Không nên dung dưỡng những ý đồ xấu xa!
Tôi chưa có cơ hội để dính dáng đến tín dụng tiêu dùng, kể cả “tín dụng đen” hay tín dụng của các tổ chức chính thức được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, tôi đã từng có người thân bị hành hạ đến dở sống dở chết bởi “tín dụng đen” và những người bạn hớn hở khi được hưởng thụ dịch vụ cho vay trả góp của các tổ chức tài chính hợp pháp.
Ai cũng biết rằng, cả hai hình thức tín dụng này, nếu xét về khía cạnh xã hội, đều có tính hai mặt của nó.
Về “tín dụng đen” thì nhiều chuyên gia đã phân tích, kể cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong xã hội hiện tại. Do nhu cầu bức thiết trong cuộc sống của nhiều người dân có thu nhập thấp ở khu vực đô thị, ven đô; khu vực nông thôn, nơi phần lớn người dân ở trong diện “dưới chuẩn” cho vay của các ngân hàng..., “tín dụng đen” đã mặc sức hoành hành. “Tín dụng đen” vốn là tín dụng “ngầm” ở thị trường phi chính thức nên cả người đi vay và cho vay đều không xuất hiện, nên việc cơ quan pháp luật phát hiện và xử lý là rất khó khăn.
Mặc dù vậy, theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát, từ năm 2010 đến hết năm 2014, liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn từ “tín dụng đen” với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Liên quan tới nó là hơn 6.000 vụ việc, trong đó 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ…
Ai đọc đến những dòng thông tin này mà không khỏi lo sợ khi thị trường “ngầm” này phát triển?
Về tín dụng tiêu dùng thì ích lợi của nó cho xã hội đã không phải bàn cãi. Theo phân tích của các chuyên gia, có 3 nhóm ích lợi cốt yếu:
Thứ nhất, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận các gói vay tín chấp, nhất là nhóm thu nhập thấp, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời cũng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính, giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, tạo nền tảng để các nhóm khách hàng này sử dụng những dịch vụ khác của ngân hàng.
Thứ hai, cho vay tiêu dùng là một công cụ quan trọng kích cầu mua sắm và hỗ trợ tốt cho các kênh kinh doanh hàng hóa, từ đó duy trì sự ổn định sản lượng và tạo cơ hội việc làm cho nhiều người, gián tiếp đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế.
Thứ ba, khi các dịch vụ tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh, mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm đối tượng, nhất là nhóm thu nhập thấp thì cũng đồng thời làm giảm mạnh nhu cầu vay tín dụng phi chính thức mà thường được gọi là “tín dụng đen”, góp phần ổn định đời sống xã hội, ngăn chặn từ xa những vụ việc đáng tiếc với mỗi gia đình.
Ấy là mặt được, còn những mặt cần phải đề phòng thì sao?
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tâm lý của người tiêu dùng khi sử dụng thẻ tín dụng, sử dụng các khoản vay để chi tiêu thì họ thường chi tiêu nhiều hơn so với việc họ sử dụng tiền mặt để chi tiêu. Thêm vào đó, trong bối cảnh triển vọng kinh tế phát triển tích cực làm cho người dân lạc quan thái quá về dòng tiền trong tương lai, và vì vậy, sẵn sàng tham gia nhiều chương trình vay mượn tiêu dùng khác nhau vượt quá khả năng chi trả của chính họ.
Trong giai đoạn 1998-2002, tỷ trọng dư nợ hộ gia đình trên tổng thu nhập khả dụng ở Hàn Quốc tăng liên tục từ 38% lên đến 63,4% và đây là nguyên nhân tạo ra khủng hoảng thẻ tín dụng ở Hàn Quốc năm 2002. Tương tự, khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn xảy ra ở Mỹ thì tỷ lệ nợ hộ gia đình trên tổng thu nhập khả dụng là 133%. Tức là thu nhập của một hộ gia đình Mỹ trong một năm không chi tiêu bất kỳ một đồng nào cũng không đủ để trả nợ! Mà ở Việt Nam, người đi vay chủ yếu là người tuổi trẻ, ít kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Họ không có đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro trong các khoản vay và rất dễ sa vào các bẫy nợ nần.
Mặt khác nữa là cần đề phòng sự cạnh tranh không lành mạnh trong văn hóa và đạo đức hành xử giữa các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng này.
Ít ngày vừa qua, tôi được đọc nhiều bài báo khá nặng nề về các tổ chức cho vay tiêu dùng như: Home Credit, FE Credit, HD Saison… về việc bị tố là “cho vay lãi suất cao”, và “quấy rối khách hàng” khi thu hồi công nợ.
Tìm hiểu ra mới thấy ví như FE Credit mấy năm qua, sự phát triển cực kỳ ấn tượng, chiếm đến trên 50% thị phần trong thị trường này với khoảng 7 triệu khách hàng. Nếu ai đã từng nếm trải sự dữ dằn, bất chấp pháp luật, từ cướp đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí kể cả cướp đi sinh mạng..., của “tín dụng đen” sẽ thấy 7 triệu con người kia may mắn như thế nào và việc Nhà nước khuyến khích phát triển tín dụng tiêu dùng đúng đắn đến mức nào.
Về vấn đề “cho vay lãi suất cao” hơn bình thường so với lãi vay của ngân hàng thì dễ giải thích rồi, miễn là không có sự cưỡng bức và hai bên có hợp đồng minh bạch và tự nguyện thỏa thuận với nhau, có lẽ không cần bàn ở đây.
Còn về vấn đề “quấy rối khách hàng”, tôi tin rằng trong 2.500 nhân viên của FE Credit không phải tất cả đều chuẩn chỉ trong văn hóa ứng xử với khách hàng như những quy định chặt chẽ và nghiêm khắc của nội bộ. Tôi cũng tin rằng một số ví dụ về những lời nói có phần khiếm nhã, dọa nạt... của một vài nhân viên thu hồi công nợ của FE Credit, mà báo chí nêu lên là có thật. Tôi cũng tin rằng FE Credit không bao giờ dung thứ cho những lỗi lầm ấy của nhân viên một khi thương hiệu của mình đang dẫn đầu.
Tuy nhiên, tôi đặc biệt mong rằng trong sự việc này cần có cái nhìn công bằng, bởi nếu không rất dễ dẫn đến một xu thế dung dưỡng cho những ý đồ xấu xa rất không nên phát triển trong lĩnh vực này, thí dụ như sự thiếu nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sự chây ỳ trong nghĩa vụ trả nợ, sự ghen tỵ trong cạnh tranh...
Cho nên, theo tôi, sự xin lỗi và sửa sai những sai sót của nhân viên trong vụ việc này là cần thiết và sự phát triển tín dụng tiêu dùng để chống lại “tín dụng đen” cần phải khẳng định.
“Có thể nói, hoạt động tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng cũng quan trọng không kém gì so với ngân hàng. Không những thế, nó còn có vai trò rất lớn. Bởi lẽ, lâu nay người dân vẫn rất khó tiếp cận vốn ngân hàng nên nhiều người sa vào bẫy “tín dụng đen”. TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh |
Nguyễn Long Vân
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?