Không kèn trống đón Obama, thật là thất lễ!
Sau 71 năm dựa vào nhau thống trị Trung Đông, liên minh Mỹ và Arập Xê út đang rạn nứt nghiêm trọng.
Trước chuyến thăm Arập Xê út, ngày 16/4, đài truyền hình CNN đưa tin Arập Xê út dọa sẽ phát mãi những tài sản của Mỹ có tổng trị giá 750 tỷ USD nếu Tổng thống Obama chấp thuận dự luật của Quốc hội Mỹ về việc đưa chính phủ Arập Xê út ra tòa án Mỹ về tội có liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Kể từ 15 năm nay, vai trò của Arập Xê út trong loạt tấn công khủng bố 11/9 chưa bao giờ được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, người ta biết rằng Oussama Ben Laden, thủ lĩnh Al-Qaida, là người gốc Arập Xê út, cũng như 15 trong số 19 không tặc tham gia các cuộc tấn công này.
Nhà Trắng đã rất nỗ lực trong những tuần gần đây để điều luật về vai trò của Arập Xê út không được đưa ra trước Quốc hội Mỹ, nhưng cuộc tranh luận về chủ đề này vẫn còn chưa chấm dứt. Trên thực tế, nếu dự luật này được chấp thuận thì nó sẽ cho phép thu giữ các tài khoản ngân hàng và các tài sản khác của Arập Xê út có mặt trên lãnh thổ Mỹ. Vì vậy, nếu mối đe dọa như vậy thực sự xảy ra, Riyadh sẽ bán tháo các tài sản này, bao gồm cả trái phiếu kho bạc Mỹ.
Bản báo cáo dài 28 trang của một ủy ban điều tra Mỹ hiện thời vẫn còn được giữ bí mật. Phần tài liệu này phải chăng chứa đựng những yếu tố cho thấy vai trò của Arập Xê út? Quan điểm của Nhà Trắng là cần ưu tiên con đường ngoại giao hơn là đưa vụ việc ra tòa. Nhưng những cam kết đó của chính quyền Obama không làm Riyadh thực sự an tâm, bởi lẽ ông Obama chỉ còn làm tổng thống vài tháng nữa.
Chuyến thăm Arập Xê út lần thứ tư và cũng là chuyến thăm cuối cùng của ông Obama cương vị tổng thống. Đài truyền hình RT của Nga còn có cả một phóng sự so sánh những lần Arập Xê út tiếp ông Obama trước đó với lần này. Khác với những chuyến thăm trước đó, lãnh đạo Arập Xê út đón ông chủ Nhà Trắng tại Riyadh với ánh mắt ngờ vực và những nụ cười ẩn chứa nghi kỵ. Còn đài BBC thì đưa kết quả khảo sát cho thấy người Arập Xê út xem Tổng thống Obama là hiện thân sống động cho nỗi thất vọng của họ về chính quyền Mỹ hiện nay. Họ đã ngước nhìn trông ngóng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ để biết được tên của người kế nhiệm ông Obama.
Gắn bó bằng sự liên kết đặc biệt trong suốt 7 thập kỷ qua, tình bạn khăng khít Mỹ - Arập Xê út đang rạn nứt dần theo thời gian. Chính Tổng thống Obama mới là người "gây nên chuyện" sau những phát biểu thẳng thừng rằng Arập Xê út cần "chia sẻ tình hàng xóm" với Iran được đăng tải trên ấn bản tháng 4 của tạp chí The Atlantic. Làn sóng bất bình nổi lên từ giới truyền thông Arập Xê út đến các ngôi nhà dát vàng tráng lệ của những hoàng thân, quốc thích tại vương quốc dầu lửa. Tại một đất nước tự coi mình là người hùng của dòng Hồi giáo Sunni, lời yêu cầu phải chung sống hòa bình và chia sẻ Trung Đông với kẻ thù truyền kiếp Iran vốn là "ngọn cờ đầu" của dòng Hồi giáo Shiite là rất khó chấp nhận. Những lời nói được xem đã đánh thẳng vào những giá trị tạo nên nền tảng quyền lực của gia đình Saud càng khía sâu thêm nỗi thất vọng của Arập Xê út đối với chính sách của Mỹ tại khu vực.
Trong khi Washington ca ngợi thỏa thuận hạt nhân với Tehran như là một thành tựu ngoại giao đột phá thì Riyadh sống trong cảm giác bị đồng minh thân thiết "chơi một vố đau". Với một văn bản giúp "cởi trói" Iran bước ra thế giới, tiến lên một vị thế cao hơn, quan trọng hơn trên vũ đài chính trị khu vực mà Arập Xê út từng giữ vị trí thống soái, Riyadh bắt đầu cảm nhận được sự "xoay trục về Iran" của Washington. Chính sách này càng trở nên rõ ràng sau lời kêu gọi chia sẻ quyền lực giữa hai đối thủ của ông Obama cũng như những hàm ý ám chỉ rằng quốc gia vùng Vịnh kích động sự xung đột bè phái tại Syria, Yemen, Iraq giữa lúc Riyadh từng không ít lần bất bình trước sự do dự của Mỹ trong việc lật đổ Chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad thân Iran ở Syria.
Căng thẳng giữa Washington và các đồng minh Arập gia tăng vì cách biệt trong cách ứng phó trong khu vực. Mỹ thúc đẩy tập trung nhiều hơn tới giải pháp chính trị và cải cách dân chủ, giảm bớt xung đột giáo phái đặc biệt tại các nước như Yemen và Syria nơi lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực dù vẫn còn mong manh. Tuy nhiên, một số quốc gia vùng Vịnh như Arập Xê út xem bạo động giáo phái là mối đe dọa an ninh hàng đầu và tỏ ra hoài nghi về cái nhìn của Mỹ trong vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là về điều mà họ cho là các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Iran.
Các quan chức cấp cao của Arập Xê út từng khẳng định rõ ràng, mối quan hệ với Mỹ sẽ chỉ cải thiện sau khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ ngày 20/4, Tổng thống Obama và Quốc vương Salman đã tái khẳng định tình hữu nghị lịch sử và đối tác chiến lược sâu sắc giữa hai bên. Lãnh đạo hai nước cũng đã thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến tình hình ở Yemen, Syria, Iraq và Liban. Như thế cũng đủ phát đi tín hiệu rằng Mỹ vẫn xem mối quan hệ với Arập Xê út như là một trụ cột chủ chốt và bất biến cho sự ổn định tại khu vực Trung Đông cũng như bảo đảm những lợi ích của Mỹ tại vùng đất chiến lược này. Cho đến nay, mặc dù Mỹ là nhà bảo trợ an ninh cho Arập Xê út nhưng quốc gia này cũng là một khách hàng hào phóng và tiềm năng của các ngành công nghiệp vũ khí Mỹ. Các chuyên gia nhận định quan hệ Mỹ - Arập Xê út dù biến động nhưng sẽ không sụp đổ. Đó là do cả 2 bên vẫn cần sự hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, theo giới chức Riyadh, Mỹ không nên xa lánh họ bởi vì Washington rất cần sự hỗ trợ của Arập Xê út để đánh bại hai tổ chức khủng bố là IS và al Qaeda.
H.Phan
Theo AFP. AP, Reuters, CNN
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam