Lãi suất tiền gửi USD 0% tạo tác động tích cực
Chưa nên nâng trần lãi suất USD
Gần đây một số ý kiến lo ngại nguy cơ “chảy máu ngoại tệ” khi Việt Nam vẫn duy trì lãi suất 0% với tiền gửi USD, bởi việc gửi USD tại các ngân hàng Việt Nam không được hưởng lãi suất đã và đang tạo chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi suất cho tiền gửi USD trong nước và quốc tế, từ đó có thể kích thích sự chuyển dịch USD từ trong nước ra nước ngoài. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sự chuyển dịch không lớn và không tác động nhiều đến tỷ giá trên thị trường trong nước.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, trong bối cảnh tỷ giá VND/USD, kinh tế vĩ mô đang ổn định thì việc duy trì trần lãi suất tiền gửi USD 0% là hợp lý. TS.Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, chưa nên đặt ra vấn đề tăng lãi suất USD trong thời điểm hiện nay vì kinh tế vĩ mô đang ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng và đạt được mục tiêu. Sự thay đổi sẽ tác động đến nhiều yếu tố của chính sách tiền tệ và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, NHNN điều hành cần cân đối hài hòa các mục tiêu và hướng tới trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thanh khoản thị trường vẫn tốt, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục mua được ngoại tệ từ khách hàng. So với cuối năm 2016 thì tỷ giá tương đối ổn định (đến ngày 26/6, tỷ giá trung tâm tăng 1,23%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,13%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,09% so với cuối năm trước).
Ảnh minh hoạ. |
Một trong những nguyên nhân tỷ giá ổn định, theo các chuyên gia, là nhờ cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN áp dụng từ hơn một năm nay, theo đó, đã giảm thiểu những tác động từ thị trường thế giới. Ngoài ra, nguồn dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ USD cũng góp phần ổn định tỷ giá khi NHNN sử dụng nguồn dự trữ này để điều chỉnh thị trường.
Ngoài ra, tỷ giá ổn định còn do chính sách về trần lãi suất tiền gửi USD. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong năm 2017, Fed đã tăng 2 lần lãi suất mục tiêu (vào các ngày 15/3 và 14/6/2017), mỗi lần tăng thêm 25 điểm phần trăm, lên mức hiện tại là 1-1,25%, theo đúng kì vọng của thị trường và được dự báo tiếp tục nâng lãi suất thêm 1 lần trong năm 2017. Trong bối cảnh đó, quy định về trần lãi suất tiền gửi USD được NHNN kết hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt và các giải pháp thị trường ngoại tệ đã góp phần ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Được biết, vừa qua, NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, giữ ổn định lãi suất thị trường mở và trần huy động VND, cùng với các chính sách về trần lãi suất tiền gửi USD và tỷ giá nêu trên đã tiếp tục kiên trì thực hiện chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ thông qua việc đảm bảo mức độ hấp dẫn của nắm giữ VND so với nắm giữ USD.
Có điều kiện giảm lãi vay
Việc NHNN kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi USD 0% cũng góp phần giảm lượng USD găm giữ, người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển sang nắm giữ VND nhiều hơn. Đồng thời, lãi suất tiền gửi USD không hấp dẫn cũng sẽ tạo điều kiện để tiền gửi VND sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận định, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% góp phần rất nhiều trong việc chống đôla hóa trên thị trường, làm cho người dân, doanh nghiệp không có xu hướng nắm giữ USD mà có xu hướng bán ra, từ đó tăng nguồn cung USD trên thị trường, góp phần bình ổn tỷ giá.
Ông Linh nhấn mạnh: “Việc bình ổn tỷ giá , giữ ổn định đồng Việt Nam là mục tiêu quan trọng, củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam, tiếp tục tăng nguồn cung đôla trong tương lai”.
Ông Linh cũng cho rằng, so với lãi suất USD tại Mỹ, lãi suất VND vẫn hấp dẫn hơn. Do đó, việc gửi tiết kiệm VND có lợi hơn nắm giữ USD.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) phân tích, nếu NHNN vẫn kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%, đồng thời đảm bảo sự ổn định của tỷ giá VND/USD, nhiều người nắm giữ USD sẽ nản lòng, lượng USD găm giữ trong nền kinh tế sẽ giảm dần (điều này đang diễn ra), người dân và doanh nghiệp sẽ nắm giữ VND nhiều hơn, với kỳ hạn dài hơn để gửi vào các NHTM, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Khi lãi suất cho vay VND giảm về mức hợp lý, tín dụng bằng VND sẽ tăng và nhu cầu vay bằng ngoại tệ cũng sẽ giảm theo.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, nếu NHNN nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD, hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ sẽ có thêm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi đó tình trạng găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp cũng sẽ khó giảm nhanh và lãi suất huy động cũng như cho vay VND sẽ càng khó giảm hơn
Hơn nữa, với lãi suất USD thấp, doanh nghiệp có điều kiện vay ngoại tệ với lãi suất hấp dẫn.
"Việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% hỗ trợ tốt cho những doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ thu về, cụ thể là doanh nghiệp xuất khẩu, khi họ vay USD được hưởng lãi suất hấp dẫn. Với lãi suất huy động USD thấp, các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lãi suất vay USD thấp, lãi suất vay USD ngắn hạn hiện phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm thấp hơn hẳn so với vay bằng VND cùng kỳ hạn. Với lãi suất USD thấp thì hỗ trợ cho doanh nghiệp vay, từ đó doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành sản xuất" - ông Nguyễn Đức Hùng Linh khẳng định.
Phương Linh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4