Khơi thông “mạch máu” logistics Việt Nam
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: 5 nhiệm vụ trọng tâm
Phát triển dịch vụ logistics nói chung, nguồn nhân lực logistics nói riêng, không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công Thương mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Có một số nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần lưu ý triển khai thực hiện trong thời gian tới:
Một là, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan sớm cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics.
Hai là, Bộ Công Thương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam để không bỏ lỡ các cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh các nước đang phục hồi mạnh mẽ sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Ba là, tận dụng và khai thác có hiệu quả quá trình chuyển đổi số để phát triển dịch vụ logistics trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bốn là, phát huy tối đa nguồn nhân lực với vai trò là trung tâm, chủ thể của sự phát triển logistics bền vững.
Năm là, chú trọng thúc đẩy liên kết và mở rộng hợp tác quốc tế có hiệu quả về dịch vụ logistics và đào tạo nhân lực logistics.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Logistics là thị trường tiềm năng
Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, có thể phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho lĩnh vực dịch vụ logistics, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỉ USD năm 2010 lên 543,9 tỉ USD tỉ USD năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tăng bình quân khoảng 14%/năm, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế nước ta. Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, xuất nhập khẩu vẫn tăng 2 chữ số. 11 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt 599 tỉ USD, tăng mạnh 22,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,7 tỉ USD, tăng 17,5% và nhập khẩu đạt 299,5 tỉ USD, tăng 27,5%.
Có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các thương hiệu lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, Kuehne + Nagel...
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... chưa cao nên hiệu quả thấp.
Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam Nguyễn Thanh Chương: Nhân lực quyết định năng lực cạnh tranh
Hiện nay, lĩnh vực logistics chỉ có khoảng 200.000 nhân sự chuyên nghiệp. Có tới 30% doanh nghiệp logistics phải đào tạo lại nhân viên.
Việt Nam đang có các chương trình đào tạo logistics ngắn hạn như: Đào tạo kiến thức logistics tổng quan hoặc nghiệp vụ, tác nghiệp logistics chuyên biệt; đào tạo toàn diện về chuỗi dịch vụ logistics; đào tạo chứng chỉ của các tổ chức quốc tế.
Hiện Việt Nam có 936 trường cao đẳng, trung cấp, trong đó có 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp đào tạo về logistics; chỉ tiêu tuyển sinh là 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp.
Về trình độ đại học và sau đại học về logistics, các trường đại học Việt Nam đào tạo chuyên ngành liên quan thuộc 7 mã ngành gồm: Kinh doanh quốc tế; Quản lý công nghiệp; Kinh tế quốc tế; Quản trị kinh doanh; Khai thác vận tải; Khoa học hàng hải và Kinh tế vận tải. Hiện chỉ có Trường Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Nhân lực cao, chuyên nghiệp sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Chính phủ cần xem xét dành một khoản kinh phí hợp lý cho đào tạo chuyên sâu về dịch vụ logistics.
Thị trường logistics Việt Nam hiện đang có trên 30.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống chiếm 59,02%; doanh nghiệp kho bãi, hỗ trợ vận tải chiếm 33,26%; doanh nghiệp vận tải đường thủy chiếm 5,27%, vận tải hàng không chiếm 0,02%; doanh nghiệp bưu chính chuyển phát chiếm 2,34%. |
Theo Báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39 trên 160 quốc gia và đứng thứ 3 trong ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016. Năm 2021, theo Bộ Công Thương, chỉ số LPI của Việt Nam tăng nhẹ, đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm năm 2018. |
Thành Công
-
Cơ chế giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận
-
3.000 người chạy bộ gây quỹ cho người nghèo
-
Hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng cước vận tải container tăng
-
Tin tức kinh tế ngày 21/1: Trung Quốc xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam
-
Giá cước vận tải biển tăng gấp đôi, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?
-
Giải pháp phát triển các giống cây đậu tương trong tương lai
-
Hướng tới đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
-
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Đánh giá 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí
-
Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN