Làm sao thu được thuế kinh doanh online?
Thi nhau trốn thuế
Luật sư Trương Anh Tú |
Theo quy định, những cá nhân buôn bán trên mạng Internet có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1%. Thế nhưng, làm thế nào để xác định được các cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm để tiến hành thu thuế là chuyện không hề dễ dàng. Chẳng thế mới có chuyện một cá nhân kinh doanh online tại TP HCM định “trốn” 9,1 tỉ đồng tiền thuế. Theo Cục Thuế TP HCM, cá nhân này bắt đầu kinh doanh từ năm 2013 với doanh thu 120 triệu đồng, năm 2015 tăng lên 95 tỉ đồng và năm 2016 doanh thu lên đến 344 tỉ đồng.
Trước đây, cá nhân này lập một doanh nghiệp tại quận 10, nhưng hiện đã ngưng hoạt động. Sau đó, cá nhân này hoạt động dưới hình thức bán hàng online trên mạng Internet. Tài khoản cá nhân của cá nhân này có đến hơn 56.000 lượt theo dõi, thường xuyên livestream tư vấn cách chăm sóc da, sử dụng sản phẩm. Mỗi đoạn video được phát có đến hơn 20.000-30.000 lượt người xem. Không những bán trực tiếp, cá nhân này còn bán buôn cho hàng trăm đại lý trong và ngoài nước.
Sau khi xác minh làm rõ, Cục Thuế TP HCM đã tiến hành truy thu thuế, phạt hành vi khai sai và tính tiền chậm nộp tổng số 9,1 tỉ đồng. Hiện cá nhân này đã nộp số tiền trên vào ngân sách.
Tính đến tháng 9-2017, trên địa bàn TP HCM có 297 sàn giao dịch điện tử, 8.171 website bán hàng và 73 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Đối với mạng xã hội facebook, có 13.469 thành viên quảng bá sản phẩm, hoạt động thương mại điện tử. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 3.000 cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng xã hội đã có phản hồi với cơ quan thuế so với số lượng hơn 13.000 thư mời phát đến nhóm đối tượng này vào tháng 6-2017. |
Theo các chuyên gia, việc thu thuế với những người bán hàng trên mạng Internet (sử dụng tiền mặt để giao dịch) thì ngành thuế hầu như không thể làm được gì. Chỉ có hình thức bán hàng trên mạng, giao dịch qua ngân hàng mới có cơ sở để truy thu thuế. Bởi khi xác định được doanh thu của người bán hàng qua mạng thì ngành thuế phải phối hợp với ngân hàng để kiểm tra các giao dịch “bất thường”, số tiền giao dịch lớn. Khi có số liệu từ các giao dịch “bất thường” ngành thuế sẽ yêu cầu giải trình giao dịch. Nếu đúng là giao dịch bán hàng qua mạng Internet sẽ tiến hành làm rõ và truy thu thuế. Tuy nhiên, công tác phối hợp với ngành ngân hàng chỉ phù hợp với các giao dịch có số tiền lớn thực sự.
Giải pháp nào?
Theo Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú - đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thu thuế đối với cá nhân, tổ chức tiến hành kinh doanh trên mạng Internet. Bởi theo quy định tại Luật Quản lý Thuế thì “bất kỳ trường hợp nào kinh doanh tại Việt Nam đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước” - đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào.
Tại Khoản 7, Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử cũng nêu rõ trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử là phải: “Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 2 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, tất cả mọi trường hợp kinh doanh hàng hóa đều phải đăng ký kinh doanh, trừ một số trường hợp là “Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh”. Tuy nhiên, những đối tượng này vẫn phải nộp thuế môn bài.
Đã đến lúc ngành thuế cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị quản lý các trang mạng xã hội để nắm danh sách các website, các tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Phối hợp giữa ngành thuế với cơ quan công an đề nghị cung cấp cho cơ quan thuế các website thương mại có hoạt động kinh doanh chưa kê khai nộp thuế do cơ quan công an phát hiện để cơ quan thuế xử lý truy thu theo quy định…
Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa ngành thuế với ngân hàng để đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các cá nhân, tổ chức có kinh doanh trên mạng Internet. Ngành thuế cũng cần phối hợp với các nhà mạng và đại diện các mạng xã hội để quản lý, chặn tài khoản đối với những chủ tài khoản kinh doanh trên mạng có doanh số lớn nhưng không chấp hành các nghĩa vụ thuế. Khi bị đóng tài khoản cũ, việc lập tài khoản mới sẽ không dễ có ngay lượng khách như cũ. Do vậy, chặn tài khoản mạng xã hội là một biện pháp hiệu quả trong trường hợp này.
Tính đến tháng 11-2017, Cục Thuế TP HCM đã truy thu thuế bán hàng qua mạng Internet hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng 4,6 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp trên 2,5 tỉ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 12 triệu đồng. Tổng số tiền phạt và tiền chậm nộp là 128 triệu đồng. Cộng thêm số tiền 9,1 tỉ đồng vừa truy thu được thì Cục Thuế TP HCM mới chỉ thu được tổng cộng khoảng hơn 16 tỉ đồng. |
Xuân Hinh
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11