Kỳ VI: Cần chiến lược cho đất hiếm Việt Nam
“Cuộc chiến” đất hiếm ngày càng nóng hơn bao giờ hết, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là chất bán dẫn.
Những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, trong đó có Việt Nam. |
Nóng cuộc đua đất hiếm
Đất hiếm là tên gọi của một loại khoáng sản tập hợp 17 nguyên tố hóa học có giá trị cực kỳ quan trọng và là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong lĩnh vực công nghệ cao như: điện thoại thông minh, máy tính, ô tô, động cơ máy móc, tuabin gió, thiết bị y tế,…
Đất hiếm đã được sử dụng từ nửa cuối thế kỷ 19. Nhưng chỉ đến khi loài người nhận thấy tương lai của xe điện, tính khách quan của nền công nghiệp năng lượng “sạch” và nền kinh tế công nghệ siêu cấp do chất bán dẫn “điều khiển” mới có thể thúc đẩy nhu cầu đất hiếm lên mức chưa từng thấy.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 73% các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong các ngành công nghiệp đã phổ biến, bao gồm thủy tinh, gốm sứ và luyện kim; 27% còn lại được sử dụng để sản xuất nam châm mới, là thành phần thiết yếu trong xe điện (EV).
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo đến năm 2030 toàn cầu có 125 triệu chiếc xe điện, mỗi chiếc cần 1-2kg nam châm làm từ đất hiếm. Do vậy, nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.
Nhưng không cần đợi quá lâu! Ngay từ năm 2020, “cuộc chiến” đất hiếm Mỹ - Trung Quốc phả sức “nóng” lên trật tự thế giới. Bắc Kinh đã siết chặt xuất khẩu đất hiếm để trả đũa đòn đánh thương mại, công nghệ từ Washington. Trung Quốc từng làm như vậy với Nhật Bản hồi năm 2010 vì tranh chấp lãnh thổ.
Năm 1992, ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”. Ngày nay, tính kinh tế và chính trị của đất hiếm không thể bàn cãi. Doanh số thương mại mỗi năm khoảng 10 tỷ USD nhưng đất hiếm tạo ra ngành công nghiệp đẳng cấp trên 7.000 tỷ USD.
Nhiều liên minh an ninh khoáng sản đa quốc gia hình thành với tham vọng làm chủ chuỗi cung ứng đất hiếm do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu, rót hàng tỷ USD vào các quốc gia Nam Mỹ, Bắc Phi. Các nước sở hữu khoáng sản này có khả năng trở thành “chiến địa” giành giật đất hiếm giữa các cường quốc.
Việt Nam cần tối ưu hóa lợi thế
Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ ước tính trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới vào khoảng 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sở hữu 44 triệu tấn, 22 triệu tấn ở Brazil, 18 triệu tấn ở Nga. Tại Việt Nam, trữ lượng đất hiếm vào khoảng 20 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố kinh tế có tính chất thời đại, đất hiếm bị vướng vào cuộc cạnh tranh địa chính trị. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quý hiếm này ở Việt Nam cần đảm bảo hai mục đích.
Thứ nhất, nên cẩn trọng với vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái và chống thất thoát. Giá trị thị trường đất hiếm hiện nay 800 USD/tấn và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian ngắn, mục tiêu mỗi năm khai thác 2 triệu tấn mang về cho Việt Nam nguồn thu không hề nhỏ.
Theo Viện khoa học Mỏ - Luyện kim, khai thác đất hiếm có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao, đặc biệt là phơi nhiễm kim loại nặng và chất phóng xạ. Tại Trung Quốc, 150 triệu dân vùng châu thổ sông Hoàng Hà bị đe dọa bởi ô nhiễm nguồn nước. Tỷ lệ người bị mắc bệnh hiểm nghèo tăng mạnh, xóa sổ gần hết khu dân cư 2.000 dân tại Quảng Đông. Do vậy, Việt Nam nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích kinh tế và hệ lụy môi trường, yêu cầu suất đầu tư tái tạo không nhỏ.
Thứ hai, bài học với dầu mỏ, than, sắt, đồng, vàng… là nhãn tiền. Về cơ bản, Việt Nam có nguy cơ bị cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên trong khi chưa hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, chưa làm chủ được các ngành công nghiệp luyện kim màu như mục tiêu đề ra, do tình trạng khai thác ồ ạt, chủ yếu bán thô gây lãng phí.
Lần này, đất hiếm là cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ trở thành nền kinh tế xanh, công nghiệp công nghệ cao 4.0. Điều này đặt ra yêu cầu khai thác, chế biến và sử dụng bài bản, khoa học đối với đất hiếm, làm bệ đỡ trợ năng cho ngành công nghiệp xe điện và năng lượng xanh, đặc biệt để thu hút đầu tư vào công nghệ bán dẫn.
Sử dụng đất hiếm một cách khôn ngoan còn giúp Việt Nam gia tăng vị thế trên bản đồ kinh tế - chính trị quốc tế; thu hút nhà đầu tư chất lượng cao, cũng là tiền đề bảo vệ và xây dựng đất nước trong bối cảnh mới.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Kỳ I: Ai đang dẫn đầu cuộc chơi? |
-
Quá trình chuyển dịch năng lượng của Trung Quốc đang ở đâu?
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?