Khó khăn huy động vốn
Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011 đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là những DN có hoạt động sản xuất – kinh doanh phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay thì những trở ngại quả không dễ vượt qua…
Phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi lại ý kiến của chuyên gia kinh tế cũng như người đứng đầu các DN để thấy rõ hơn những khó khăn này.
PGS.TS. Lê Xuân Bá – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP, chính sách tiền tệ đã được thực hiện theo hướng thắt chặt, thể hiện ở việc giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%, áp dụng với tất cả các ngân hàng (so với mức 23% của kế hoạch đầu năm) và tổng phương tiện thanh toán dưới 16%. Việc thắt chặt này buộc các ngân hàng phải lựa chọn những DN có thể đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Bên cạnh đó, trần lãi suất huy động là 14% hay 15%/năm là mức hỗ trợ tốt nhất cho chính sách thắt chặt tiền tệ mà NHNN đang thực thi. Với mức lãi suất huy động như vậy thì mức lãi suất cho vay khoảng 17-19%. Tuy nhiên, so với “sức khỏe” của DN hiện nay thì mức lãi suất cho vay như vậy là quá cao, khiến khả năng sinh lợi của các DN suy giảm, lợi nhuận không đủ bù lãi vay, thậm chí thua lỗ.
Lãi suất quá cao và khó tiếp cận được nguồn vốn, nhiều DN không mạnh dạn đầu tư chiều sâu để phát triển trong dài hạn, thu hẹp sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng; như vậy sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỉ giá đã tác động tiêu cực đến DN, ảnh hưởng rõ nhất là việc tăng chi phí đối với các DN phải sử dụng nhiều ngoại tệ nhập khẩu vật tư, nhiên liệu, thiết bị.
Mặt khác, quy định đối tượng được vay vốn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, dịch theo Thông tư 07/2011/TT-NHNN còn quá chung chung có thể dẫn đến cơ chế xin – cho ngay trong ngân hàng và khiến DN nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu phải “cạnh tranh” với các đơn vị nhập hàng xa xỉ phẩm để có thể vay được ngoại tệ.
Ông Phùng Văn Thỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Quảng Đông:
Lạm phát tăng cao và chỉ tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 7 % của Chính phủ trong năm 2011 khó thực hiện. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác như: chi ngân sách, nhập siêu… cũng khó thực hiện. Chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng đã gây rất nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt DN có hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn vay. Nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện DN đang gặp rất nhiều trở ngại trong việc huy động vốn. Huy động vốn bằng xây dựng các dự án khả thi hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của DN đều khó thực hiện. Huy động vốn bằng hình thức liên doanh, liên kết hay huy động vốn từ người thân, bạn bè đều không bền vững nên hiệu quả hạn chế.
Ông Đỗ Hồng Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bạch Đằng:
Lạm phát đã làm giảm đáng kể sức sản xuất của Doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút mạnh, thậm chí DN rất dễ đi đến nguy cơ phá sản. Nhiều DN phải cắt giảm lao động, điều này gây áp lực không nhỏ tới xã hội do tăng tỉ lệ thất nghiệp.
Đối với DN chuyên ngành xây lắp, hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn. Đây là loại hàng hóa đặc biệt do khách hàng đặt hàng trước, có giá trị lớn, thời gian gia công dài, được đặt tại một địa điểm cố định. Mặt khác, lại phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng rất lớn do giá trị công trình lớn, thi công kéo dài phải ứng vốn, quyết toán chậm… Tuy nhiên khả năng thua lỗ luôn tiềm ẩn do phải có một lượng vốn vay ngân hàng để quay vòng, với lãi suất cao.
Theo Năng lượng Mới