Liệu pháp sốc và độ trễ
Trong quá trình chống lạm phát thường gặp phải tính chất hai mặt của bản thân các chính sách chống lạm phát được lựa chọn. Nếu không nhận diện và tính đến đầy đủ các tác động ngược, "âm tính” hoặc là hệ quả phụ của những chính sách chống lạm phát sẽ gây ra những tác nhân trực tiếp hay gián tiếp tạo xung lực mới cho các vòng xoáy lạm phát hay sự mất giá của tiền trong nền kinh tế, đặc biệt trong các nền kinh tế chuyển đổi.
Thực tế đã cho thấy sự phá sản của mô hình kinh tế chỉ huy, duy ý chí; thực tế cũng chưa cho thấy sự tồn tại và thành công của bất kỳ mô hình kinh tế thị trường thuần khiết nào. Vừa tôn trọng “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa coi trọng vai trò điều chỉnh của Nhà nước pháp quyền mạnh, đang và sẽ vẫn là nguyên tắc nền tảng cho sự vận hành của bất kỳ nền kinh tế thị trường nào trên thế giới, cũng như của bất kỳ sự thành công nào trong cuộc đấu tranh với lạm phát trong nền kinh tế hiện đại.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là, luật pháp không phải là sản phẩm của những ước muốn chủ quan, tùy tiện hay phản ánh ý chí của một cá nhân, tập thể độc quyền nào, mà phải là những giá trị xã hội phản ánh các quy luật phát triển khách quan của đời sống kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế. Hệ thống luật pháp phải được thiết kế tốt, đồng bộ, đầy đủ, rõ ràng, đơn giản, ổn định và có hiệu lực thống nhất trên toàn quốc. Tính hiệu quả của luật pháp và của điều tiết Nhà nước phải được thực tiễn kiểm nghiệm và được đánh giá bằng sự vận động cân đối và hiệu quả của các cặp quan hệ cân đối vĩ mô, mà quan trọng nhất là cặp cân đối Hàng – Tiền trong đời sống kinh tế – xã hội.
Nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đòi hỏi nhà nước chỉ nên đưa ra những quyết định nhằm phá vỡ các lực cản ảnh hưởng tới khả năng “tự điều chỉnh” hoặc điều chỉnh những hành vi thái quá của thị trường. Ngược lại, nếu nhà nước sa lầy trong việc mải mê soạn thảo và đưa ra hàng loạt các quyết định điều chỉnh với sự ngộ nhận rằng chúng là hết sức cần thiết cho thực tiễn, thì rất có thể nó đang mắc phải những cạm bẫy lạm phát nguy hiểm và có thể đưa nền kinh tế lâm vào tình trạng mà Chính phủ không mong muốn, thậm chí ngược lại với mục tiêu của chính sách điều chỉnh do nó đề ra (nhất là khi những phản ứng của các đối tượng điều chỉnh diễn ra không theo logic “chuẩn mực” như ở các nền kinh tế thị trường phát triển và chúng lại không được cân nhắc đầy đủ trong quá trình soạn thảo và thực thi chính sách của nhà nước).
Trong những nền kinh tế chuyển đổi, sự nghiệp cải cách chưa hề có tiền lệ lịch sử. Quá trình này là những bước thử nghiệm, thậm chí khá mò mẫm cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Do đó, hệ thống luật pháp cũng phải là một quá trình bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện không ngừng, để thích ứng với bối cảnh và trình độ phát triển mới của nền kinh tế, của nhận thức và năng lực hành vi của các chủ thể kinh tế, của người quản lý lẫn của các đối tượng quản lý mà luật pháp hướng tới. Song, cũng không thể lấy đó để gây “sốc về luật pháp”, cũng như để trì hoãn hay kéo dài quá trình xoá bỏ các khoảng trống, kẽ hở và bất cập của luật pháp – mảnh đất màu mỡ làm phát sinh và nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng với tất cả những tác hại tiêu cực nguy hiểm của chúng đối với đời sống kinh tế – xã hội nói chung, đến kiềm chế lạm phát nói riêng.
Một mặt, sự lạm dụng “liệu pháp sốc” (trong đó có sốc về luật pháp tức sự thay đổi quá nhanh, quá mạnh hệ thống luật) không được chuẩn bị về thời gian và không đồng bộ trong cải cách chuyển đổi sẽ làm xáo trộn, đổ vỡ mạnh mẽ và gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế – xã hội. Điều này là rõ ràng trong thực tiễn những năm 90 ở các nước Trung và Đông Âu và được giải thích bởi lý do khách quan: sức ỳ và quán tính vốn là bản chất của hình thái ý thức xã hội. Người ta không thể bỗng chốc thay đổi toàn bộ tư duy, ý thức, tâm lý, thói quen và lòng tin của một con người (huống chi đây lại là một chính phủ, một dân tộc, một quốc gia) chỉ “sau một đêm” và bằng một sắc lệnh hành chính, duy ý chí. Ngay cả khi người ta có thể tạo ra được lập tức sự đồng thuận cao và rộng rãi trong nước đi chăng nữa, cũng không thể nào một sớm một chiều người ta có thể thu nhận, tạo ra được các kỹ năng và cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện các hoạt động kinh tế – xã hội đầy phức tạp.
Mặt khác, một sự trì hoãn cải cách hoặc chỉ thực hiện cải cách hình thức, thiếu đồng bộ, cả trong thực tiễn lẫn trong luật pháp điều hành vĩ mô của nhà nước cùng với tệ nạn tham nhũng, sẽ làm giảm sút và mất lòng tin vào công cuộc chuyển đổi, vào chính phủ, làm tăng sự rối loạn xã hội và tình đoàn kết quốc gia, làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, làm giảm sút hiệu quả sử dụng, làm thất thoát và chệch hướng các nguồn lực vật chất cần thiết cho phát triển kinh tế. Khi đó, không chỉ khó kiềm chế được vững chắc lạm phát mà còn làm cho tác hại của lạm phát trở nên nặng nề và kéo dài hơn. Bởi vậy, chống tham nhũng và nâng cao năng lực quản lý đất nước của chính phủ bằng pháp luật trên cơ sở những yêu cầu của cơ chế thị trường phải được đặt ra như một bộ phận hợp thành trọng yếu của hệ thống chính sách chống lạm phát trong nền kinh tế chuyển đổi.
Lạm phát trong nền kinh tế chuyển đổi bao hàm trong nó cả những đặc tính của lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát lưu thông tiền tệ, lạm phát cơ cấu và cả những dấu ấn bởi tính chất hỗn mang, chưa hoàn thiện của các cải biến kinh tế – xã hội có tính cách mạng gây ra trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế chuyển đổi với những đặc trưng phổ biến đó.
Chính sách chống lạm phát, cũng như những cải cách thị trường ở các nền kinh tế chuyển đổi, cần nằm trong tổng thể, đồng bộ, nhất quán và triệt để. Song khi thực hiện cần có tính giai đoạn, cần tùy theo những mục tiêu kinh tế – xã hội ưu tiên trong những thời kỳ cụ thể của quá trình cải cách thị trường mà cân nhắc sử dụng những biện pháp chống lạm phát với những điều chỉnh cụ thể, linh hoạt cần thiết. Bảo đảm môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định và cởi mở, bảo đảm sự đoàn kết, ổn định trật tự xã hội, sự đồng bộ và ngày càng hoàn thiện cơ chế thị trường và tích cực giải quyết những hậu quả kinh tế – xã hội do chính sách chống lạm phát gây ra là điều kiện tối quan trọng để thực hiện thành công những cải cách thị trường và chống nguy cơ tái lạm phát trong tương lai.
Minh Phong