Chuyên gia: Nâng cấp quan hệ đánh dấu độ chín của quan hệ Việt - Mỹ
Sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tại cuộc hội đàm vào chiều 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng việc Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phủ Chủ tịch, chiều 10/9 (Ảnh: Mạnh Quân). |
Nhận định về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện thể hiện mối quan hệ giữa hai nước đã đến độ chín muồi ở nhiều khía cạnh và cần phải có cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của mối quan hệ này.
"Ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ không chỉ giới hạn trong hợp tác sâu rộng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và văn hóa, mà còn hướng đến tầm nhìn chiến lược lâu dài, củng cố lòng tin lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Điều này hết sức cần thiết cho việc Mỹ và Việt Nam có thể tin tưởng hợp tác trong các lĩnh vực thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà Mỹ đang dẫn dắt", ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, nếu nhìn từ góc độ Việt Nam, việc nâng cấp mối quan hệ với cường quốc kinh tế và sáng tạo công nghệ số 1 thế giới như Mỹ cũng hết sức cần thiết cho chiến lược hiện đại hóa, công nghiệp hóa, cũng như phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
"Nếu nhìn rộng ra, tầm quan trọng của việc nâng cấp mối quan hệ song phương Việt - Mỹ không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam và Mỹ mà còn đối với hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, đây còn có thể là hình mẫu cho các cặp quan hệ có thể vượt qua những khó khăn trong quá khứ để có thể cùng vun đắp cho ổn định, phát triển và phồn vinh của hai dân tộc và trên toàn thế giới", ông Trung nói.
Về lý do thúc đẩy Mỹ và Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm này, ông Trung nhấn mạnh đây là thời điểm hai nước đánh dấu 10 năm thiết lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện.
"Một thập niên trôi qua và hai nước đã cùng chứng kiến sự phát triển của mối quan hệ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Hai nước đã cùng hưởng lợi từ mối quan hệ đó và thời gian qua cũng là khoảng thời gian tương đối đủ dài để hai bên hiểu rằng cơ hội sẽ không dễ dàng quay lại sớm nếu hai bên không nâng cấp mối quan hệ trong năm 2023", ông Trung nhận định.
Theo ông Trung, đây là thời điểm đầy ý nghĩa cho cả hai bên. Đây là "thời điểm đẹp" trước năm bận rộn bầu cử của nước Mỹ vào năm sau 2024.
Còn đối với Việt Nam, năm 2023 cũng là năm bản lề của Việt Nam trước đại hội Đảng lần thứ XIV vào năm 2026. Ngoài ra, thời điểm này cũng là giai đoạn mà khu vực và thế giới chứng kiến nhiều sự chuyển biến nhanh chóng, do đó hai bên hiểu rằng cần phải có cách nhìn chủ động đối với quan hệ quốc tế.
Thạc sĩ Hoàng Việt (Đại học Luật TP HCM) cũng cho rằng việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện mang ý nghĩa quan trọng. Điều này còn mang ý nghĩa nhiều hơn khi đặt trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm tới Việt Nam.
Ông Việt nhắc lại rằng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định đây là "chuyến thăm lịch sử", trong khi báo chí Mỹ đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam là sự kiện mang dấu ấn lớn nhất từ trước đến nay trong quan hệ Việt - Mỹ.
"Việt Nam và Mỹ từng là cựu thù và trải qua quá khứ đau thương, đến bây giờ, hai nước đã trở thành đối tác quan trọng. Việc nâng cấp quan hệ cho thấy hai quốc gia đã có mức độ cam kết mạnh mẽ và sâu rộng.
Điều này cũng cho thấy lòng tin của hai bên rất lớn. Rõ ràng, hai nước đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng mối quan hệ mới và phát triển trong tương lai, mang lại thịnh vượng cho cả hai bên", ông Việt nhận định.
Theo ông Việt, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, hai quốc gia từng là cựu thù trở nên mạnh mẽ và sâu rộng như hôm nay, thể hiện rõ đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại.
Nhận định về thời điểm nâng cấp quan hệ, ông Việt cho rằng năm nay là năm thứ 10 Mỹ và Việt Nam xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện và có rất nhiều kỳ vọng về việc hai nước cần có bước tiến mới, sau khi đạt được nhiều thành tựu lớn trong một thập niên qua.
Ông Việt cho rằng, đây cũng là thời điểm nâng cấp quan hệ vì Việt Nam và Mỹ đã tìm được nhiều điểm chung hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, Việt Nam và Mỹ gặp nhau ở nhiều điểm và cả hai bên cùng có lợi.
"Đây là thời điểm tuyệt vời kể cả trong bối cảnh 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện cũng như tình hình thế giới và khu vực. Đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên tầm cao hơn", ông Việt nhấn mạnh.
Phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các thành viên hai nước tham dự cuộc hội đàm tại Văn phòng Trung ương Đảng vào chiều 10/9 (Ảnh: Hữu Khoa). |
Chuyên gia Nguyễn Thành Trung cho rằng, có nhiều điểm đáng chú ý trong Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, bao gồm việc mở rộng quan hệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, công nghệ, năng lượng sạch... Đây là những khía cạnh hết sức thiết yếu cho sự phát triển, phồn vinh của Việt Nam cũng như của Mỹ trong thời gian tới.
"Theo tôi, với tư cách là nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, điểm đáng chú ý chính là tuyên bố Quan hệ Đối tác Chiến lượng Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Cụm từ tóm gọn có 3 ý này hết sức quan trọng vì đây là mục tiêu cốt lõi cho mối quan hệ bền chặt, lâu dài và tin tưởng lẫn nhau. Tôi cho rằng cụm từ này đã đặt nền tảng cho các hợp tác cụ thể thiết thực giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực sau đó", ông Trung cho biết thêm.
Theo ông Trung, hai nước sẽ có nhiều hiệp định, chính sách cụ thể hơn trong thời gian tới để hiện thực hóa tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo. Các cấp làm việc của hai nước sẽ tiếp tục làm việc tích cực để đưa kết quả của việc nâng cấp mối quan hệ tới người dân của hai nước.
Các chính sách còn mang tính hạn chế việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ, lao động, đi lại, giao lưu hay đầu tư giữa nhân dân hai nước cần được xem xét trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, ông Trung cũng cho rằng những hoạt động tăng cường sự hiểu biết, hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, hay giáo dục văn hóa giữa hai quốc gia sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.
Chuyên gia Hoàng Việt nhận định, việc nâng cấp quan hệ sẽ mở ra cho Mỹ và Việt Nam không gian mới để hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo ông Việt, Việt Nam cần phát triển về hạ tầng cơ sở, trong khi Mỹ có nhiều nhà đầu tư có thế mạnh trong lĩnh vực này, hơn nữa công nghệ của Mỹ rất hiện đại, có thể giúp Việt Nam phát triển. Trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ phía Mỹ.
Trong lĩnh vực kinh tế xanh, đặc biệt trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao ít gây ảnh hưởng môi trường, Việt Nam đang mong chờ các nhà đầu tư từ phía Mỹ.
Ông Việt chỉ ra rằng, trong việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, Mỹ cần các đối tác để phát triển công nghệ cao và Việt Nam có thể là một trong những đối tác của Mỹ. Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Việt Nam hồi tháng 4, hàng loạt doanh nghiệp đã tới Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam cần tiếp cận công nghệ quản lý hiện đại và nguồn vốn từ Mỹ. Có nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Mỹ là quốc gia có tiềm năng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên cần được tiếp cận và chuyển giao từ phía Mỹ. Như vậy, hai bên có thể cùng hỗ trợ nhau phát triển.
"Việc nâng cấp quan hệ mở ra cho hai bên không gian mới để có sự phát triển mạnh mẽ hơn, thậm chí phát triển bùng nổ về kinh tế, thương mại, đầu tư trong thời gian tới", ông Việt nhấn mạnh.
Theo Dân trí
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện