Xuất như vậy. Với tôi, Trần Văn Xuất vẫn là hạ sĩ “i nốc”, suốt ngày quần lửng, kể cả thời ở đảo, cho đến bây giờ là “đại gia” nổi tiếng ở làng đá Non Nước(Đà Nẵng).

“Bảo vệ”… vòng ngoài

Chẳng biết Trần Văn Xuất giàu đến cỡ nào. Nhưng đến cửa hàng đá mỹ nghệ Xuất Ánh ở làng đá Non Nước, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, nếu không phải là người quen thì mọi người dễ nhầm ông chủ cửa hàng này với người bảo vệ vòng ngoài.

linh truong sa dai gia my nghe
Tác giả và CCB Trần Văn Xuất bên cột mốc Trường Sa Đông, xây dựng tại khuôn viên của hàng đá mỹ nghệ Xuất Ánh

Trông khá “bụi bặm”, chiếc quần lửng ngả màu “cháo lòng”, chiếc áo phông cũng không còn mới, người đen nhẻm, hai ống quyển “sẹo chồng lên sẹo”. Bộ ria vểnh ngược uốn quặt vào hai bên cánh mũi, làm cho khuôn mặt lúc nào cũng như đang cười.

Vợ anh, chị Phan Thị Ánh, người phụ nữ thành đạt, nhưng vẫn giữ được nếp sinh hoạt chân quê, không “hoa hòe hoa sói”, chẳng diêm dúa như những “quý bà đại gia” khác. Chị kể: “Ổng chỉ mặc quần áo dài khi phải đi họp hành, hoặc nhà có đám chạp (giỗ), còn lại suốt ngày quần lửng, áo cộc. Mặc như thế miết quen rồi, chưng diện khó chịu lắm”. Chị cười: “Nhiều lúc tui cũng ngượng vì khách hàng gọi ổng là bảo vệ”.

Nhập ngũ tháng 2-1984, huấn luyện tại Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, rồi ra chốt tại đảo Trường Sa Đông cho đến ngày ra quân. Thời ấy lính ta sinh hoạt ở đảo còn vất vả lắm, có bộ quân phục mới gấp cất kỹ dưới đáy balô, chỉ “diện” khi có sự kiện hoặc những ngày lễ tết. Bộ “nhàu nhàu” cũng chỉ mặc lúc sinh hoạt, hội họp, còn lại là “quần đùi áo lót” cho tiện.

Thời ấy tôi làm khẩu đội ĐKZ, nhưng sử dụng thành thạo cả 12 ly 7 lẫn cối 82, hằng năm huấn luyện đều đạt loại giỏi. Anh xởi lởi: “Nói thật với anh, trông “cùi cùi” vậy thôi, nhưng lính đảo bọn tôi, đứa nào cũng thiện chiến cả, “uýnh” bằng vũ khí nào cũng được, chẳng vậy mà đảo có “ba chục” con người mà có tới mấy loại vũ khí. Cũng may cho “bọn nó” chỉ lởn vởn ngoài xa, thử lên “cướp” đảo xem, “ăn đòn” không có đất mà chôn…”.

Chỉ vào hai ống chân sẹo ngang, sẹo dọc chồng lên sẹo, anh cười khà khà, “dấu tích” của những ngày lặn tìm san hô chết để “chế” đất trồng rau đấy. Ngày ấy đảo chưa có nhiều cây xanh, rau xanh khan hiếm, tàu hậu cần thi thoảng mới có, mớ rau từ đất liền ra được đến đảo vừa úa, vừa ủng.

Ngày lên tàu ra đảo, Xuất “thủ” trong balô đủ loại hạt rau, nhưng ra đảo chẳng biết trồng vào đâu, giữ hạt rau còn hơn “nhà giàu giữ của”, gieo thử vài lần đều thất bại. Chẳng lẽ “bó tay” Xuất nung nấu trong đầu, dứt khoát phải trồng được rau. Nghĩ vậy, nhưng trồng như thế nào là bài toán chưa có lời giải. “cái khó ló cái khôn”, anh nạo đất xung quanh nhà ở, đào lỗ gần nơi nhà bếp cho tất cả đất thu gom được xuống đó, nước vo gạo, nước rửa thực phẩm dần dần ngấm xuống cái hố đó.

Thiếu đất, Xuất hô hào anh em lặn tìm san hô chết lên phơi sương rồi đập nhỏ, trộn với đất đã được ủ nước. Gọi là vườn rau cho oai, chứ thực ra chỉ như manh chiếu, được che đậy kỹ càng. Mong ngóng từng ngày chờ hạt rau nảy mầm cứ như trong chuyện cổ tích. Rồi sự chờ đợi cũng vỡ òa trong niềm vui khi những hạt rau dền, rau sam nhú lên. Cả đơn vị thay nhau “canh giữ” chăm bón vườn rau. Bữa cơm bộ đội trên đảo hằng tuần có thêm bát canh rau, chan canh mà mắt ai cũng rưng rưng. Bát canh rau ở đảo như sợi dây vô hình kéo quê hương xích lại gần hơn với biển cả.

Mới đó mà gần 30 năm rồi. Giờ là ông chủ, với cơ ngơi cả “trăm tỉ”, Trần Văn Xuất vẫn không bỏ được thói quen thả câu, giăng lưới như thời ở đảo. Chị Ánh kể rằng, sáng nào cũng vậy, cứ hơn 4 giờ là ông “sè sẹ” ra khỏi giường, khi thì một mình với chiếc thúng câu, lúc thì cùng vài người bạn nữa ra biển. Chẳng phải nhà thiếu thức ăn, đấy là “khung trời kỷ niệm của ổng”, nên cả nhà đều tôn trọng thói quen đó.

linh truong sa dai gia my nghe
Khách du lịch tại của hàng đá mỹ nghệ Xuất Ánh

Ổng là người “sát” cá. Không ngày nào ra biển về tay không, có ngày giăng lưới được cả tạ, vào đến bờ là chia hết cho mọi người, chỉ mang về nhà “vài ký”. Tôi hỏi, sao không bán, chị Ánh cười “đấy có phải là nghề chính đâu anh, ổng nhà tôi đi câu, đi thả lưới như một nhu cầu, như một sự “giải tỏa” nỗi nhớ biển, nhớ đảo. Năm tê (2014), ông viết thư cho một ông tướng Hải quân trình bày nguyện vọng sau 30 năm muốn được trở lại thăm đảo Trường Sa, được bước chân lên đảo với bộ quân phục Hải quân. Cứ tưởng đề đạt phải còn chán mới được giải quyết, ai dè chỉ sau ít ngày ổng nhận được giấy mời đi thăm đảo…”.

Trần Văn Xuất thì mừng ra mặt. Anh hả hể: Nguyện vọng của tôi cũng là nguyện vọng của rất nhiều cựu binh Trường Sa. Tôi là người hạnh phúc khi có điều kiện hơn đồng đội khác, được trở lại đảo là món quà quý giá mà tôi được Quân chủng Hải quân dành tặng. Trở lại thăm nơi mình ngày xưa chốt giữ, biết bao kỷ niệm ập về… Điều kiện của anh em bây giờ tốt hơn rất nhiều so với thời chúng tôi. Khoảng cách giữa đất liền và đảo xa ngày càng xích lại gần khi mà ở đảo bây giờ chiều chiều ngân tiếng chuông chùa, trường học, bệnh xá, điện sáng lung linh. Tiếng trẻ bi bô học bài, đảo như một vùng quê yên bình như trong đất liền vậy.

Ánh mắt người cựu chiến binh Trường Sa sau khi thăm đảo trở về đã bớt đi những thảng thốt nhớ nhung, thay vào đó là niềm vui ngập tràn, là những dự tính mới đang hình thành như những tháng năm anh từ “hai bàn tay trắng” trở thành “đại gia”.

Bản lĩnh người lính

Trần Văn Xuất trở thành “đại gia” đá mỹ nghệ là nhờ bản lĩnh của mình. Gia đình vốn nghèo túng, lại đông con, Xuất là con thứ 6 trong 10 anh chị em. Mãi đến năm 12 tuổi mới được cắp sách đến trường, ngày lên đường nhập ngũ mới học hết lớp 8 phổ thông.

Tháng 1-1987 hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, với gia tài là chiếc balô sờn cũ và vài con ốc biển mang về từ đảo Trường Sa Đông. Anh bảo, cuộc đời tôi đến giờ có thể chia ra 3 giai đoạn thế này: từ nhỏ đến 17 tuổi ở với bố mẹ, nhà nghèo, con đông, sự học cũng thua thiệt so với bạn bè. Ngoài con chữ được học ở trường, ông bố dạy cho nghề khai thác đá (trước đây làng đá Non Nước, làm nghề khai thác là chính, chứ chưa phát triển nghề thủ công mỹ nghệ như bây giờ).

Từ 18 đến 23 tuổi “chia ngọt sẻ bùi” cùng đồng đội. Gần 5 năm trời trong quân ngũ, ngoài việc thành thạo “lăn lê bò toài”, vốn quý nhất là được quân đội trui rèn bản lĩnh chịu đựng gian khó, là lòng quả cảm và sự hy sinh. Thời tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương chưa có chính sách đào tạo nghề cho quân nhân phục viên, xuất ngũ như bây giờ. Nên gọi chuyện “vào đời” với hai bàn tay trắng, hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng đều đúng cả.

linh truong sa dai gia my nghe
CCB Trần Văn Xuất năm 2014 ra thăm đảo Trường Sa Đông

Từ 24 tuổi đến nay là trụ cột của gia đình. Xuất nhớ lại: “Anh chưa hình dung được thời ấy tôi vất vả như thế nào đâu. Vợ thì ngày ngày cắp mẹt , với một mớ hàng lưu niệm bám theo các đoàn khách du lịch. Nói là hàng lưu niệm, thực ra chẳng có gì đáng giá, ngày ấy khách du lịch ít lắm, nên thu nhập cũng chẳng được là bao, tối đến hai vợ chồng ngồi xếp từng đồng tiền lẻ, vợ tôi nước mắt cứ ứa ra…”. Tôi hỏi, còn anh thì làm gì!. “Làm thuê”, thời ấy làm thuê không có “lương” đâu, chủ cho ngày hai bữa cơm là tốt lắm rồi.

Nhiều đêm mất ngủ, dần hình thành trong đầu người cựu chiến binh Trường Sa một kế hoạch táo bạo, đấy là mở xưởng chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ đá. Nghĩ là làm, anh đến nói với người em con cô cậu, đang là chủ một xưởng chế tác đá, xin làm chân phụ việc.

Gọi là xưởng, chứ thực ra lúc ấy có một vài công nhân “đục đẽo” và sản phẩm đá mỹ nghệ cũng còn sơ khai lắm. Gần một năm trời làm chân phụ việc tranh thủ học “lóm”, rồi Xuất cũng “đục đẽo” được sản phẩm đầu tay. Ý chí “thoát nghèo” đã biến một cựu binh dần trở thành một người thợ thủ công chế tác đá tài hoa. Khi đã có chút “vốn liếng” Xuất rủ một vài người bạn “ra riêng”. Vốn liếng lúc ấy chỉ là tay nghề, đá thì tự khai thác tại chân núi Ngũ Hành Sơn (thời ấy thành phố chưa cấm khai đá), nên không mất tiền mua nguyên liệu.

Anh bảo, hồi hộp nhất và cũng là thời điểm lo lắng nhất là khi anh mang một số sản phẩm tự mình chế tác lên gặp ông Nguyễn Bá Thanh, xin mua đất để mở xưởng. Ngắm nghía những “tác phẩm” do Xuất chế tác một lúc, ông Nguyễn Bá Thanh hỏi Xuất: Đề án đâu, Xuất ngạc nhiên hỏi lại: Đề án gì, ông Thanh bảo: “Ông xin mở xưởng không có đề án ai dám duyệt”. Lúc ấy Xuất mới ngớ ra, nghe ông Thanh giảng giải một hồi, Xuất mới hiểu, muốn làm ăn bài bản phải qua hàng loạt thủ tục. Anh bảo lúc đầu “như gà mắc tóc”, rồi cái khó cũng qua đi. Lần thứ hai đến gặp ông Bá Thanh, anh đưa ông một tập giấy đánh máy dầy cộp, ông Thanh lướt nhanh một lượt rồi bút phê. Xuất thấy ông Thanh lướt nhanh “như gió”, anh vặc: “Ông bảo tôi làm đề án, sao không đọc kỹ?”, lúc ấy anh nghĩ rằng ông Thanh gây “khó dễ”, ai dè vừa nghe anh nói vậy, ông Thanh nghiêm nét mặt: Tôi nói ông làm đề án là luật quy định như vậy, tôi bút phê chuyển cơ quan chức năng có chuyên môn xem xét, có gì cần bổ sung, cần sửa chữa họ hướng dẫn cho. Về chuyên môn, tôi có khác gì ông, ông tưởng tôi giỏi lắm sao.

Xuất bảo, nghe ông nói vậy, tôi thấy mình “non nớt” quá, lại cả hồ đồ nữa. Rồi mọi việc về thủ tục hành chính cũng nhanh chóng hoàn thành. Tôi nhớ mãi những ngày đi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Mất vài lần đến nhà riêng ông Chánh Văn phòng Ủy ban. Anh bảo, ông Cán (Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng lúc đó) cũng là cán bộ “ghê gớm”, khi tôi bấm chuông, ông ra mở cổng mặt lạnh tanh nhìn tôi xét nét rồi hỏi: Có mang gì đến không?, tôi chột dạ nghĩ thầm “lão này hỏi quà đây!”. Tôi gãi đầu, ông giật giọng: “Có mang chi không!”, tôi lý nhí “dạ không”, mặt ông như dãn ra: Mời vào. Nhận tờ quyết định từ tay ông Cán, mặt tôi cứ nghệt ra khi nghe ông nói rằng: Nếu mà ông mang phong bì đến thì tờ quyết định này tôi trả lại cho lãnh đạo.

Lo làm ăn, phải đến 2 năm sau, nhân dịp tết Nguyên đán vợ chồng tôi mới đến chúc tết ông Nguyễn Bá Thanh và tặng ông món quà từ đá. Trong lúc nâng chén rượu Xuân, ông Thanh bảo, giờ cô chú làm ăn đã khá, lo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Nghề đá mỹ nghệ không phải ai cũng làm được, nhưng nếu cứ “quanh quẩn” với mươi cái mẫu cũ, cứ “giậm chân tại chỗ” là “thua” đấy. Ông hỏi tôi, cớ sao không tìm bạn hàng mà xuất khẩu nhỉ. Hàng hóa mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, phải tìm cách đưa hàng mình “xuất ngoại” chứ!

“Mở đường” đưa “đá” sang trời Tây

Xuất nói với tôi, từ gợi ý của ông Nguyễn Bá Thanh, tôi chợt tỉnh ra và tự trách mình, tại sao mình cứ “luẩn quẩn” thế nhỉ, tại sao mình không xuất ngoại một chuyến để “điều nghiên” thị hiếu của nước ngoài, tại sao mình không thăm dò ngay khách du lịch các nước…

Nói tóm lại là hàng loạt “tại sao” mà Trần Văn Xuất tự đặt ra, rồi tự đi tìm câu trả lời. Và rồi từ những chuyến đi thâm nhập thị trường nước ngoài, hàng loạt mẫu mã mới ra đời. Hàng mỹ nghệ đá Non Nước Đà Nẵng đã “xuất ngoại” sang trời tây. Thương hiệu đá mỹ nghệ Non Nước “cất cánh” từ chính sự gợi ý của ông Nguyễn Bá Thanh.

Thương hiệu đá mỹ nghệ Non Nước đã góp phần làm cho Đà Nẵng thêm nổi tiếng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng Xưởng đá mỹ nghệ Xuất Ánh, năm 2013 đơn hàng xuất khẩu đã hơn “một chục” tỉ đồng, các năm sau đó được tính bằng cấp số cộng. Đá mỹ nghệ Non Nước đã có mặt tại các nước châu Âu, ở Mỹ, Australia, Canada…

Đến cửa hàng đá mỹ nghệ Xuất Ánh hôm nay, du khách như lạc vào một bảo tàng điêu khắc. Với hàng ngàn chủng loại, từ những hàng mỹ nghệ thời @ đến những tác phẩm nghệ thuật cổ truyền; từ những chiếc vòng đá đeo tay chế tác tinh xảo, đến những sản phẩm hình khối; từ sản phẩm với giá “bình dân”, đến những bức tượng đá quý cả “nửa tỉ” đồng…

Nhờ bàn tay tài hoa của người thợ, du khách còn được chiêm ngưỡng dấu tích văn hóa xa xưa thông qua hàng loạt các bức tượng, mà chủ nhân của nó đã phải dầy công sưu tầm, nghiên cứu, chế tác khắc họa lên. Ngôn ngữ nghệ thuật ở từng bức tượng đá vô tri hiện ra từ những nét chạm tinh xảo lay động hồn người.

Bên cột mốc “chủ quyền” Trường Sa Đông cao 6 mét, đáy hình vuông, mỗi cạnh 1,5 mét, được xây dựng trang trọng tại khu vực đẹp nhất khuôn viên cửa hàng Xuất Ánh. Hai bên cột mốc là hai cây bàng vuông tỏa bóng xum xuê. Trần Văn Xuất hào hứng kể: Sáng ngày 23-6 vừa qua, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục “Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương trên đất liền lớn nhất”.

Anh bảo, tôi xây dựng cột mốc này không phải để lấy “kỷ lục”. Mà chỉ là vì nhớ đảo và cũng là tạo ra “địa chỉ” để anh em đã từng ở đảo, không có điều kiện trở lại, tìm đến đây cũng khuây khỏa phần nào. Ai dè lại được “trao bằng kỷ lục”; khi xây dựng xong đã có hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Ông Phạm Viết Sơn, Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Hải cho biết, cột mốc đảo Trường Sa Đông của anh Xuất trở thành địa chỉ tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các trường học trên địa bàn thường đưa học sinh đến đây để giáo dục truyền thống.

Đau đáu trong lòng nỗi nhớ đồng đội, từ năm 2009 đến nay Trần Văn Xuất đã lặn lội đi khắp các địa phương “gom đủ” 30 CCB đã một thời cùng anh giữ đảo Trương Sa Đông. Và mỗi năm anh bao trọn gói, lấy ngày đặt chân lên đảo làm ngày gặp mặt. 31 con người đang sinh sống tại 8 tỉnh thành trong cả nước, với sự giúp đỡ của anh đã có “địa chỉ” chung để tìm đến với nhau.

CCB Trần Văn Lẹm, quê ở Phú Yên, giờ định cư ở Đắk Lắk, người cuối cùng trong 30 đồng đội cùng thời mà Trần Văn Xuất tìm được nói rằng, mọi người gọi Xuất là “đại gia”, nhưng với chúng tôi “hắn” vẫn là “Xuất quần lửng”. Mỗi lần gặp mặt, “hắn” đều mang theo tiền để hỗ trợ anh em làm nhà, nuôi con học đại học. Giờ anh em chúng tôi có bốn chi hội ở bốn khu vực, mỗi chi hội “hắn” hỗ trợ 10 triệu đồng để làm quỹ. Giờ hắn là Chủ tịch Hội CCB Trường Sa Đông của chúng tôi.

Hiện xưởng chế tác của Trần Văn Xuất có đến gần 100 lao động kỹ thuật, hầu hết là con em CCB. Hằng năm gia đình anh ủng hộ các chương tình tình nghĩa, an sinh xã hội ở địa phương từ 150 đến 200 triệu đồng. CCB Trần Văn Xuất vẫn “quần lửng, áo cộc” và làm những việc nghĩa tình, có những việc “chẳng giống ai” như vậy.

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 541