Lá cờ nhuộm bằng máu, được bảo vệ hơn cả tính mạng
Tại Bảo tàng Quân khu 4 (TP Vinh, Nghệ An) đang lưu giữ, trưng bày nhiều lá cờ. Mỗi lá cờ là một câu chuyện đặc biệt, một thành tích trong chiến đấu, học tập, lao động, sản xuất của mỗi đơn vị, tập thể, cá nhân, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành - Trợ lý trưng bày, Bảo tàng Quân khu 4 - lá cờ là biểu trưng tập hợp trong hoạt động của lực lượng vũ trang nói riêng và đối với quần chúng nhân dân nói chung. Lá cờ hiện diện trong tất cả các hoạt động có sự hiệp đồng và liên kết tập thể.
"Lá cờ không chỉ mang hình ảnh hiệu triệu, tập trung đoàn kết mà lá cờ còn lá tín hiệu, hiệu lệnh, là biểu trưng của một thông điệp chính trị, mang giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, có ý nghĩa là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử nhất định", Thiếu tá Hoành nói.
Lá cờ này do các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà tù Biên Hòa (Đồng Nai) làm vào năm 1970. Cờ được may từ vỏ bao đựng bột mì, sao vàng do các tù binh nữ khâu bằng tay từ 3 mảnh vải áo lót. Màu đỏ của cờ được nhuộm từ máu và thuốc đỏ, sao vàng nhuộm bằng thuốc chống phù nề. Lá cờ là biểu tượng của ý chí bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày.
Lá cờ được sử dụng lần đầu tiên vào dịp kỷ niệm 1 năm ngày mất của Bác Hồ. Cờ được cất giấu và phân công bảo vệ nghiêm ngặt trước sự tra xét của bọn quản ngục. Mỗi tổ giữ cờ gồm 3 người, sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ.
Năm 1973, khi biết thông tin mình sẽ được trao trả, chiến sĩ Hoàng Văn Cờ (SN 1944, quê xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) lấy đá rạch vào đùi cho chảy máu rồi cuộn tròn lá cờ quanh chỗ vết thương để lọt qua sự khám xét của kẻ thù.
Tháng 3/1973, tại Sông Thạch Hãn (Quảng Trị), chiến sĩ Hoàng Văn Cờ trao lại lá cờ cho ban tiếp nhận tù binh giải phóng. Hiện lá cờ được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4.
Đây là lá cờ Đảng được sử dụng trong các buổi lễ kết nạp đảng viên tại Phân đội Độc Lập 1 (Trung đoàn 176, Quân khu 4) cho đơn vị và cả khi Trung đoàn 176 thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, từ năm 1978.
Trong điều kiện khu vực biên giới hiểm trở, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Chính trị viên phó Phân đội Độc Lập 1, có sáng kiến dùng vải cắt hình búa liềm đè lên tấm vải phin trắng sau đó may lại theo hình đã có sẵn trở thành cờ Đảng (nếu đúng quy cách là búa liềm phải màu vàng). Mỗi chiều lá cờ được ước tính theo quy cách hình chữ nhật với chiều dài 80x50cm, màu búa liềm được nhuộm từ lá và nhựa cây rừng nên chỉ lên màu nâu.
Tính từ năm 1978 đến 1983, Chi bộ Phân đội Độc Lập 1 đã sử dụng lá cờ này tổ chức kết nạp hơn 30 đảng viên tại hai xã Pac Xan, Na Ương (nước bạn Lào), góp phần củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn ngày càng vững mạnh ở khu vực biên giới giáp Thái Lan.
Lá Quốc kỳ được các lực lượng vũ trang sử dụng khi tham gia chiếm đóng các vị trí đồn địch hoặc giải phóng một khu vực. Khi Quốc kỳ được kéo lên có nghĩa là nhiệm vụ đã hoàn thành, trận đánh giành chiến thắng.
Với ý nghĩa lớn lao trong tập hợp lực lượng, cổ vũ tinh thần, khích lệ chiến đấu, lá cờ được bảo vệ, gìn giữ hết sức cẩn thận.
Một lá cờ dày đặc chữ ký của cán bộ, chiến sĩ, thể hiện quyết tâm vượt hiểm nguy, gian khổ giành thắng lợi trước khi vào trận đánh.
Ngoài cờ Tổ quốc, Đảng kỳ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cờ lệnh được sử dụng nhiều trong các đơn vị quân đội, đặc biệt là đơn vị pháo phòng không.
"Cờ lệnh là biểu trưng cho tín hiệu tập hợp lực lượng. Theo quy định, cờ lệnh có hình tam giác, màu đỏ, tuy nhiên, trong điều kiện chiến tranh, các đơn vị có thể "sáng tạo" cờ lệnh với tất cả màu sắc, chất liệu và có thể không đúng về hình thức, hình dạng, kích cỡ. Có lá cờ được làm từ mảnh khăn, nhiều mảnh áo vá lại...
Dù hình dạng, màu sắc, kích cỡ khác nhau nhưng đều mang chung một ý nghĩa, thể hiện hiệu lệnh và hiệp đồng chiến đấu trong đơn vị", Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành cho hay.
Trong các đơn vị pháo phòng không, khi bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thì lá cờ đó trở thành chứng nhân cho chiến công, thành tích của đơn vị chiến đấu được thêu trên cờ. Trong ảnh là lá cờ lệnh của Đại đội 22, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 222, bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.900 trên bầu trời miền Bắc (tại huyện Đô Lương, Nghệ An), ngày 15/7/1967.
Trong hình là cờ chỉ huy của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, Sư đoàn 325. Trong ngày 18/11/1964, anh hùng Nguyễn Viết Xuân đã chỉ huy đồng đội bắn rơi 3 máy bay Mỹ trên tuyến đường Đông Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Bình.
Cờ thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động, học tập...., bởi vậy, cờ thưởng là biểu trưng chiến công và là niềm tự hào, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ trong các đợt thi đua lập công.
Bộ sưu tập cờ thưởng đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 là cờ thưởng của Hồ Chủ tịch tặng các đơn vị lập công xuất sắc trong phong trào "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Lá cờ thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam tặng Chi đoàn 141 - Bộ đội phòng không đã chiến đấu anh dũng hạ máy bay Mỹ trong trận đầu (ngày 5/8/1964).
Lá cờ này trở thành niềm tự hào của cả đơn vị, được mang theo trong các trận đánh sau đó. Trên lá cờ vẫn còn vết máu của người lính giữ cờ.
Lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do người dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm bằng giấy màu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ vĩ tuyến 17 trở vào, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là biểu tượng có ý nghĩa đặc biệt về chủ quyền lãnh thổ và là biểu tượng của niềm tin về thống nhất non sông.
Mô hình tái hiện hình ảnh cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên kỳ đài Huế, ngày 26/3/1975. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng giành thắng lợi đã tạo bước đà trực tiếp cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Dân trí
Kỳ diệu loại đá đỏ dùng làm lá cờ Tổ quốc trong Lăng Bác Hồ |
Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc |
Hành trình may cờ Tổ quốc trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử |
-
Đưa Tết đến nhà giàn DKI
-
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới
-
Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng
-
Tiếp nối truyền thống, 55 năm hành trình giữ biển
-
Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (9/7/1966 - 9/7/2021): Xứng danh anh hùng