Kỳ IV: Ông Joe Biden có thể đẩy thế giới vào cuộc chiến tranh lớn
Ông Joe Biden đọc lời tuyên thệ của Tổng thống Mỹ dưới sự hướng dẫn của Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts trong buổi lễ nhậm chức tại Đồi Capitol, Thủ đô Washington, ngày 20-1-2021_Ảnh: AP |
Cuộc khủng hoảng mô hình chủ nghĩa tư bản đang đẩy nước Mỹ đứng trước sự lựa chọn giữa 2 mô hình phát triển. Một là, mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính dựa trên cơ sở Hiệp định Bretton Woods do Mỹ và 40 quốc gia ký kết vào năm 1944. Theo Hiệp định Bretton Woods, đồng USD được bảo đảm bằng vàng và trở thành đồng tiền dùng chung cho tất cả các nước trên thế giới. Kể từ đó, USD được gọi là “đô la vàng”, đưa nước Mỹ từ vị thế cường quốc công nghiệp số 1 thế giới giữa thế kỷ XX trở thành siêu cường tư bản tài chính số 1 thế giới.
Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản tài chính Mỹ đã lâm vào khủng hoảng lần đầu vào năm 1970 do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, khiến nền kinh tế Mỹ chìm đắm trong nợ nần và không còn giữ được vị thế quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới. Để thoát khỏi khủng hoảng, Mỹ quyết định từ bỏ bản vị vàng của USD và chuyển sang bản dầu mỏ. Kể từ năm 1972, USD còn được gọi là “Pertrodollar” (“đô la dầu mỏ”).
Năm 2008, chủ nghĩa tư bản tài chính Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng lần thứ hai. Từ năm 2009, nhiều quốc gia bắt đầu từ chối sử dụng USD làm vai trò trung gian để thanh toán thương mại song phương. Đi đầu xu hướng này là Trung Quốc. Từ đó, nước Mỹ đứng trước thách thức có ý nghĩa lịch sử: bằng cách nào tiếp tục duy trì vị thế của USD như là đồng tiền chung của thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama - người của Đảng Dân chủ - chủ trương cứu chủ nghĩa tư bản tài chính Mỹ sau khi bước vào Nhà Trắng năm 2009 bằng học thuyết mang tên ông, Học thuyết Obama.
Học thuyết này dựa trên trụ cột chính là tạo dựng và duy trì không gian kinh tế - tài chính rộng lớn do Mỹ kiểm soát ở 2 khu vực lớn nhất thế giới là châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu - Đại Tây Dương. Để hình thành không gian này, Mỹ đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đầu tư - thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Với 2 hiệp định này, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì “không gian sinh tồn” của đồng USD trên phạm vi toàn cầu và tiếp tục duy trì quá trình toàn cầu hóa theo hướng “Mỹ hóa thế giới”. Năm 2015, sau khi TPP hoàn tất đàm phán, Tổng thống B. Obama tuyên bố: “với TPP, Mỹ sẽ viết luật chơi cho cả thế giới chứ không phải Trung Quốc”.
Cuộc khủng hoảng bùng phát từ năm 2008 làm suy yếu vị thế của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh trước sự cạnh tranh của Trung Quốc - đã trở thành quốc gia có nền kinh tế chiếm vị trí thứ 2 trên thế giới và nước Nga đã lấy lại vị thế cường quốc. Cả Trung Quốc và Nga đều chủ trương không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo và sẽ xây dựng trật tự thế giới đa cực. Do đó, mục tiêu của Tổng thống B. Obama là ra sức củng cố và duy trì vị thế của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực. Tuy nhiên, sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền (2008 - 2016), ông B. Obama không thể đưa Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống.
Trong bối cảnh đó, xuất hiện ứng cử viên Donald Trump - một tỷ phú không thuộc hệ thống chính trị của Mỹ - trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên D. Trump tuyên bố, lần này các cử tri Mỹ không đơn thuần thực hiện thủ tục 4 năm 1 lần mà là bầu chọn cho một sự lựa chọn lịch sử của nước Mỹ. Hoặc là tiếp tục đưa nước Mỹ tiếp tục phát triển theo con đường cũ, hay là lựa chọn con đường phát triển có thể đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống.
Đại diện cho các thế lực lựa chọn con đường cũ là ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Còn sự lựa chọn khác là đưa nước Mỹ quay trở lại con đường của chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đại diện cho các thế lực của chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong điều kiện mới là ứng cử viên D. Trump chủ trương “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và đưa nước Mỹ một lần nữa trở thành cường quốc công nghiệp số 1 thế giới như đã giành được trong thế kỷ XX.
Để đưa nước Mỹ trở thành cường cuốc công nghiệp, Donald Trump đưa ra chủ trương “Sản xuất tại Mỹ” (Made In America), “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” (Americans use American goods), “Các công ty Mỹ sử dụng nhân công Mỹ” (American companies employ American workers). Như vậy, việc nước Mỹ bầu chọn ứng cử viên D. Trump cũng chính là bầu chọn con đường phát triển chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong thời đại mới.
Chính vì thế, sau khi nhậm chức, Tổng thống D. Trump đã có những quyết sách hoàn toàn trái với người tiền nhiệm B. Obama, trong đó có quyết định tuyên chiến thương mại với Trung Quốc và cả Liên minh châu Âu (EU), đưa Mỹ rút khỏi TPP và Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Rút khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống D. Trump đã đưa Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ số 1 thế giới.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, ứng cử viên Joe Biden chủ trương đưa nước Mỹ tiếp tục phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính của cựu Tổng thống B. Obama. Chính vì thế, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã phơi bày toàn bộ bản chất cuộc khủng hoảng hệ thống mà nước Mỹ đang lâm vào.
Sau khi ông Joe Biden thắng cử, những thế lực cổ súy cho quá trình “Mỹ hóa thế giới” nhanh chóng khôi phục tất cả các cấu trúc quản trị siêu quốc gia đã bị Tổng thống D. Trump phá bỏ trong nhiệm kỳ đầu, tạo điều kiện cho các công ty xuyên quốc gia và những tập đoàn tài chính kiểm soát nền kinh tế và chính trị thế giới. Trong đó, cỗ máy in tiền dưới sự bảo trợ của tổ chức siêu quyền lực là Cục Dự trữ liên bang (FED) tiếp tục tung ra thị trường thế giới khối lượng USD gần như không giới hạn, đồng thời Washington sẽ phát huy vai trò “cảnh sát toàn cầu” và sẵn sàng trừng phạt những ai dám thách thức vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ.
Theo truyền thống lịch sử hàng trăm năm của Mỹ, có một phương thức được biết đến từ lâu để đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng là phát động chiến tranh. Năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilsone - người của Đảng Dân chủ - đưa Mỹ nhảy vào tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau cuộc chiến này, nước Mỹ từ con nợ trở thành chủ nợ của các tập đoàn tài phiệt châu Âu.
Trong những năm 30 của thế kỷ XX, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Franklin Roosevelt (cũng là người của Đảng Dân chủ), các tập đoàn tài phiệt Mỹ tài trợ cho Đức Quốc xã của A. Hitler xây dựng bộ máy quân sự để phát động Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cuộc chiến này không chỉ đưa Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái, mà còn trở thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới.
Cũng chính Tổng thống Mỹ Harry Truman - người của Đảng Dân chủ - ra lệnh ném bom nguyên tử vào Nhật Bản trong tháng 8-1945 và phát động cuộc chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950. Năm 1946, Tổng thống H. Truman phát động Chiến tranh lạnh. Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson - người của Đảng Dân chủ - phát động chiến tranh Việt Nam vào năm 1965, trong đó Mỹ sử dụng số bom đạn nhiều hơn trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thậm chí sử dụng cả vũ khí hóa học với quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại thành phố Qamishli, tỉnh Hasakeh, Đông Bắc Syria_Ảnh: AFP |
Năm 1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton - người của Đảng Dân chủ - phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư - một cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama - người của Đảng Dân chủ - gây ra cuộc chiến tranh Libya và tuyên bố phát động chiến tranh Syria. Năm 2014, chính quyền của Tổng thống B. Obama gây ra cuộc đảo chính ở Ukraina, biến quốc gia này thành tiền đồn để chuẩn bị chiến tranh với Nga.
Sở dĩ các đời tổng thống của Đảng Dân chủ thường hiếu chiến hơn so với người của Đảng Cộng hòa là do đứng đằng sau Đảng Dân chủ là các tập đoàn tài phiệt xuyên quốc gia theo đuổi tham vọng giành được siêu lợi nhuận từ chiến tranh. Còn đứng đằng sau Đảng Cộng hòa là các tập đoàn công nghiệp và dầu mỏ thường đi theo chủ nghĩa thực dụng và theo đuổi lợi ích thực tế.
Nhìn từ logic truyền thống, chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 làm gia tăng khả năng Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu. Theo Joe Biden, một cuộc chiến tranh với Nga không chỉ sẽ có tác động đoàn kết nước Mỹ và lấp “hố đen” trong nền kinh tế và chính trị Mỹ. Do đó, Joe Biden đắc cử tiềm ẩn nguy cơ rất cao Mỹ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh nóng cục bộ ở châu Âu, tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh thế giới.
Thực tế lịch sử này không có nghĩa là Đảng Cộng hòa “yêu hòa bình” hơn Đảng Dân chủ. Thí dụ, Tổng thống Mỹ G. H. Bush - người của Đảng Cộng hòa - phát động chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Tổng thống Mỹ G. W. Bush - người của Đảng Cộng hòa - phát động chiến tranh Afghanistan năm 2001 và chiến tranh Iraq năm 2003. |
(Còn nữa)
Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng Sản
-
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Biden bất ngờ tuyên bố từ bỏ cuộc đua, "trao ngọn đuốc" cho người mới, phản ứng của ông Trump
-
Kỳ VI: Trật tự thế giới đơn cực sụp đổ là tất yếu
-
Kỳ III: Ông Joe Biden và cuộc bầu cử phức tạp, kịch tính nhất lịch sử
-
Kỳ II: Tổng thống Franklin Roosevelt - nhân vật trung tâm trong các sự kiện có ý nghĩa thời đại
-
Kỳ I: Tổng thống Woodrow Wilson và sự sắp đặt bởi “nhà nước ngầm”
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ