Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khổ vì… được nhận từ thiện

07:30 | 26/05/2016

575 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay có một hiện tượng là cứ đến mùa lũ lụt, hạn hán hoặc lễ tết, thì tấp nập người “share” (chia sẻ) thông tin về việc quyên góp từ thiện trên mạng xã hội. Đa phần là do những cá nhân hoặc một tổ chức thiện nguyện phi chính phủ. Thế nhưng cũng chỉ sau chừng đôi tháng, những thông tin như “từ thiện vô nghĩa” và “từ thiện lừa đảo”, “thất vọng từ thiện”… cũng xuất hiện đầy rẫy trên báo chí và mạng xã hội.

Ỡm ờ từ thiện

Không cần phải lên vùng cao, ngay tại Hà Nội cũng có nơi mà người dân tại đó khốn khổ vì các đoàn từ thiện. Thậm chí, sau khi một đoàn từ thiện rời đi thì căn nhà của người dân tại đây bị hư hỏng khá nặng, khiến cho cuộc sống thường ngày vì thế mà đảo lộn không ít.

kho vi duoc nhan tu thien
Chị Trần Phương Hoa

Đi từ ga Long Biên, qua một chặng mấy trăm mét, cả hai bên đường bộ hành ta thấy những nhịp cầu thang đi xuống phía dưới gầm cầu. Đấy là đường đi xuống dải đất phù sa màu mỡ nổi lên ở chính giữa sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội (từ dưới cầu Chương Dương, dưới cầu Long Biên, qua phường Phúc Tân - Hoàn Kiếm tới phường Nhật Tân - Tây Hồ), dải đất ấy từ lâu đã được người dân Hà Nội gọi là Bãi Giữa. Đây cũng là nơi được các đoàn từ thiện chọn để “hành hiệp trượng nghĩa” nhiều nhất, có lẽ vì gần.

Đây là nơi sinh sống của 28 hộ gia đình khó khăn quây quần với nhau. Nếu nhìn từ cầu Long Biên xuống, xóm Phao nhỏ bé, nép mình bên những hàng cây, một bên là bờ, một bên là nước trắng. Xóm bãi giữa sông Hồng còn được người dân nơi đây gọi là xóm Nổi, xóm Bến bởi mọi sinh hoạt của họ đều gắn liền với bãi sông, bến nước. Những túp lều xác xơ, mái, vách, cánh cửa... chắp vá bằng các tấm phế liệu thu nhặt được, mỗi tấm một màu nên những “ngôi nhà” loang lổ càng nổi bật giữa màu cây lá.

kho vi duoc nhan tu thien
Căn nhà của chị Trần Phương Hoa ở bãi giữa sông Hồng

Chị Trần Phương Hoa, một cư dân tại đây cho biết: “Mình ở trên sông, mình làm nhà trên những thùng phi rồi đóng ván lên. Tuổi như các ông, các bà thì giấy tờ không có, nhưng bọn trẻ con thì đứa có, đứa không vì tùy theo bố, theo mẹ. Trước đây, họ có đuổi, nhưng bây giờ thì họ không đuổi nữa. Ở đây mùa mưa rất vất vả, mình phải chuyển đồ lên, chuyển đồ xuống. Còn điện thì dùng bình ắc-quy đi nạp ở trên phố, nước thì dùng nước giếng khoan. Điện không có, nước sạch cũng không, nhà nào khá giả lắm mới có bình lọc nước, còn không cứ khoan trực tiếp xuống lòng đất ở trên bờ rồi cả xóm dùng chung. Điện thắp sáng thì phải lấy bình ắc-quy tích điện”.

kho vi duoc nhan tu thien

Hỏi ra thì chúng tôi mới biết, chị Trần Phương Hoa hiện đang bị ung thư vòm họng, là trường hợp khó khăn nhất tại xóm, hiện chị sống tại túp lều nổi trên mặt nước cùng chồng. Theo chị Hoa, kể từ khi chị tới cái xóm này ở, cũng gặp rất nhiều đoàn từ thiện tới để trao quà giúp đỡ, tuy nhiên cùng với đó là nhiều chuyện dở khóc dở cười đến với gia đình chị.

“Cách đây không lâu, có một trường học đưa học sinh xuống đây để làm từ thiện, mấy bạn trẻ đó ai cũng muốn xem mặt, ai cũng muốn chụp ảnh với mình… thế là bao nhiêu người đều nhảy vào nhà hết. Cản không nổi, chẳng nhẽ mình lại lớn tiếng đuổi mọi người ra. Mà em thấy đấy, cái nhà này thì được làm bằng các thùng phuy nổi, với chắp vá đủ thứ không được kiên cố. Hơn nữa là nhà nổi nên không như trên đất bằng, nhiều người vào quá khiến cả căn nhà chòng chành làm nhiều vật dụng trong nhà bị đổ, hư hỏng” - chị Hoa kể.

Như vậy, có thể thấy việc từ thiện của một trường học vốn là chuyện tốt, nhưng do cách làm sai lại thành ra… phá hoại. Theo chị Hoa, sau vài cuộc từ thiện, gia đình chị phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để sửa lại căn nhà vừa bị hư hỏng.

Tuy nhiên, những vấn đề rắc rối của kiểu từ thiện “ỡm ờ” này không chỉ có vậy, có đoàn từ thiện của một doanh nghiệp sở hữu số vốn nghìn tỷ đồng kéo quân hoành tráng tới Bãi Giữa để tặng quà cho các cư dân tại đây, sau đó hứa hẹn đủ điều rằng sẽ giúp người dân ở đây bớt khổ cực. Thế nhưng, nói vẫn chỉ là việc của mồm, lời hứa thì như gió thoảng mây bay, người dân thì cứ dài cổ ra chờ đợi nhưng doanh nghiệp kia thì biệt tăm biệt tích, một đi không trở lại.

Từ thiện theo “mốt”

Xã hội ngày càng hiện đại, với sức mạnh của mạng xã hội việc làm từ thiện đôi khi giống như “mốt”. Thấy người ta đi từ thiện mình cũng phải đi, kém miếng khó chịu nhưng thực chất họ đi “từ thiện du lịch”, chỉ nhăm nhăm chụp ảnh tự sướng sau đó khoe mẽ trên facebook. Thế nên việc đồ cứu trợ sau khi đưa tới tay người nhận thì không sử dụng được là chuyện bình thường. Thậm chí có nhóm còn không thèm quan tâm đồ cứu trợ của mình có được dùng hay không.

Cũng có một số người nhân việc từ thiện, tranh thủ “tống” quần áo, chăn màn cũ. Ai làm tình nguyện viên từ thiện tham gia khâu phân loại quần áo đều biết điều này. Có người “giúp người nghèo” cả bao quần áo, nhưng cái rách, cái bạc, cái doãng, chỉ có thể bỏ làm giẻ lau.

Cần minh bạch quản lý

Đức Phật dạy rằng, bố thí là việc đầu tiên phải thực hành trên con đường giác ngộ xóa bỏ vô minh, làm người cũng cần phải có lòng từ, bi, hỉ , xả (tứ vô lượng tâm). Đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, và cũng giúp bản thân mỗi người sớm tìm được minh triết trong cuộc sống, để từ đó thoát khỏi kiếp luân hồi, vãng sinh nơi cực lạc vô ưu. Vậy làm việc thiện thế nào cho đúng, khi hiện nay có quá nhiều người lợi dụng hai chữ “từ thiện” để mưu đồ cá nhân, kiếm tiền trên sự khốn cùng của người khác. Hoặc đi làm từ thiện chỉ để khoa trương, làm hình ảnh, hứa hẹn giúp đỡ sau đó mất dạng.

Hiện nay, các hoạt động từ thiện nở rộ ngoài việc thể hiện sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, còn thể hiện sự nhân văn và ý thức trách nhiệm về cộng đồng của một số người có điều kiện về kinh tế. Tuy vậy, hoạt động từ thiện mất kiểm soát lại đưa xã hội đứng trước những hiểm họa khó lường khi nó làm mất đi ý thức lao động trong một bộ phận người nghèo, đẩy họ vào hoàn cảnh dễ dàng phạm tội.

Có lẽ, hơn bao giờ hết chúng ta cần những chế tài rõ ràng, cụ thể và sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng để chấn chỉnh các hoạt động từ thiện nhằm trả lại những giá trị cao đẹp vốn có của nó.

Hiện Chính phủ cũng có một số quy định khi thành lập quỹ từ thiện. Tuy nhiên, lại không có các quy định hoặc chế tài nào để xử phạt những người hoạt động từ thiện tự phát hoặc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ các hoạt động từ thiện. Rõ ràng xã hội đang thiếu một định hướng cần thiết và sự đào tạo cơ bản về các hoạt động từ thiện từ cơ quan chức năng của Nhà nước.

Chính vì vậy, cả xã hội ta đang hoạt động từ thiện một cách tự phát, mất kiểm soát, không có phương pháp, không có mục đích rõ ràng và đang gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Nếu không có sự can thiệp chấn chỉnh kịp thời và đủ tính răn đe từ pháp luật, e rằng hoạt động từ thiện mất kiểm soát sẽ biến tướng thành các hình thức lừa đảo và đẩy lùi ý thức lao động của xã hội hoặc chỉ tạo thêm tệ nạn cho xã hội mà thôi.

 

Cẩm Tú

Năng lượng Mới số 525