Kỳ 2: Khu chợ không yên bình
Kỳ 1: Hành trình tìm về ký ức |
Đi chợ cũng lắm công phu
Chúng tôi lượn quanh Chợ đồ xưa Vạn Phúc mấy tiếng đồng hồ thì anh bạn đồng hành cùng tôi mới chia sẻ rằng anh đi chợ này nhiều lần rồi, ngoài thăm thú ra còn để tìm mua 2 chiếc vòng bằng đá phong thuỷ làm quà tặng cho người thân.
Tuy nhiên, các mặt hàng buôn bán ở chợ chủ yếu là những món đồ cũ, đã ngưng sản xuất nên nhiều khi tìm rất khó, một số món đồ hiếm chỉ độc một hai gian hàng là có. Vì thế, khách đến mua nếu may mắn có thể tìm thấy ngay món đồ mình cần, còn xui xẻo có khi lóc cóc mất nhiều buổi, đặt hàng trước cũng không tìm thấy đồ đúng ý.
Lưu đốt Trầm Kê được đúc thủ công bằng đồng cao cấp, chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ. |
Sau một buổi chiều rong ruổi khắp các ki-ốt tại chợ đồ cũ, chúng tôi dừng lại tại một quầy hàng nhỏ chuyên bán đồ trang sức. Các loại phụ kiện như nhẫn đeo tay, vòng cổ, vòng tay, kính mắt và các loại đá tự nhiên dùng để chế tác trang sức được xếp ngay ngắn trên tấm vải đỏ trải trên nền đất sơ sài.
Chủ hàng ngồi vắt chân trên chiếc ghế nhựa màu xanh, liếc nhìn chúng tôi một cái rồi lại quay sang tiếp tục mải mê chốt giá với một vài vị khách lạ, mặc cho chúng tôi tự xem hàng.
Đảo qua đảo lại một lúc, may mắn thay, ở gian hàng này chúng tôi đã phát hiện những chiếc vòng đá phong thuỷ mà người bạn đồng hành của tôi đang tìm mua. Sau một hồi xem xét kỹ lưỡng, chỉ thấy anh bạn của tôi ngồi xổm xuống, lấy hai chiếc vòng phong thuỷ màu xanh ngọc gõ nhẹ vào nhau. Sau đó không cần phải suy nghĩ gì thêm, anh chủ động trả giá với ông chủ và thành công mua được 2 chiếc vòng ưng ý mà không cần tốn thời gian mặc cả. Chủ hàng còn hào phóng tặng anh thêm một chiếc hộp không rõ thương hiệu nhưng trông rất sang trọng để đựng 2 chiếc vòng ngọc bích.
Bộ sưu tập tiền Việt xưa phong phú, hiện thân cho những giai đoạn lịch sử của nước nhà. |
Tôi có thắc mắc hỏi sao anh chốt được giá nhanh thế mà còn rẻ nữa. Anh cười bảo: “Cậu thấy tôi cầm 2 chiếc vòng gõ vào nhau không? Khi nghe cái tiếng “keng” phát ra, từ âm thanh đó ta có thể biết được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật và nhận biết được chất liệu làm nên chiếc vòng”.
Sau khi mua được 2 chiếc vòng đúng ý, anh bạn đồng hành của tôi vui vẻ trông thấy, hào hứng kể cho tôi nghe về việc sẽ dành tặng món quà đặc biệt này cho mẹ và vợ của anh. Vui mồm, anh “cấp thêm thông tin” cho tôi rằng, vòng đá màu xanh lá sẽ tương hợp với những người mệnh mộc, thủy. Đây là màu sắc của thiên nhiên, tượng trưng cho sự cân bằng, phát triển, sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Vì vậy các cụ, các bà lớn tuổi quan niệm rằng chiếc vòng còn có thể mang lại cho chủ nhân của nó sự an toàn, một cơ thể căng tràn sức sống cùng và khoẻ khoắn trong tâm hồn.
Qua những chia sẻ của anh, tôi thầm nghĩ nếu đến khu chợ đồ xưa với tâm thế là “thợ săn đồ” thì ắt hẳn cần nhất phải trang bị thêm kiến thức về món đồ mình định mua để tránh mua phải hàng giả và có thể định giá được vật phẩm. Người không có kiến thức chắc chắn sẽ bị các gian thương lừa mua phải hàng kém chất lượng hoặc thét một mức giá trên trời.
Những chiếc “bẫy” vô hình
Trong những gian hàng mà chúng tôi đã đi qua, đan xen giữa các món đồ cũ còn có cả những mặt hàng mà chủ sạp lập lờ bảo là đồ “cổ”. Những món đồ này mang đường nét hoa văn tinh xảo hoặc biểu tượng đặc biệt được chạm trổ tinh tế như những con cóc phong thủy, những bộ lư đồng có trang trí cả kỳ lân, nghê, toan… Có vài món đồ đồng, còn lên mốc xanh, mốc đỏ, đen xì như được chôn dưới đất từ rất lâu rồi.
Con cóc đồng hàng nhái gắn mác "đồ cổ", bẫy người mua. |
Chúng tôi nghe một số khách hàng lớn tuổi kháo nhau, những món đồ gốm, sứ, đồng cũ được bày bán ở đây không chỉ đơn thuần là vật dụng sinh hoạt của người xưa, mà thông qua những hình vẽ trên đó, ta phần nào hình dung được cả những vấn đề văn hoá, của từng giai đoạn lịch sử. Như chuyện con kỳ lân của Trung Quốc khác và giống con nghê của Việt Nam như thế nào, vì sao người nghệ nhân đúc đồng nước ta lại làm như vậy. Hay những đồ đồng giả cổ, cố tình chôn dưới đất cho lên mốc sẽ có những đặc điểm gì, tay nghề đúc đồng, chạm bạc thời xưa khác thời nay như thế nào…
Do đó, đã có không ít chuyên gia tìm đến chợ đồ xưa Vạn Phúc để săn lùng các món đồ cổ, mỗi người lại có một vài mẹo thử hàng khác nhau. Sự kết hợp giữa kiến thức lịch sự, những “chiêu” thẩm hàng từ các bậc tiền bối như cách “nghe, ngửi, nhìn, sờ nắn…" khiến chúng tôi như lạc vào cả một thế giới khác.
Vị khách tay chơi đồ độc tỉ mẩn, mân mê đồng xu bạc cổ quý hiếm. |
Đến cuối chợ đồ xưa khúc giáp với đường Tố Hữu, khi đi ngang qua một cửa hàng khá nhỏ bán tiền cổ, đồ trang sức, chúng tôi nghe được tiếng ồn ào nên dừng chân. Một vị khách với ngoại hình khá bặm trợn, xăm xanh xăm đỏ khắp người đang cầm một đồng xu to như cái đĩa con trên tay, vừa ướm thử vào ngực mình vừa “quát” vào mặt chủ quán: “Em kết con này rồi, anh cứ phát giá đê!”. Ông chủ sạp thì mồm vừa oang oang giới thiệu rằng đây là một đồng tiền cổ vô cùng quý giá, “cả thế giới chỉ có vài chục đồng” nên chỉ cho khách xem chứ không bán… còn tay thì cứ thò ra chực lấy lại đồng tiền.
Hai người giằng co, giở đủ mọi thứ ngôn ngữ chợ búa nhưng không bên nào nhường bên nào. Đang đứng xem náo nhiệt, tôi giật mình vì chợt thấy án ngữ tại cửa sạp, ngay cạnh mình có 2 anh chàng cao to, mắt thì lom lom, hai tay giấu sau lưng che hai cái baton (loại gậy 3 khúc bằng titan).
Dường như tay chơi đam mê đồ độc kia cũng biết chuyện không dễ ép mua nên sau một hồi nài nỉ bất thành, dù hậm hực cũng đành trả lại đồng xu ra về.
Hóa ra ở cái khu chợ bán đồ đồng nát này không bình yên như vẻ bề ngoài. Bên cạnh hệ thống camera được giăng khắp nơi là cả một đám bảo vệ ngầm luôn đề phòng những vụ cướp, giật hay cố tình gây chuyện.
Cửa hàng thập cẩm, đủ loại đồ gỗ, đồ đồng, cũ mới đan xen, thật giả lẫn lộn. |
Bầu trời dần chuyển màu báo hiệu kết thúc một buổi chiều thăm thú, chúng tôi xách đồ ra về. Trên đường từ cổng chợ ra bãi gửi xe, tôi và người bạn đồng hành nhiều lần ngoái lại nhìn khu chợ với ánh mắt tràn đầy sự tiếc nuối. Tiếc cho những câu chuyện vẫn còn đang dang dở, tiếc những cung đường còn chưa kịp đi hết.
Tôi chợt nhận ra rằng cái khu chợ đồ cũ, xập xệ chẳng ra kiểu gì kia đã từ lúc nào có một sức hút đến kỳ lạ. Từ tò mò, thích thú, rồi vô tình “nhặt” được những mảnh vụn ký ức của mình để từ đó đắm chìm trong sự hoài niệm. Tuy nhiên, khu chợ tưởng chừng như yên bình, dung dị này vẫn chứa đựng những góc tối, những cạm bẫy vô hình, thật giả khó đoán. Vì vậy mọi người mỗi khi đặt chân đến khu chợ đồ cũ này với tâm thế là người mua hàng phải rất cẩn trọng, khéo tiền mất tật mang.
Công - Đức