Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Kỳ diệu em bé chào đời ở độ cao 10.000 mét

09:52 | 10/03/2016

533 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 4/3, lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra trường hợp sản phụ sinh con trên máy bay, ở độ cao 10.000 m. Ca sinh nở hy hữu này đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên của mẹ con sản phụ và ê-kíp đỡ đẻ “bất đắc dĩ”.
ky dieu em be chao doi o do cao 10000 met
Chị Nga hạnh phúc bên con nhỏ

Sản phụ trong ca sinh đặc biệt này là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (26 tuổi, quê  xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Theo lời chị Nga kể, trước khi từ tỉnh Bình Dương về quê để chuẩn bị sinh con, chị đã đi siêu âm tại một cơ sở y tế ở tỉnh Bình Dương. Kết quả siêu âm cho thấy, thai 30 tuần tuổi, dự sinh vào ngày 26/3.

Ngày 4/3, vợ chồng chị đưa nhau về Quảng Nam để chuẩn bị cho việc sinh nở. Vì chị Nga mang thai, lại có thêm còn nhỏ đi về cùng nên vợ chồng chị quyết định về quê bằng máy bay. Họ đăng ký chuyến bay BL590 của hãng Jetstar Pacific, khởi hành tại TP.HCM đi Đà Nẵng vào lúc 14h55 phút ngày 4/3.

Khi máy bay cất cánh được 30 phút, chị Nga cảm thấy đau bụng. Càng lúc, dấu hiệu chuyển dạ càng rõ rệt. Ban đầu, chị Nga nghĩ, có thể về đến Đà Nẵng mới sinh, bởi nước ối chảy ra ít. Vả lại, khi chị sinh đứa con đầu lòng, từ khi chuyển dạ đến khi sinh phải mất 2 tiếng đồng hồ nên chị hy vọng lần này cũng thế.

Tuy nhiên, càng lúc chị Nga càng không chịu nổi bởi cơn đau đẻ mỗi lúc một dữ dội. Sau đó, chị vỡ ối lần thứ hai. Đến lần này, chị Nga và chồng là anh Dương Văn Bảo Phúc (22 tuổi, quê thị xã Tân Châu, An Giang) hốt hoảng thật sự. Anh Bảo liền tìm một nữ tiếp viên và cầu cứu: “Chị ơi, vợ em vỡ ối rồi”. Chỉ vừa nghe thế, tiếp viên Trần Thị Huệ (43 tuổi) hốt hoảng, bởi chưa bao giờ chị gặp trường hợp này. Bấy giờ là 15h25 phút.

ky dieu em be chao doi o do cao 10000 met
Em bé chào đời trên máy bay

Việc đầu tiên, chị Huệ yêu cầu anh Bảo đưa hồ sơ khám thai của sản phụ cho chị xem. Khi nhìn kết quả siêu âm thai vào ngày 4/3 là 30 tuần tuổi, mặt chị Huệ càng biến sắc. Bởi, nếu thai 30 tuần tuổi mà sản phụ sinh thì đây là sinh non. Sinh trên máy bay đã là chuyện chưa từng có, lại sinh non thì bất trắc biết chừng nào. Lúc này, không chỉ riêng chị Huệ mà cả phi hành đoàn và hành khách trên máy bay ai nấy đều lo lắng.

Chị Huệ liền trao đổi với cơ trưởng Nguyễn Xuân Đăng và cơ phó Mark Norris Woodroffe với hy vọng máy bay kịp đáp xuống trước khi sản phụ sinh. Tuy nhiên, cơ trưởng và cơ phó trả lời, 40 phút nữa mới hạ cánh. Trong khi đó, sản phụ không thể chờ thêm được nữa...

Xác định không thể chần chờ được nữa, chị Huệ phát thông báo kêu gọi sự hỗ trợ của hành khách trên máy bay, nhất là những ai làm nghề y. Rất may mắn, trên chuyến bay này có một nữ bác sĩ người nước ngoài, tên là Sutton Flona Julia. Nữ bác sĩ đồng ý tham gia ca đỡ đẻ ở độ cao 10.000 m trong điều kiện cơ sở y tế không được đầy đủ.

Ngay lập tức, chị Huệ và các đồng nghiệp dỡ các gác tay dãy ghế chị Nga ngồi, trải tấm ni lông để Nga nằm lên. Các trang thiết bị y tế hỗ trợ trên máy bay được mang đến để sẵn sàng cho ca đẻ. Bác sĩ Sutton Flona Julia trực tiếp đỡ đẻ cùng với sự giúp đỡ của ê-kíp là chị Thomas Maud (tiếp viên hãng Air France) cùng các tiếp viên Đỗ Thành Nhân, Hoàng Thanh Sơn và Nguyễn Thị Yến. Tất cả mọi người trên chuyến bay, từ phi hành đoàn đến hành khách, đều căng thẳng, hồi hộp.

Vừa thực hiện nhiệm vụ đột xuất của mình, bác sĩ Sutton Flona Julia vừa nhẹ nhàng mỉm cười cùng với động viên sản phụ Nga yên tâm, hít thở sâu. Chị Nga kể: “Có tiếp viên phiên dịch, chứ em không hiểu được bác sĩ người nước ngoài đó nói gì. Nhưng khuôn mặt bác sĩ rất hiền lành, thân thiện và luôn nhẹ nhàng, động viên em. Lúc đầu em rất lo lắng, nhưng sau đó nhìn thấy bác sĩ ấy rất bình tĩnh nên em cũng yên tâm”.

Trên máy bay, cả trăm hành khách đều nín lặng. Trong lúc bác sĩ Sutton Flona Julia và nhóm ê-kip làm việc, cơ trưởng Nguyễn Xuân Đăng và cơ phó Mark Norris Woodroffe liên lạc với bộ phận chuyên trách mặt đất sân bay Đà Nẵng để điều động bác sĩ và xe cứu thương.

Đến 16 giờ 5 phút, một bé trai kháu khỉnh chào đời. Khi tiếng khóc của em bé vang lên, toàn bộ mọi người trên máy bay vỗ tay reo hò. Trước đó im lặng, căng thẳng bao nhiêu thì bấy giờ, không khí lại rộn ràng, vui tươi bấy nhiêu.

Để an toàn cho mẹ và con, bác sĩ Sutton Flona Julia không cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh. Còn sản phụ Nga được hỗ trợ thở ô xy. 10 phút sau đó, máy bay hạ cánh, sản phụ Nga cùng con trai được khẩn trương đưa đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Tại đây, cháu bé được các bác sĩ cắt dây rốn và chăm sóc tích cực. Chị Nga cho biết, con trai chị sau khi vào bệnh viện cân nặng 2,7 kg.

Theo tìm hiểu được biết, nữ bác sĩ Fiona Sutton Julia là bác sĩ chuyên khoa nhi tại Anh. Sau khi đỡ đẻ cho sản phụ Nga, nữ bác sĩ này đã thổ lộ, đó là lần đầu tiên cô giúp một phụ nữ sinh con trên máy bay. Điều duy nhất mà cô nghĩ lúc đó là, làm thế nào để giữ an toàn cho cả mẹ lẫn con. Bác sĩ Fiona Sutton Julia còn có lời khen ngợi sản phụ Nga đáng yêu, giữ được bình tĩnh trong lúc khó khăn.

Ca sinh thành công đã mang lại hạnh phúc vô tận cho vợ chồng chị Nga. Để ghi nhớ khoảnh khắc không thể nào quên này, vợ chồng chị Nga đặt tên cho con là Jetstar. “Vợ chồng chúng tôi rất biết ơn hãng hàng không Jetstar Pacific, phi hành đoàn, nữ bác sĩ nước ngoài và các hành khách đã hỗ trợ, động viên chúng tôi vượt can”, chị Nga nói.

Theo đại diện lãnh đạo hãng Jetstar Pacific, đây là trường hợp hy hữu đầu tiên tại Việt Nam sinh nở ở độ cao 10.000 mét được hỗ trợ thành công. Sự tận tâm, ân cần của bác sĩ Sutton Flona Julia và kỹ năng sơ cứu trên máy bay của các tiếp viên hàng không đã mang lại giây phút tuyệt vời cho gia đình sản phụ và hành khách.

Hoàng Kính