Kinh tế Việt Nam: Sức đề kháng kém
Khoa học và công nghệ là đầu tàu kéo kinh tế Việt Nam tăng trưởng |
Cần ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách |
“Bất định” là từ khóa
Tại Hội nghị Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp được Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 15/5, nhận định chung về tình hình kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế cho rằng “bất định” là từ khóa chung của nền kinh tế hiện nay, không thể nào định đoán được tương lai như thế nào, đặc biệt là trước diễn biến rất căng thẳng, phức tạp của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc cùng những bất đồng chính trị giữa các phe phái trên thế giới đang tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội nghị Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp |
Với “sức đề kháng” được cho là dễ bị tổn thương vì thực lực của các doanh nghiệp trong nước thực tế là yếu, có tới 95% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ (dưới 20 người) không có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nền tảng công nghệ 4.0 chưa cho thấy dấu hiệu của công nghiệp hóa… nên nền kinh tế Việt Nam, dù đạt được những thành tựu đáng kể trong thời gian qua song theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chắc chắn sẽ chịu tác động từ những biến động của kinh tế thế giới.
Ông Lực nói: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, những điểm tích cực đáng ghi nhận là kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả tăng trưởng tích cực với mức tăng trưởng bình quân 6,53%/năm; năm 2019-2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo ở mức 6,6- 6,8%. Đồng thời, ổn định vĩ mô ngày càng được củng cố, thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng gần 6%/năm trong 8 năm qua. Tuy nhiên, nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, tồn tại, làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế”.
Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Lực nêu thống kê của các báo cáo kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất khu vực, chỉ cao hơn Bangladesh, Campuchia, Myanmar. Hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Năng lực cạnh tranh có tiến bộ trong 5 năm qua nhưng chỉ là tiến bộ về các trụ cột cơ bản, có tính quy mô như quy mô thị trường (mức bình quân nằm trong top 23% các nền kinh tế có xếp hạng cao nhất), hiệu quả thị trường lao động..., trong khi các trụ cột thuộc nhóm gia tăng hiệu suất như mức độ tinh thông trong hoạt động kinh doanh, hiệu quả thị trường hàng hóa…, ít có sự cải thiện, thậm chí giảm sút.
Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến tích cực, xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI… Nhưng nội tại đáng nói nhất trong nền kinh tế Việt Nam theo chuyên gia Cấn Văn Lực chính là tiềm ẩn rủi ro đối với một số cán cân vĩ mô vì khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế còn thấp, như nợ công, nợ nước ngoài còn ở mức cao và luôn có nguy cơ chạm trần giới hạn của Quốc hội.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh
Nội tại của kinh tế Việt Nam còn nhiều tồn tại |
Để tăng khả năng chống chịu cũng như ổn định kinh tế, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng Chính phủ, các bộ ngành cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến căng thẳng thương mại, địa chính trị thế giới và xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời đối với các rủi ro từ bên ngoài. Chủ động đa dạng hóa quan hệ thương mại - đầu tư với các thị trường mới song song với việc duy trì và thúc đẩy mối quan hệ với các thị trường truyền thống; tập trung cải cách nội tại và chú trọng thị trường trong nước, đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh nhằm tăng khả năng thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại và giá cả; xây dựng kịch bản điều hành giá; theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Đồng thời cần thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế; chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, tạo đòn bẩy cho phát triển…
Tú Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc
-
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?