Khi nào thì khoanh nợ, khi nào được xóa nợ thuế?
Trao đổi với báo chí, mới đây ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, để đưa Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) không có khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) (gọi chung là Nghị quyết xử lý nợ) vào áp dụng trong thực tiễn, có hai nội dung rất quan trọng cần quy định rõ là khi nào khoanh nợ và khi nào xóa nợ tiền thuế.
Ông Toản nêu rõ, với trường hợp khoanh nợ, sẽ áp dụng khoanh nợ tiền thuế kể từ ngày 1/7/2020 đối với NNT đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; NNT có quyết định giải thể; NNT phá sản, NNT không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; NNT đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Khi nào thì khoanh nợ, khi nào được xóa nợ thuế? |
Với trường hợp được xóa nợ thuế, ông Toản cho biết, NNT sẽ được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020 đối với các đối tượng được khoanh nợ đã nêu trên. Điều kiện để được xóa nợ là NNT không còn khả năng nộp NSNN. Điều kiện xử lý theo từng đối tượng cụ thể như sau: Đối với NNT đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì cần có giấy chứng tử, hoặc giấy báo tử, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; trường hợp NNT giải thể thì phải có quyết định giải thể, hoặc thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc NNT đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Với trường hợp NNT phá sản, thì cần có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, hoặc tòa án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu NNT không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, hoặc NNT đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cơ quan thuế phải xác định chính xác là không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế, có biên bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế với UBND xã, phường, thị trấn nơi NNT có trụ sở, hoặc địa chỉ liên lạc về NNT không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc, hoặc cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
Trường hợp xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020 đối với NNT bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì cần đảm bảo các điều kiện sau: Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc NNT bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian, địa điểm xảy ra; có văn bản đánh giá thiệt hại vật chất do NNT lập và có xác nhận về giá trị thiệt hại của tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan thẩm định giá, hoặc cơ quan bảo hiểm; số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa tính trên số tiền nợ thuế phát sinh vượt ra ngoài giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại sau khi đã trừ các khoản đã được bồi thường, bảo hiểm.
Với trường hợp xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020 đối với NNT cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán, phải đảm bảo các điều kiện sau: Có văn bản xác nhận của đơn vị sử dụng vốn NSNN về NNT chưa được thanh toán; có hợp đồng kinh tế ký với đơn vị sử dụng vốn NSNN và biên bản nghiệm thu công trình; số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa được tính trên số nợ tiền thuế, nhưng số nợ tiền thuế không vượt quá số tiền NSNN chậm thanh toán.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối năm 2019, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp vào ngân sách nhà nước. Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng xóa nợ thuế sai đối tượng do lợi ích nhóm.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, cần nghiên cứu và xem xét các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản nhưng lại có thể thành lập lại doanh nghiệp với tên khác và do người của họ đứng tên, điều này không dễ phát hiện. Bởi số tiền được xét xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp liên quan đến đối tượng này là không nhỏ, chiếm tỷ trọng 96,5% trong tổng số tiền xử lý nợ (16.357 tỷ đồng).
Đại biểu đề nghị: “Dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm, làm thiệt hại ngân sách nhà nước vì số tiền xóa nợ là rất lớn".
P.V
Ngành thuế “mất trắng” hơn 40 nghìn tỷ đồng tiền nợ |
Nợ không có khả năng thu hồi chiếm gần 50% |
Đại biểu lo có lợi ích nhóm trong xóa nợ thuế |